(Baonghean.vn) - Không chỉ riêng Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, kỳ thi đại học là một sự kiện quan trọng nhận được sự quan tâm của dư luận. Hãy cùng  tìm hiểu xem, kỳ thi tuyển sinh đại học ở các nước trên thế giới có gì đặc biệt?

1. Pháp
 
resize_images1932934_11.jpgSinh viên Pháp. Ảnh: Internet

Ở Pháp, học sinh phải tham gia kỳ thi duy nhất để tốt nghiệp trung học và xét tuyển vào đại học, được gọi là Thi tú tài (baccalaureate). Học sinh phải đạt tối thiểu 10/20 điểm (tính trung bình điểm các môn); nếu chỉ đạt 8-9/20 sẽ phải thi lại hoặc tham gia một bài thi vấn đáp sau đó. Nếu đạt dưới 8/20, học sinh phải học lại.

Kỳ thi tú tài được chia làm 3 khối thi và học sinh chọn một khối để tham gia. Khối S (Khoa học) yêu cầu người thi phải có trình độ cao trong Toán, Vật lý, Hóa, Sinh. Khối ES (Kinh tế và Khoa học xã hội) tập trung vào các môn về kinh tế và xã hội. Khối L (Ngữ văn) coi trọng các môn văn học Pháp, Triết học, Sử, Địa, Ngoại ngữ.

Hình thức thi chủ yếu là viết và vấn đáp. Một số bài thi về khoa học còn có thêm phần thi trong phòng thí nghiệm.

2. Mỹ

 

SAT là một phần trong quá trình tuyển sinh đại học ở Mỹ. Ảnh minh họa: Wordpress.com.

Tại Mỹ, bài thi chuẩn hóa (SAT) là một trong những bài thi xét tuyển của nhiều trường đại học ở Mỹ. Từ tháng 3/2016, SAT đã thay đổi về hình thức, gồm 3 phần: Đọc hiểu và viết; Toán; Viết luận. Bài Đọc hiểu (65 phút) và viết (35 phút) đánh giá khả năng dùng từ, suy luận của người thi. Tất cả câu hỏi đều ở dạng trắc nghiệm.

Bài thi Toán (80 phút) chia làm hai phần, phần dùng máy tính và phần không dùng máy tính. Đa số câu hỏi là trắc nghiệm nhưng cũng có một số câu tự điền đáp án. Bài thi dựa trên tình huống đời thực và yêu cầu học sinh dùng công thức toán để giải quyết vấn đề.

Bài Viết luận không bắt buộc và giống với những bài luận phải viết khi nộp đơn xin vào đại học. Mặc dù không phải bài thi bắt buộc, nhưng một số trường vẫn yêu cầu học sinh tham gia.

3. Thụy Điển

Du học sinh ở Thụy Điển. Ảnh: Internet

Bài thi đánh giá năng lực (SweAT) là bài kiểm tra tiêu chuẩn để xét tuyển vào đại học. Từ năm 2011, bài thi được chia làm 2 phần, tính toán và viết. Tổng cộng có 160 câu hỏi, chia là 4 bài thi nhỏ trong đó hai bài thuộc phần tính toán, hai bài thuộc phần viết.

Trong phần tính toán có 4 chủ đề là Toán học (24 câu), So sánh định lượng (20 câu), Biểu đồ và đồ thị (24 câu), Phân tích dữ liệu (12 câu). Phần viết cũng có 4 chủ đề là Đọc hiểu tiếng Anh, Đọc hiểu tiếng Thụy Điển, Từ vựng và Hoàn thành câu. Mỗi chủ đề đều có 20 câu hỏi.

4. Hàn Quốc

 

Một phòng thi đại học ở Hàn Quốc. Ảnh: Internet

Kỳ thi năng lực đại học (CSAT) ra đời năm 1994 là bài thi tiêu chuẩn được các đại học ở Hàn Quốc chấp nhận. Kỳ thi trước đây chỉ có 5 bài nhưng từ năm 2016, sĩ tử phải tham gia thêm bài Lịch sử.

Bài thi Ngữ văn, Toán học và tiếng Anh tính trên thang điểm 100, trong đó bài tiếng Anh có cả phần nghe. Ngoài tiếng Anh, học sinh phải tham gia một bài thi Ngoại ngữ khác, thường là tiếng Trung với thang điểm 50.

Lịch sử thang điểm 50 mới đây trở thành bài thi bắt buộc ở quốc gia này. Môn thi cuối cùng học sinh được tự chọn trong các môn Xã hội, Khoa học và Dạy nghề.

5. Trung Quốc

Một thí sinh ở Giang Tô (Trung Quốc) trình thẻ dự thi trước khi vào phòng thi. Ảnh: Internet

Kỳ thi xét tuyển Đại học Quốc gia (NCEE) được tổ chức hàng năm và được coi là điểu kiện bắt buộc để vào hầu hết đại học ở Trung Quốc. Hình thức thi của NCEE còn được gọi là “3+X”, nghĩa là thí sinh phải tham gia 3 bài thi bắt buộc (tiếng Trung, Toán và Ngoại ngữ) với thang điểm 150 mỗi bài và X bài thi tự chọn về Khoa học xã hội (Khoa học chính trị, Lịch sử, Địa lý), hoặc Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học) chiếm 300/750 tổng số điểm.

6. Nhật Bản

Kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia Nhật Bản diễn ra vào giữa tháng 1 hàng năm. Ảnh: Internet

Kết quả của kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia diễn ra trong 2 ngày giữa tháng 1 hàng năm được các trường đại học công lập và một số trường tư chấp nhận. Có 29 bài thi trong 6 môn học (Toán, Khoa học, Văn học Nhật Bản, Ngoại ngữ, Công dân, Địa lý - Lịch sử).

Thí sinh sẽ chỉ làm những bài thi theo yêu cầu của trường đại học mà họ nộp đơn vào. Các câu hỏi đều dưới dạng trắc nghiệm và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.

7. Liên bang Nga

Học sinh trung học tại Nga trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Ảnh: Sides.su.

Trước đây, Nga có rất nhiều bài thi học sinh phải qua để tốt nghiệp trung học và lên đại học. Nhưng từ năm 2009, Nga đã gộp các kỳ thi vào thành một. Thí sinh bắt buộc thi tiếng Nga và Toán học. Ngoài ra, họ có thể chọn thi thêm Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Văn học, Lịch sử… theo mong muốn cá nhân hay yêu cầu đặc biệt của từng trường.

Mỗi bài thi có hai phần. Phần 1 gồm câu hỏi ở dạng trả lời ngắn gọn. Phần 2 có thể chỉ có một hoặc vài câu hỏi yêu cầu thí sinh sử dụng khả năng sáng tạo để làm.

8. Canada

Du học sinh Canada. Ảnh: Internet

Ở Canada cũng không có kỳ thi tuyển sinh đại học chung mà chỉ sử dụng hình thức xét tuyển. Mỗi trường đại học sẽ có một tiêu chuẩn nhập học khác nhau và xét hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể.

9. Australia
 
 
Một góc khuôn viên ĐH La Trobe, Melbourne. Ảnh: Internet

Ở Australia cũng gần như không có kỳ thi tuyển sinh đại học. Học sinh sẽ được xét tuyển vào đại học hoặc các trường cao đẳng dạy nghề dựa vào kết quả học tập trung học hoặc thông qua bài thi STAT bao gồm trắc nghiệm Toán, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và viết bài luận tiếng Anh.

10. Ấn Độ

Một lò luyện thi ở Ấn Độ. Ảnh: Internet

Ở Ấn Độ, việc tuyển sinh đại học lại có đôi chút phức tạp. Học sinh cuối cấp THPT ở Ấn Độ sẽ phải tham dự 02 kỳ thi là Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học. Điểm thi tốt nghiệp và điểm thi đại học là cơ sở để các trường đại học lựa chọn sinh viên. Tuy nhiên, từng địa phương và từng trường đại học lại có cách chấm điểm, thang điểm và điểm chuẩn khác nhau.

11. Na Uy

Du học miễn phí ở Na Uy. Ảnh: Internet

Một đất nước khác không có kỳ thi Tuyển sinh Đại học là Na Uy. Thành tích tại trường THPT, điểm thưởng cho ngành học đặc biệt, kinh nghiệm phục vụ quân đội của một học sinh là những yếu tố được cân nhắc trong quá trình xét tuyển đại học. Mỗi học sinh có thể gửi hồ sơ của mình tới 10 trường đại học khác nhau để tham gia xét tuyển.

12. Ireland

Sinh viên đại học Ireland. Ảnh: Internet

Ở Ireland, sau khi học xong trung học, học sinh sẽ phải tham gia một kỳ thi Quốc gia để lấy Chứng chỉ Tốt nghiệp Phổ thông. Sau đó, những thí sinh muốn vào đại học sẽ nộp nguyện vọng lên Cơ quan Tuyển sinh Trung ương và máy tính sẽ tự động chuyển danh sách thí sinh cùng điểm thi tốt nghiệp đến các trường dựa theo nguyện vọng của thí sinh. Mỗi trường sẽ tự xác định số lượng sinh viên cho mỗi ngành học và thông báo kết quả về cho thí sinh trúng tuyển./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN