Nếu tuyển sinh đại học theo nhóm, tính linh hoạt của các trường trong việc phân bổ thí sinh vào các ngành khó thực hiện hơn
Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác xét tuyển tập trung để chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước thống nhất triển khai.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), việc tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015 và vấn đề thí sinh “ảo” cho các trường.
Do 4 nguyện vọng của thí sinh được xét đồng thời khi xét tuyển tập trung thay cho việc 2 nguyện vọng được xét tuyển ở mỗi trường nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ được nâng cao. Mặt khác, phương thức xét tuyển này đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch; đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường.
Xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm GX (các trường tuyển sinh theo nhóm). Phương thức này hợp lý, bình đẳng và hiệu quả hơn so với việc các nhóm nhỏ và các trường xét tuyển riêng rẽ như trước đây. Vì vậy, không cần thiết phải tồn tại các nhóm nhỏ như GX và các nhóm khác nữa. Tất cả các nhóm này sẽ nhập vào cùng một “nhóm” chung toàn quốc.
Tính linh hoạt của mỗi trường có thể bị ảnh hưởng
Trước đó, để khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”, đầu tháng 4/2016, Bộ GD-ĐT đưa ra giải pháp cho các trường có thể xét tuyển theo nhóm. Tính đến cuối tháng 4/2016, đã có 11 trường ĐH đăng ký tuyển sinh theo nhóm.
Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 tháng, Bộ GD-ĐT lại thông báo sẽ xét tuyển tập trung. Vậy tuyển sinh theo nhóm trường có những bất cập gì mà khiến Bộ phải thay đổi chuyển sang xét tuyển tập trung?
ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường đăng ký thực hiện tuyển sinh tuyển sinh theo nhóm. GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Luật Giáo dục ĐH quy định việc tuyển sinh là của các trường, nên việc lập nhóm hay không là do các trường tự nguyện.
Tuy nhiên, trong tuyển sinh theo nhóm, tính linh hoạt của mỗi trường ĐH có khả năng bị suy giảm. Nếu như mọi năm, khi có kết quả thi của thí sinh, ĐH Kinh tế Quốc dân đều có phương án chốt điểm chuẩn tuyển theo ngành học. Số lượng thí sinh được phân bổ vào các ngành tương đối hài hòa, tránh tình trạng một số ngành có quá đông thí sinh nhưng cũng có một số ngành không có thí sinh.
Còn như năm nay, nếu tuyển sinh theo nhóm, khi các trường ĐH chốt lệnh tuyển sinh cũng là lúc phần mềm dữ liệu sẽ chạy thì các trường trong nhóm khó có thể thay đổi điểm chuẩn, phân bổ thí sinh hài hòa với điểm thi của các em cũng như phân bổ số lượng thí sinh ở các ngành trong trường một cách phù hợp nữa.
Các trường top giữa, top dưới khó thực hiện
Quy định xét tuyển theo nhóm cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
Tuy nhiên, theo một số trường ĐH, phương án xét tuyển theo nhóm trường chỉ có thể giảm thí sinh xét tuyển ảo trong các trường thuộc một nhóm chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Với những trường top đầu, trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, hoặc có các ngành đào tạo hấp dẫn thì việc tham gia nhóm có thể mang lại nhiều lợi ích. Nhưng những trường thuộc top giữa, top dưới, nếu không tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh riêng của nhóm thì rất dễ xảy ra tình trạng phải chạy đua để tuyển sinh ngay trong nhóm.
Ngoài ra, khi thực hiện xét tuyển theo nhóm, có thể một số trường vì lợi ích tuyển sinh của trường mình mà không chấp hành quy định chung mà nhóm đề ra.
Theo GS.TS.NGƯT Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng, những trường ĐH, CĐ xét tuyển theo nhóm phải thống nhất và thực hiện các quy định chung mà nhóm đề ra. Khi trường ĐH A xét tuyển ngành, tổ hợp này thì ĐH B xét tuyển ngành, tổ hợp khác.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 1 trường ĐH và có thể rút-nộp hồ sơ từ trường này sang trường khác nên dẫn đến tình trạng “rối loạn” trong xét tuyển ĐH, hồ sơ “ảo” tăng.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra quy chế mới là cho phép các trường ĐH xét tuyển theo nhóm. Thế nhưng, chưa chắc phương án này đã khắc phục được hoàn toàn thí sinh “ảo”.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long nêu ý kiến, để xét tuyển theo nhóm hiệu quả, các trường ĐH, CĐ cần có phần mềm quản lý dữ liệu tuyển sinh tốt, cập nhật liên tục, thông suốt. Qua đó, các trường cũng biết rõ được số liệu chính thức thí sinh xét tuyển vào trường và cũng có thể dự đoán được thí sinh “ảo”.
Chuyển ngành học tự nhiên sang xã hội sẽ khó
Việc xét tuyển theo nhóm chỉ mang lại lợi ích cho thí sinh và giúp các trường ĐH, CĐ dự đoán và khắc phục được thí sinh “ảo” khi các trường có cùng ngành học, điểm tuyển sinh vào trường tương đương nhau.
Điểm tuyển sinh “đầu vào” giữa các trường chỉ vênh nhau tối đa là 1 điểm. Ví dụ như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và ĐH Bách Khoa TP HCM có những ngành nghề như: công nghệ, kỹ thuật trùng nhau đến 90%.
Tuy nhiên, thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm, nếu không đỗ ngành kỹ thuật công nghệ của một trường Khoa học tự nhiên thì khó có thể chuyển sang các khối của trường Xã hội & Nhân văn. Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nghĩ tới việc có trường nào đó thuộc tốp “giữa” nghĩ tới lợi ích tuyển sinh của trường mà đăng ký tham gia xét tuyển với nhóm trường thuộc tốp trên sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn ngành nghề, trường học theo sở thích của thí sinh. Đơn cử như ngành Công nghệ của ĐH Bách Khoa TP HCM lấy điểm chuẩn là 24 điểm nhưng có thí sinh chỉ đạt 23,75 điểm không đỗ vào trường này nhưng lại cũng không được xét tuyển vào trường đào tạo ngang tầm với ĐH Bách khoa TP HCM mà lại bị đẩy xuống trường tốp dưới thì sẽ thiệt thòi cho các em.
Với những bất cập mà các trường ĐH đưa ra đã khiến Bộ GD-ĐT thay đổi theo hướng xét tuyển tập trung. Năm nay là năm đầu tiên ngành GD-ĐT thực hiện tuyển sinh theo hình thức này nên chưa thể nói trước được những điều gì sẽ xảy ra.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, đề xuất của các trường ĐH, thí sinh để công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đạt kết quả tốt nhất, tránh gây lãng phí và tác động lớn đến xã hội.
Theo VOV