Để làm rõ một số vấn đề dư luận quan tâm, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngày 26/3, lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong -un đã có chuyến thăm một ngày tới Trung Quốc. Đúng là trước và trong chuyến thăm cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không đưa tin. Ngày 27/3, sau khi kết thúc chuyến thăm Tân Hoa Xã mới xác nhận và thông tin về chuyến thăm. Đây thực sự là điều bí mật, bất ngờ. Theo tôi có thể lý giải bằng hai nguyên nhân như sau.
Thứ nhất, cả Trung Quốc và Triều Tiên không muốn tuyên truyền quảng bá rộng rãi về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Vì đã gần 10 năm nay Liên Hợp quốc có nhiều nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc là ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhưng vẫn để tồn tại nghi ngờ Triều Tiên có sự hậu thuẫn của Trung Quốc nên Triều Tiên không hề bị suy sụp. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc, mà trực tiếp là Mỹ, không có tác động đáng kể gì với Triều Tiên. Do đó, Trung và Triều đều không muốn phô trương vì đây là mối quan hệ khá nhạy cảm với dư luận quốc tế.
Thứ hai, có thể đó là do tính cách của lãnh đạo Triều Tiên. Trước đây Chủ tịch Kim Nhật Thành (ông nội của Chủ tịch Kim Jong-un) thăm Liên Xô (cũ), thăm Trung Quốc cũng bí mật. Rồi đến Chủ tịch Kim Jong il (bố của Chủ tịch Kim Jong -un) đi thăm Nga, thăm Trung Quốc cũng đi bí mật. Còn bất ngờ nữa là họ không bao giờ đi bằng máy bay. Ngày 26/3 vừa rồi Chủ tịch Kim Jong-un cũng đi trên một chuyến tàu hỏa đặc biệt. Đó phải chăng là tính cách của một quốc gia bị cô lập lâu năm. Một quốc gia khá khép kín nên họ không muốn có quảng bá ồn ào. Vì như thế chỉ thêm tò mò cho cộng đồng quốc tế, nhất là các nước như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Điều này phù hợp với tính cách của chính quyền Bình Nhưỡng, phù hợp với yêu cầu chính trị, an ninh cả Trung Quốc, Triều Tiên, trong bối cảnh cuộc gặp gỡ này sẽ hết sức được quan tâm.
PV: Có một chi tiết đáng chú ý là truyền thông Trung Quốc đưa tin đây là chuyến thăm không chính thức của Chủ tịch Kim Jong-un tới Trung Quốc, nhưng qua hình ảnh báo chí đưa tin cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã trải thảm đỏ để đón lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, và mời ông Kim Jong -un duyệt đội danh dự hải, lục, không quân của Trung Quốc?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo thông lệ quốc tế, đã gọi là thăm không chính thức thì không có nghi thức ngoại giao tương ứng. Cụ thể như ngày 7/4/2017 Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Donald Trump mà không phải là chuyến thăm cấp Nhà nước, việc đón tiếp không diễn ra ở Nhà Trắng, mà được thực hiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Tổng thống Trump.
Vậy nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại dùng nghi thức ngoại giao trang trọng để đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, đó là cách làm lạ đời của Trung Quốc và Triều Tiên. Xem ra, có mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức. Phải chăng, phía Trung Quốc và Triều Tiên muốn hạ thấp vai trò của chuyến đi này xuống, không cần phải phô trương để giảm bớt tò mò, theo dõi, xoi mói. Nhưng tục ngữ có câu “giấu đầu hở đuôi”.
PV: Theo nhận định của thiếu tướng thì mục đích chuyến đi của ông Kim Jong-un là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau 6 năm 4 tháng cầm quyền, ông Kim Jong-un tổ chức chuyến đi nước ngoài đầu tiên và đó là đi thăm không chính thức Trung Quốc. Theo tôi, chuyến thăm của ông Kim Jong-un vừa rồi có 3 mục đích.
Thứ nhất, ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu trong nước. Đó là thông qua chuyến thăm này để tạo thêm sự thống nhất trong nội bộ 25 triệu người Triều Tiên, trong Đảng Cộng sản Triều Tiên. Thời gian qua có dư luận tỏ rõ hoài nghi cho rằng quan hệ Triệu - Trung phải chăng đang vào giai đoạn lạnh nhạt? Triều Tiên đang đi vào quỹ đạo thân Mỹ, Phương Tây? Do đó, chuyến thăm này trước hết nhằm khẳng định quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên vẫn là quan hệ nền tảng, thủy chung, là mối quan hệ bền chặt nhất trong quan hệ đối ngoại của Triều Tiên. Thông qua chuyến thăm này Chủ tịch Kim Jong-un nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong nội bộ cán bộ, đảng viên ở Triều Tiên.
Thứ hailà thông qua chuyến thăm này, ông Kim Jong-un cũng chính thức muốn khẳng định với Đảng Cộng sản Trung Quốc và với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng tới đây lãnh đạo Triều Tiên có thể đàm phán với Nhật, Hàn, Mỹ... nhưng quan hệ Trung - Triều vẫn là quan hệ nền tảng trong mọi mối quan hệ đối ngoại của Triều Tiên. Triều Tiên vẫn là bạn bè, vẫn thủy chung với Trung Quốc. Do đó thực hiện chuyến gặp còn nhằm mục đích xua tan suy nghĩ vấn đề Triều Tiên đang tìm con đường khác, đang rời khỏi Trung Quốc.
Thứ ba là chuyến thăm này diễn ra trước cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra giữa lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 4, với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 5... Mặc dù không tuyên bố nhưng rất có thể ông Kim Jong-un sẽ trao đổi với ông Tập Cận Bình về những vấn đề sẽ đàm phán với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, và nếu có với Nhật Bản. Đồng thời, có thể dễ nhận thấy rằng sau khi thăm Trung Quốc, ông Kim Jong-un sẽ có thêm sức mạnh, có thêm vị thế, có thêm “hành trang” để ngồi đối diện với mọi đối thủ mạnh như Donald Trump.
Nếu như vậy thì cả ba mục đích đề ra, theo tôi ông Kim Jong-un đều đã đạt được cả. Có thể khẳng định rằng chuyến thăm Trung Quốc hôm 26/3 vừa rồi là một hoạt động ngoại giao khôn ngoan của ông Kim Jong-un.
PV: Cảm ơn Thiếu tướng!