(Baonghean) - Sau những sự kiện không thể dự đoán trước như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hay chiến thắng đầy bất ngờ của Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Mỹ vừa qua, thế giới đang chứng kiến những xoay chuyển trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Điển hình là trục quan hệ Nga - Anh - Mỹ, được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới tình hình địa chính trị liên khu vực cũng như bản thân những mối quan hệ này.
Mỹ - Anh xa cách?
Ngay sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử quan trọng vừa qua, dư luận đã bắt đầu phân tích về mối quan hệ Mỹ - Anh dưới thời ông Trump. Không ít người cho rằng, mối quan hệ này sẽ càng được thắt chặt và mở ra nhiều cơ hội mới cho cả hai nước. Thế nhưng thực tế lại không như vậy.
Giới phân tích đã chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa chính quyền Thủ tướng Anh Theresa May và những tuyên bố thời gian qua của ông Trump. Đầu tiên đó là quan điểm “bớt mặn mà” với các đồng minh và tạo dựng một vị trí nước Mỹ độc lập đi đầu của ông Donald Trump. Thời gian qua, nước Anh vốn luôn giữ mối quan hệ bền chặt với Mỹ nhằm mục đích tạo ảnh hưởng cũng như tăng cường vị thế. Bởi thế tất yếu, chiến lược này của Anh sẽ phải điều chỉnh dưới thời Tổng thống Trump. Thứ hai, bản thân bà Theresa May trong thời gian trước bầu cử Mỹ đã có lần phê phán ông Trump về một số tuyên bố về người Hồi giáo. Ấn tượng này chắc hẳn không dễ quên đối với ông Trump.
Điểm nữa, bà May và ông Trump cũng không đồng nhất quan điểm về các hồ sơ nóng thế giới. Ví dụ, Thủ tướng Anh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran còn ông Trump thì không. Biểu hiện mới nhất là vừa qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề xuất cựu thủ lĩnh đảng cánh tả UKIP Nigel Farage làm Đại sứ Anh tại Mỹ.
Ông Nigel Farage là người tuyên truyền, ủng hộ mạnh mẽ nhất để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cũng như đề cao chính sách bài nhập cư trong các đảng chính trị tại Anh. Tuy nhiên, động thái này được cho là đã làm Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May không hài lòng và có thể làm rạn nứt mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Mỹ.
Nga - Anh xích lại gần nhau
Trong khi triển vọng quan hệ Mỹ - Anh chưa có nhiều sáng sủa thì mối quan hệ Nga - Anh lại có phần rộng mở. Nhìn lại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc hồi tháng 9, nhà lãnh đạo hai nước đã có cuộc gặp thân mật bên lề và tỏ ra rất thiện chí trong việc nối lại quan hệ song phương với nhau.
Trả lời báo chí, Thủ tướng Anh Theresa May đã không ngại ngần bày tỏ hy vọng muốn có “một mối quan hệ cởi mở và thẳng thắn” với Nga. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Putin đã phát đi một tín hiệu rõ ràng và dứt khoát rằng, Nga quan tâm đến việc khôi phục quan hệ với Anh và nối lại đàm phán trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất.
Theo giới quan sát, cả Nga và Anh đều đang chịu nhiều gánh nặng liên quan đến Liên minh châu Âu, một bên là các lệnh trừng phạt còn một bên là những hậu quả của “Brexit”. Đây là những yếu tố quan trọng đang kéo hai nước vốn đang “đóng băng quan hệ” xích lại gần nhau hơn.
Trong cuộc điện đàm mới nhất hôm 22/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận với người đồng cấp Anh Boris Johnson khẳng định, Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Anh, nếu Anh xem xét lại các chính sách với Nga. Ngoài triển vọng bình thường hóa quan hệ song phương, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận hợp tác để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Yemen, Libya hay Ukraine.
“Ngư ông đắc lợi”
Nhìn vào trục quan hệ Nga - Anh - Mỹ hậu “Brexit” và hậu “Donald Trump”, giới phân tích cho rằng, Tổng thống Putin lại chính là “ngư ông đắc lợi”. Một mặt, bối cảnh khách quan đang khiến Chính phủ Anh muốn xích lại gần Nga. Mặt khác, Tổng thống đắc cử Donald Trump có những nét tương đồng và luôn bày tỏ ủng hộ Tổng thống Nga Putin. Ông Trump không chỉ nhiều lần ca ngợi ông Putin mà còn tuyên bố sẽ có cách tiếp cận mới trong quan hệ với Nga. Về phía Nga, ông Putin chắc chắn sẽ nắm bắt cơ hội để bình thường hóa quan hệ với cả Anh và Mỹ; từ đó đạt được những mục tiêu chiến lược trong các hồ sơ nóng quốc tế.
Tất nhiên, tính toán là một chuyện còn thực tế tương lai ra sao lại là chuyện khác. Ông Trump chắc chắn sẽ phải cân nhắc thái độ của các đồng minh châu Âu và cả khối NATO để ứng xử phù hợp với Nga. Trong khi đó, Anh cũng phải “đi trên dây” trong mối quan hệ với Nga và Liên minh châu Âu để giảm thiểu những thiệt hại “hậu Brexit”. Còn việc Nga - Anh - Mỹ có cùng bắt tay nhau để giải quyết các hồ sơ nóng hay không lại càng khó đoán định. Có thể sẽ có những mặc cả riêng rẽ song phương để giải quyết, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào lợi ích mà mỗi bên đạt được. Tuy vậy có thể nói, dù sao “Brexit” và hiện tượng “Tổng thống đắc cử Donald Trump” cũng đã gây những xáo trộn lớn trên bàn cờ địa chính trị quốc tế và buộc các nước khác phải quan tâm theo dõi.
Khang Duy