(Baonghean) - Tương Dương là huyện có khá nhiều diện tích nứa, mét, mây. Để khai thác tiềm năng trên, những năm qua địa bàn huyện có một số cơ sở chế biến đũa mét, đan lát, thủ công mỹ nghệ mang lại hiệu quả.

ttt
Đũa tre được phơi khô trước khi nhập cho các cơ sở kinh doanh.

Điển hình là cơ sở chế biến, sản xuất đũa ăn bằng cây mét của anh Cao Anh Khoa ở bản Cây Me xã Thạch Giám. Cơ sở này mỗi ngày sản xuất đạt trên 10.000 đôi đũa, chủ yếu phục vụ đám cưới, khách sạn, nhà hàng ở TP Vinh và các tỉnh lân cận. Hàng năm, cơ sở sản xuất được trên 50.000 triệu đôi đũa, doang thu hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho từ 30-35 lao động với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, để tận dụng phế phẩm của cây mét sau khi sản xuất đũa, anh Khoa còn mạnh dạn mua máy móc, dây chuyền để chế biến thô bán cho cơ sở chế biến bột giấy, hàng năm chế biến và bán trên 300 tấn nguyên liệu làm bột giấy.

Sản phẩm đũa tre đang được xử lý để đóng gói.

Bên cạnh đó, tại gia đình ông Vi Đức Tuấn tại bản Mon, xã Thạch Giám, Tương Dương đã thu mua mét sản xuất tăm cho các cơ sở sản xuất hương Quỳ Châu và các tỉnh phía Nam. Ông Tuấn chia sẻ: Địa bàn Tương Dương nguồn nguyên liệu mét dồi dào, giá mét rẻ, chỉ từ 15.000-20.000 đồng/cây. Tháng 9/2015 tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất, bao gồm 4 máy cào tăm, mỗi máy trị giá gần 60 triệu đồng. Mỗi ngày sản xuất được trên 500 kg hàng tăm thành phẩm (kích cỡ tùy theo đơn đặt hàng), giá bán 10.000 đ/kg tăm thành phẩm. Tính ra lãi từ 20-30 triệu đồng/tháng, so với chăn nuôi, làm ruộng thu nhập cao hơn".

Tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội huyện Tương Dương, nhiều năm qua các học viên nơi đây cũng được đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ để cải thiện cuộc sống. Trung tâm có từ 12-15 học viên thường xuyên sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng từ cây mét, mây, sản phẩm chính gồm mây mây, nhà sàn lưu niệm, dụng cụ sinh hoạt của đồng bào dân tộc được khách hàng ưa chuộng.

Bà con xã Tam Quang chặt mét để bán cho cơ sở chế biến đũa tre.

Thông tin từ Phòng nông nghiệp huyện Tương Dương, hiện trên địa bàn có khoảng trên 1.000 ha mét, chủ yếu tập trung ở các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, Yên Hòa, Yên Thắng. Trên 100 ha mây ở xã Yên Hòa, Yên Thắng. Tiềm năng về nguyên liệu để làm đồ thủ công mỹ nghệ, đũa tre, tăm hương là rất lớn. Vì vậy, huyện cần có cơ chế chính sách để thúc đẩy sản xuất, chế biến, giúp đồng bào thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Văn Trường

TIN LIÊN QUAN