(Baonghean) - Nhu cầu cát, sỏi lớn nhưng trên địa bàn huyện Tương Dương hiện nay chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác; tình trạng khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép diễn ra công khai. Địa phương loay hoay tìm phương án xử lý, trong khi các cấp lại chưa có giải pháp tháo gỡ...
Khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép
Ngay sát chân cầu Cửa Rào (xã Xá Lượng), đã nhiều năm nay ngang nhiên tồn tại một bến cát khiến cho người dân trên địa bàn hết sức bất bình. Ông Thái Trung Giáp - Trưởng Công an xã Xá Lượng cho biết, đây là bến cát của ông Ngô Văn Lộc, trú tại bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng. Theo ông Giáp, dù ông Lộc là công dân người của địa phương nhưng bến cát lại nằm trong địa giới hành chính của xã Thạch Giám, thế nên, xã Xá Lượng chỉ nắm tình hình chung như vậy; còn nếu có tình trạng khai thác trái phép thì mới xử lý.
Được biết, ông Lộc có 2 tàu hút cát thường khai thác trên dòng sông Lam đoạn qua địa bàn các xã Xá Lượng. Do hoạt động khai thác trái phép, trong thời gian qua, ông Lộc đã nhiều lần bị chính quyền địa phương cơ sở cũng như lực lượng chức năng xử phạt nhưng, xử phạt xong thì đâu lại vào đó...
Cách UBND xã chưa đầy 1km là 2 bến cát có quy mô lớn của ông Chu Đình Nam và Nguyễn Đình Thương. Bến cát của ông Nam là một bãi đất rộng nằm ngay sông Lam, được đắp lấn ra cả lòng sông để làm bến tập kết cát. Ông Nam có 2 tàu hút cát và việc khai thác, mở bến kinh doanh chưa có đầy đủ hồ sơ thủ tục.
Bến cát của ông Thương, nằm sát lòng sông, có diện tích khá rộng, đến nay vẫn chưa có giấy phép hoạt động. “Bác Thương có 2 tàu cát, chủ yếu hút từ đoạn qua các xã Lượng Minh, Xá Lượng, Thạch Giám. Cát chủ yếu bán cho Nhà máy thủy điện Bản Ang và người dân trên địa bàn. Tàu đi qua địa bàn bản nào thì phải đóng cho bản đó, số tiền cũng tùy...”, anh Tuấn - cháu ông Thương cho biết.
Xin được tận thu
Ông Vi Văn Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho hay: Trên địa bàn có 3 điểm tập kết cát của 3 cá nhân: ông Nguyễn Đình Thương, Chu Đình Nam và bà Trần Thị Trung. Tất cả các bến cát này đều chưa có giấy phép. Nhưng tập kết cát trên địa bàn thì xã phải thu thuế. Theo quy định, 2 bến cát của ông Nam và ông Thương mỗi năm phải nộp cho xã 12 triệu đồng, nhưng đến nay họ chỉ mới nộp 6 triệu đồng. Còn bến cát của bà Trung thì nộp qua Chi cục Thuế Tương Dương nên xã không nắm được con số cụ thể.
Hỏi tại sao các bến cát này hoạt động trái phép nhưng xã không dẹp bỏ mà lại tiến hành thu thuế? Ông Vi Văn Tý cho biết: Sau khi xã phản ánh sự việc, huyện đồng ý cho xã thu thuế của các hộ này. Mục đích là tạo nguồn thu cho xã. Vấn đề khai thác và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn chính quyền xã đã nắm được, nhưng để giải quyết triệt để thì còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng các công trình của nhân dân là rất lớn. Nếu ngăn cấm khai thác thì dân không biết mua cát sỏi ở đâu.
Làm việc với Chi cục Thuế Tương Dương, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng cho biết: Hiện trên địa bàn có 2 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Tiến Đạt của bà Trần Thị Trung và Công ty CP XD Trường Vinh của ông Ngô Bá Lộc đăng ký ngành nghề khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng và có đóng thuế qua Chi cục Thuế Tương Dương. Các doanh nghiệp này khi phát sinh doanh thu thì tự kê khai và đóng thuế tài nguyên, thuế môi trường và thuế GTGT. Còn đối với hộ kinh doanh cá thể thì do không có hóa đơn nên địa phương chỉ thu ở mức nào đó mà thôi.
Theo hồ sơ Chi cục Thuế Tương Dương cung cấp, từ tháng 1/2015 đến tháng 7/2015, Công ty CP XD Trường Vinh đã nộp 66,6 triệu đồng; Công ty TNHH Tiến Đạt đã nộp 37,2 triệu đồng. Trong quá trình trao đổi, ông Tuấn cũng thừa nhận rằng, việc thu thuế của các doanh nghiệp này về mặt quy định là không đúng, vì các doanh nghiệp này chưa có đầy đủ các giấy phép theo quy định. Nhưng doanh nghiệp tự kê khai nên Chi cục Thuế bắt buộc phải thu.
Tháng 4/2014, UBND huyện Tương Dương nhận được tờ trình của Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn - Nậm Mô và Ban quản lý Thủy điện Khe Bố xin được nạo vét tận thu cát, sỏi trong khu vực được phê duyệt đầu tư xây dựng công trình để phục vụ hạ tầng cơ sở và các công trình phụ trợ có liên quan đến dự án Thủy điện Khe Bố và Thủy điện Bản Ang. Nhận thấy, đề nghị của công ty là phù hợp nên ngày 20/4/2015, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh chấp thuận kiến nghị của công ty và giao cho Sở TN&MT cấp quyền khai thác khoáng sản, UBND huyện giám sát việc khai thác.
Chỉ ít ngày sau, UBND tỉnh đã có văn bản giao cho Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đề nghị nêu trên và tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định trước ngày 20/5/2015. Thế nhưng, đến nay đã hết năm 2015 mà vẫn chưa có kết quả. “Một khi giải quyết việc cấp phép tận thu khoáng sản cát xây dựng lòng hồ Thủy điện Khe Bố, Bản Ang cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện càng sớm thì tình trạng khai thác cát trái phép mới có "lời giải” - lãnh đạo phòng TN&MT huyện Tương Dương cho biết./.
Nhật Lân - Phạm Bằng