P.V:

Thưa thiếu tướng, vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã công bố những sai phạm trong đầu tư công tại dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Theo đó, các cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn nhận hối lộ 200.000 USD... Đây là vụ án có tới hai cựu bộ trưởng là bị can và cùng bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn, được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiếu tướng có nhận xét gì về vụ án này?

nguyen_bac_son__truong_minh_tuan801068_592019.jpgÔng Nguyễn Bắc Son (ảnh trái) và ông Trương Minh Tuấn.

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như chúng ta đã biết, vụ án xảy ra ở Bộ TT&TT được đưa ra ánh sáng từ cuối năm 2017, và chính thức năm 2018 ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ Trưởng Bộ TT&TT và ông Trương Minh Tuấn -nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm thực hiện hành vi vi phạm) bị khởi tố.

Khi dư luận cho rằng vụ án này vẫn đang được tiếp tục điều tra, thì vừa rồi đã có công bố chính thức ban đầu về các tội danh của ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, là những người liên quan trong vụ đại án này. Đây là một vụ án lớn, liên quan đến 1 Ủy viên Trung ương  Đảng khóa XI là Bộ trưởng giai đoạn 2011 - 2016 và 1 Thứ trưởng trong giai đoạn này, cùng với gần 10 cán bộ cấp vụ, cục trở lên. Vụ án được công bố công khai, báo chí đưa khá đầy đủ về vụ trọng án này; trong đó có nêu ra tội nhận hối lộ của các ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn và người đưa hối lộ.

Những thông tin của vụ án được nêu ra lần này làm xôn xao dư luận. Tại sao lại như vậy? Tôi thấy ở đây có mấy vấn đề, đó là phản ánh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị. Và phải nói một cách khách quan rằng, đây là quyết tâm chính trị của người đứng đầu, là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cách đây 1 tháng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã tuyên bố công khai trước công luận rằng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa tiếp tục được đẩy lên, để loại bỏ những cán bộ tha hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, làm cho Đảng, Nhà nước mạnh lên.

Tuyên bố của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã làm nức lòng người dân, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng. Và bây giờ vụ án đã công khai tất cả các tội danh của nguyên Bộ trưởng - Ủy viên Trung ương Đảng và các quan chức cao cấp của Bộ TT&TT, điều này một lần nữa phản ánh quyết tâm chính trị như đã nói trên. Như vậy, hoàn toàn không phải đâu đấy còn có nghi ngờ về khả năng chùng lại của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà cuộc đấu tranh này tiếp tục được đẩy mạnh.

Vụ án này đưa ra trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, điều này muốn nói lên rằng đồng chí Tổng Bí thư và Bộ Chính trị quyết tâm đẩy mạnh đến cùng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa trong bộ máy, để làm làm sạch bộ máy trước khi tiến hành Đại hội Đảng. Với quyết tâm này, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng sau Đại hội XIII của Đảng, chúng ta sẽ có bộ máy từ Trung ương đến địa phương bao gồm những cán bộ chủ chốt có tâm có tầm, đảm trách vai trò lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

P.V:Từ vụ án này, chúng ta rút ra bài học gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trong vụ án này, một Bộ trưởng đương nhiệm đã dám ký một văn bản làm Nhà nước thiệt hại  khoảng 7.000 tỷ đồng. Tất nhiên, ông Nguyễn Bắc Son cũng như ông Trương Minh Tuấn làm việc này không vô tư một tí nào cả. Để làm thất thoát mấy ngàn tỷ đồng của nhà nước, thì họ cũng được hối lộ hàng chục tỷ đồng. Đây là vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng.

Tất cả những vụ trọng án trước đây, kể cả vụ ông Đinh La Thăng, thực hiện hành vi phạm tội cũng chỉ là khi đang làm Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Việt Nam; rồi  những hành vi phạm tội đều diễn ra chủ yếu là cấp vụ, cục và một số địa phương. Ngay như ông Minh, ông Chiến ở Đà Nẵng, ông Tất Thành Cang ở thành phố Hồ Chí Minh... khi thực hiện hành vi phạm tội cũng ở vị trí thấp hơn ông Bắc Son. Ông Bắc Son thực hiện hành vi phạm tội khi đang đứng đầu một Bộ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra trước ánh sáng một người đứng đầu một Bộ, phạm tội nhận hối lộ.

Các bị can trong vụ án MobiFone mua AVG. Ảnh: TTXVN

Từ vụ trọng án này, không thể lảng tránh được rằng việc quản lý nhà nước về kinh tế của chúng ta thời gian trước Đại hội XII còn lỏng lẻo... Từ vụ án này, quan điểm của tôi là Nhà nước cần xem xét lại hệ thống luật pháp, phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu tổ chức phải được quy định một cách rõ ràng.

Vấn đề nữa là việc giám sát quyền lực. Hệ thống giám sát quyền lực còn lỏng lẻo nên mới xảy ra sơ hở như thế. Các cơ quan chức năng (Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ...) phải thực thi quyền giám sát, chịu trách nhiệm giám sát, không để xảy ra những sự việc như thế. Từ vụ án này, chúng ta cũng thấy rằng, công tác cán bộ còn sơ hở. Cần phải xem xét lại công tác kiểm tra, đề bạt, bố trí cán bộ; phải nhìn nhận đến trách nhiệm cho người đứng đầu về công tác tổ chức, kiểm tra, trong việc theo dõi, giám sát cán bộ.

Một vấn đề khác nữa, đó là dân chủ trong Đảng. Theo tôi, trong Đảng ủy Bộ TT&TT lúc đó có người biết sai lầm này, nhưng không dám nói, như vậy cái gọi là đấu tranh “phê bình và phê bình” và “dân chủ” ở đây chỉ là hình thức. Do vậy, từ vụ án này, cần phải giám sát chặt chẽ các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương. Đó là những điều mà chúng ta rút ra từ bài học vụ trọng án đau đớn này.

Cũng từ vụ án này, cho thấy Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phải tiếp tục thực hiện bằng được các Nghị quyết của Đảng, quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; chỉ đạo các Thành ủy, Tỉnh ủy, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6 và Quyết định 08 của Ban chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,  trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Việc thứ 2, mà đồng chí Tổng Bí thư cũng nêu ra là dứt khoát không để lọt vào BCH Trung ương, cấp ủy các tỉnh, thành phố những cán bộ chạy quyền chạy chức, cán bộ cơ hội. Việc thứ 3 là, tiến tới Đại hội XIII phải thực hiện bằng được Nghị quyết Trung ương về đầu tư nước ngoài; kiên quyết ngăn chặn dòng đầu tư nước ngoài kèm công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Ví dụ điển hình như việc bỏ ra hơn 8.000 tỷ đồng mua dây chuyền lạc hậu ở gang thép Thái Nguyên. Cái này theo tôi là do cán bộ chúng ta tha hóa. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để tiếp nhận đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta phải siết chặt việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài.

Nhà máy thép hơn 8.000 tỷ bỏ hoang ở Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Cuối cùng tôi mong muốn rằng, hơn lúc nào hết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải thực hiện bằng được Quyết định nêu gương. Nếu như các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các bộ trưởng và người đứng đầu cơ quan trực thuộc Chính phủ, các chủ tịch tỉnh, thành phố làm gương sáng... thì đây là thể hiện đầy đủ nhất việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đang chỉ đạo thực hiện công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo ra đội ngũ cán bộ có đức, có tài, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp của đất nước không ngừng phát triển.

P.V:Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!