PV: Cuộc trưng cầu dân ý để thay đổi Hiến pháp Nga được xem là sự kiện nổi bật nhất trong nửa đầu năm 2020. Dư luận quốc tế cho rằng đó là cuộc cách mạng hiến pháp. Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết tại sao Tổng thống Nga Putin lại quyết định sửa đổi Hiến pháp?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vốn dĩ, sửa đổi Hiến pháp là việc riêng của Nga. Song vì Nga là một cường quốc, nằm trong bộ 3 Nga - Mỹ - Trung Quốc, có sức ảnh hưởng và chi phối đến mọi tiến trình phát triển của thế giới. Vì thế, việc sửa đổi Hiến pháp thu hút sự quan tâm rất lớn.
Về việc sửa đổi Hiến pháp, trong Thông điệp Liên bang năm 2020, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra yêu cầu. Hiến pháp hiện tại của Nga có hiệu lực từ ngày 12/12/1993. Dưới thời Tổng thống Yeltsin, bản Hiến pháp 1993 ra đời trong bối cảnh nước Nga hỗn loạn, vội vã sau cuộc đụng độ, nổ súng vào tòa nhà Quốc hội năm 1991.
Hơn thế, nước Nga tồn tại trên một lãnh thổ rộng lớn, chiếm 1/7 diện tích toàn thế giới, với 200 dân tộc, 300 ngôn ngữ khác nhau. Một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, ngôn ngữ như vậy, khác biệt hoàn toàn với phương Tây.
Thế nhưng, Hiến pháp 1993 lại là sự lai ghép, vay mượn tư tưởng chính trị, luật pháp của phương Tây. Do đó, Hiến pháp 1993 dường như là “đứa con đẻ non”, không mang bản sắc riêng của Nga. Hiến pháp này đã được sử dụng đến trước ngày 1/7/2020, song không phản ánh được tính kế thừa về lịch sử, chính trị của quá trình phát triển Nhà nước và bản chất văn hóa xã hội Nga.
Vì vậy, đã trải qua 27 năm, nhưng vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1993 vẫn là việc cần phải làm, và hoàn toàn đúng đắn.
PV: Thưa Thiếu tướng, vậy nội dung dự thảo bản Hiến pháp sửa đổi có những điểm gì khác biệt so với Hiến pháp nước Nga năm 1993?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về mặt chính trị, dự luật Hiến pháp mới có một số điểm mới, đặc biệt tăng quyền hạn cho cơ quan lập pháp bao gồm Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện). Nếu như trước đây 90% quyền lực nằm trong tay tổng thống, thì điều đầu tiên trong sửa đổi hiến pháp là tăng quyền hạn cho Quốc hội.
Ví như, trước đây, Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng và thông báo tới Duma quốc gia, nhưng với hiến pháp mới, Duma giữ quyền phê chuẩn bổ nhiệm thủ tướng, sau đó tổng thống chỉ cần ra quyết định bổ nhiệm. Hay như đối với vị trí một số bộ trưởng quan trọng như Bộ quốc phòng, Bộ Tình trạng khẩn cấp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ...nếu như trước đây, tổng thống có toàn quyền bổ nhiệm, thì nay tổng thống bắt buộc phải tham khảo ý kiến và được sự đồng ý của Hội đồng Liên bang. Cũng theo Hiến pháp mới, Hội đồng Liên bang có quyền bãi nhiệm chánh án Tòa án tối cao và phê chuẩn hàng loạt đạo luật. Như vậy, cấu trúc của cơ quan hành pháp, lập pháp, tư pháp được nâng cao quyền hạn.
Bên cạnh các cơ quan của Quốc hội, theo Hiến pháp mới, Hội đồng An ninh quốc gia cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cơ quan này đảm bảo cho sự phát triển liên tục của đất nước về mặt nhân sự, chính trị, kinh tế. Hội đồng An ninh quốc gia có thể được lãnh đạo bởi một tổng thống vừa mãn nhiệm. Điều này mở đường cho Tổng thống Putin nắm giữ quyền lực ở Hội đồng An ninh quốc gia.
Mặt khác, Hiến pháp 2020 có quy định chặt chẽ hơn đối với ứng viên tham gia vào bầu cử tổng thống. Theo đó, ứng viên phải sống ở Nga liên tục 25 năm và chưa từng có 2 quốc tịch. Đối với các thành viên của Duma, Hội đồng Liên bang, Chính phủ, Tòa án tối cao, cũng đòi hỏi không mang 2 quốc tịch trong quá khứ. Với yêu cầu chặt chẽ này, đòi hỏi các thành viên trong bộ máy phải là những người trung thành thật sự với nước Nga.
Ngoài ra, Hiến pháp 2020 coi trọng đảm bảo an sinh xã hội. Quy định rõ ràng lương tối thiểu không được thấp hơn mức sống tối thiểu, và mục tiêu tối thượng của nhà nước liên bang là phải đảm bảo đời sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân.
Như vậy, những sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung vào 2 hướng rõ ràng: Đảm bảo quyền lực Nhà nước, thực thi an ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng quyền của người dân, đảm bảo mức sống ngày càng phát triển. Trên cơ sở như vậy, bản Hiến pháp 2020 mang tính tiến bộ, nhân văn.
PV: Thưa Thiếu tướng, vậy mục đích thực sự của Tổng thống Putin khi yêu cầu sửa đổi Hiến pháp là gì?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Có thể nói, dưới thời cựu Tổng thống Yeltsin, nước Nga rơi xuống vực thẳm và suýt bên bờ vực tan rã. Trong 20 năm qua, Tổng thống Putin có công lao to lớn trong việc vực dậy nước Nga từ đống đổ nát của người tiền nhiệm, trở thành một cường quốc hàng đầu của thế giới về quân sự. Hơn nữa, từ năm 2014, mặc dù dưới vòng vây cấm vận và trừng phạt của Mỹ cùng phương Tây, nhưng dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga không sụp đổ, tiếp tục đứng vững và thể hiện sức mạnh. Người Nga yêu nước đều ghi nhận công lao to lớn của Tổng thống Putin.
Theo tôi nghĩ, mong muốn của Tổng thống Putin khi đề nghị sửa đổi Hiến pháp là sự đảm bảo cho nước Nga phát triển ổn định, trường tồn, hùng mạnh sau khi ông Putin hết nhiệm kỳ. Nói cách khác, mong muốn xây dựng nước Nga hùng mạnh để Tổng thống Putin yên tâm chuyển giao quyền lực, đảm bảo sau khi ông rời nhiệm sở, Nga vẫn phát triển mạnh mẽ, đương đầu với mọi khó khăn.
Trong 10 hoặc 15 năm tới, Nga vẫn nằm trong vòng vây cấm vận của phương Tây. Nhìn thấy rõ được khoảng thời gian khó khăn đó, Tổng thống Putin muốn có thêm thời gian để tăng khả năng giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ phức tạp với phương Tây; đồng thời bảo vệ và phát huy mọi thành tựu trong 20 năm của Tổng thống Putin.
PV: Tại sao dư luận Mỹ và phương Tây lại phê phán Putin là người tham quyền cố vị, muốn trở thành Sa Hoàng. Phải chăng Hiến pháp mới mở đường cho Putin ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024, thậm chí vào năm 2030. Nghĩa là Putin có thể làm tổng thống nước Nga đến năm 2036. Xin Thiếu tướng lý giải vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ngày 1/7, cử tri Nga sẽ đưa ra ý kiến “Có” hoặc “Không” đối với 206 vấn đề trong dự thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, thực tế cử tri Nga chỉ quan tâm một vấn đề duy nhất: Sửa Khoản 3, Điều 81, Chương IV, Hiến pháp 1993; tong đó, sẽ xóa giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, mở đường cho Tổng thống Putin ra tranh cử, có thể làm tổng thống đến năm 2036. Đây chính là vấn đề mà Mỹ và phương Tây lên tiếng chỉ trích.
Ngay cả ở Nga cũng có 2 luồng ý kiến. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò dư luận, đa số người dân Nga đồng thuận sửa đổi Hiến pháp. Bởi họ nhận thấy rằng, trong bối cảnh nước Nga đang bị bao vây phức tạp, đất nước cần nhà lãnh đạo quyết đoán, trí tuệ, bản lĩnh, để chống đỡ những khó khăn trong và ngoài nước, nhất là duy trì vị thế cường quốc.
Cách đây một tuần, Tổng thống Putin cho biết ông sẽ tham gia tranh cử nếu Hiến pháp được sửa đổi. Tôi tin rằng, Tổng thống Nga chắc chắn sẽ tranh cử vào năm 2024, song có tranh cử ở năm 2030 hay không thì chưa rõ. Tổng thống Putin cần thêm một nhiệm kỳ nữa, với quỹ thời gian 10 năm tới, để chuẩn bị đội ngũ kế nhiệm, tiếp tục phát huy di sản để lại. 10 năm là đủ để Tổng thống Nga vừa vực dậy kinh tế, vừa củng cố, nâng cao tiềm lực quốc phòng an ninh; hình thành bộ máy nhà nước mạnh mẽ với hạt nhân là người kế nhiệm của ông, đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất, nâng cao vị thế nước Nga.
PV: Việc thực thi Hiến pháp mới liệu có ảnh hưởng gì đến vai trò của Nga trên trường quốc tế, và các mối quan hệ lớn của Nga hay không, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đa số người dân Nga ủng hộ Tổng thống Putin. Lịch sử chỉ rõ rằng, thời kỳ nào nước Nga mạnh đều có một “sa hoàng” mạnh, toàn tâm toàn ý với Nga. vì vậy, việc sửa Hiến pháp này với mục đích xuyên suốt là xây dựng hệ thống nhà nước mạnh mẽ, giúp Nga đứng vững vị thế trong khu vực và thế giới.
Tất nhiên, việc Nga tiếp tục lớn mạnh được nhiều quốc gia ủng hộ. Nga phát triển, khiến cộng đồng quốc tế có lợi, duy trì xu hướng hòa bình phát triển, ổn định trên thế giới. Song cũng không ít lời phản đối, đặc biệt là phương Tây.
Cho dù thế nào đi nữa, sửa đổi Hiến pháp lần này thực sự là cuộc cách mạng. Ai muốn hay không cũng không thể cản trở được. Và chắc chắn, Nga tiếp tục phát triển và duy trì vai trò trong khu vực, cũng như trên trường quốc tế.
Tính đến 7.30 ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam), việc kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý đã đạt 99,02%. Theo kết quả, có 78,03% người dân Nga đồng ý sửa đổi Hiến pháp.