Hành khách qua lại quốc lộ 7A, đoạn xóm 4, xã Viên Thành (Yên Thành) thường thấy người đàn bà tay chống gậy, chân bước khập khiễng, bày bán mấy chiếc nồi đất trước nhà. Bà là Bùi Thị Đăng (SN 1947) – cựu Thanh niên xung phong (TNXP), từng có mặt ở những trọng điểm đánh phá ác liệt trên tuyến đường Bắc – Nam qua “tuyến lửa” Nghệ An.

Bà Đăng kể: “20 tuổi, tôi theo đoàn dân công hỏa tuyến gùi hàng chi viện cho chiến trường Lào. Trở về, gia nhập TNXP, địa bàn hoạt động ở Diễn Châu, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu; nhiệm vụ chính là san lấp hố bom để thông đường, cho xe vào tiền tuyến...”.

Cựu TNXP Bùi Thị Đăng trước ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp. Ảnh: Công Kiên
Cựu TNXP Bùi Thị Đăng trước ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp. Ảnh: Công Kiên

Trong quãng thời gian gần 3 năm (1969-1971), nữ TNXP Bùi Thị Đăng và đồng đội thường xuyên bám trụ những trọng điểm nằm dọc Quốc lộ 1A như cầu Bùng (Diễn Châu), cầu Cấm (Nghi Lộc) và cầu Hoàng Mai (Quỳnh Lưu). Những điểm này trở thành tọa độ lửa, bởi địch ngày đêm đánh phá hòng cắt đứt tuyến đường chiến lược, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tiếng bom vừa dứt, lực lượng TNXP kịp thời có mặt để san lấp mặt đường, nối lại nhịp cầu để những đoàn xe tiếp tục đi qua. Ban đêm, khi máy bay Mỹ không hoạt động, đơn vị của bà Đăng ra bãi biển Diễn Ngọc, Diễn Bích vác đạn từ tàu, thuyền về phục vụ các trận địa pháo cao xạ, pháo phòng không và các đơn vị dân quân trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Đăng dành nơi trang trọng nhất để treo các loại giấy tờ được trao tặng. Ảnh: Công Kiên

Có lần, bom dội gần vị trí hầm trú ẩn, một mảng đất ập xuống đè ngang lưng và chân, sức ép của vụ nổ khiến bà Đăng ngất xỉu. Rất may đồng đội có mặt và ứng cứu kịp thời, thoát khỏi bàn tay tử thần nhưng suốt đời phải mang thương tích.

Trở về làng quê khi bước sang tuổi 24, mang trên mình thương tích, ở thời điểm ấy (năm 1971) xem như đã “quá lứa, lỡ thì”. Bởi, hầu hết đàn ông, trai tráng đều vào chiến trường, ở nhà chỉ có đàn bà và trẻ nhỏ. Ngày tháng trôi qua, cô gái Bùi Thị Đăng chỉ biết làm lụng, gắn bó với ruộng đồng và chăm lo cho bố mẹ.

Các anh, chị, em lần lượt có gia đình, cô gái TNXP năm xưa cũng bước qua tuổi 30 – cái tuổi “đã toan về già”. Những khát khao thầm kín bao năm qua tưởng chừng như đã chôn chặt tận đáy lòng nay lại bùng cháy. Đêm dài thổn thức, người phụ nữ ấy khát thèm một vòng tay siết chặt và những hơi thở nồng nàn.

Ở một mình trong ngôi nhà cũ nát, việc đi lại khó khăn, lại thêm nhiều bệnh tật, cuộc sống của cựu TNXP Bùi Thị Đăng hết sức vất vả, thiếu thốn. Ảnh: Công Kiên

Không có cơ hội được làm vợ, bà Đăng vẫn khát khao được làm mẹ, khát khao có những đứa trẻ để cưng nựng và làm chỗ dựa lúc chiều tà xế bóng. Vượt qua những điều tiếng thị phi, năm 1981 bà sinh con trai đầu lòng, và ba năm sau sinh tiếp con trai thứ hai, niềm mong ước bấy lâu được thỏa nguyện...

Nhưng vào thời điểm “năm 80, gạo 80”, người phụ nữ đơn thân, lại tật nguyền nuôi hai con nhỏ dại thực sự không chút dễ dàng. Những năm đói khổ ấy, người mẹ suốt ngày bám lấy ruộng đồng, làm thuê, làm mướn nuôi con, có lúc phải nhịn ăn để nhường cơm cho con trẻ.

Cựu TNXP Bùi Thị Đăng bán hàng vặt kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ảnh: Công Kiên

Hai đứa trẻ cứ thế lớn lên trong nỗi chật vật, thiếu thốn, tuổi thơ là những năm tháng cơ cực và đói rét, sớm phải giúp mẹ trong việc mưu sinh. Năm 1998, cậu con trai thứ hai lúc ấy mới 14 tuổi, chuẩn bị lên lớp 8 đang chuyển cát lên xe để kiếm tiền, chẳng may bị tai nạn và không qua khỏi. Mất con, mất đi một niềm hy vọng, bà Đăng ngã gục, tưởng chừng không thể nào gượng dậy...

Con trai đầu của bà Đăng là Nguyễn Thế Trung cuộc sống cũng hết sức vất vả, thiếu thốn và không mấy hạnh phúc. Lập gia đình, vợ sinh được hai ngày đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ, đứa trẻ lại mắc bệnh down (đao), thời gian đầu phải nhờ người khác nuôi giúp. Nay bé đã lên 7 nhưng đi đứng còn chưa vững, suốt ngày chỉ biết ngồi ở nhà, hết cười rồi lại khóc.

Hôn nhân đổ vỡ, nay anh Trung đã kết hôn lần thứ hai, cuộc sống khó khăn, phải đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi con nhỏ. Không muốn phiền đến con cái, bà Đăng cho vợ chồng anh dựng ngôi nhà nhỏ sau vườn, còn bà sống một mình trong ngôi nhà cũ nát.

Cựu TNXP Bùi Thị Đăng soạn nồi đất bán cho khách qua đường. Ảnh: Công Kiên

Ngôi nhà của bà Đăng được làm từ mấy chục năm trước, mái lợp pờ-rô xi măng, tường xây bằng vôi, vừa thấp, vừa chật chội và đã xuống cấp nhưng không có tiền làm mới hoặc sửa sang. Tường bị bong tróc từng mảng, mái thủng khắp nơi, ngày mưa nước dột lênh láng, đêm phải sang hàng xóm ngủ nhờ.

Còn mùa hè, trong nhà nóng hầm hập không khác “lò bát quái”, vừa bước chân vào đã vã mồ hôi. Khi nóng quá ngưỡng chịu đựng, ban đêm bà Đăng phải đưa chõng ra ngoài mắc màn nằm ngủ, trong giấc mơ của bà thấp thoáng ngôi nhà ngói ấm cúng và mát mẻ.

Nay bước sang tuổi 71, việc đi lại của cựu TNXP Bùi Thị Đăng càng trở nên khó khăn, bởi chân khó duỗi thẳng, phải chống gậy, lại thêm nhiều bệnh khác (tiểu đường, viêm phổi, dạ dày) nên sức khỏe càng sụt giảm. Số tiền trợ cấp vừa được nâng lên mức 540 nghìn đồng/tháng, giúp bà trang trải phần nào cuộc sống.

Để kiếm thêm tiền thuốc thang hàng ngày, bà Đăng bày bán mấy thứ lặt vặt như: nước giải khát, thuốc lá, chổi rành, nồi đất... Nhưng vốn ít, lại quá nhiều người buôn bán, thành ra chẳng bán được bao nhiêu, có khi cả tuần không bán được thứ gì.

Cựu TNXP Bùi Thị Đăng tâm sự: “Ở tuổi này, tôi không còn mong ước gì hơn là có được ngôi nhà nhỏ lợp mái ngói để mùa hè đỡ nóng, mùa mưa không còn bị dột”. Nói xong, khóe mắt bà chợt rưng rưng, nét mặt như đang cố ghìm giữ cơn đau và nén một tiếng thở dài...