(Baonghean) - “Hiệc vắn lống” hay còn gọi là gọi vía, khác với làm vía buộc chỉ cổ tay ở chỗ “hiệc vắn lống” là gọi vía lưu lạc khi ốm đau bệnh tật, tai nạn hay khi phụ nữ sinh nở…. Theo quan niệm của người Thái, khi ốm đau, sinh nở hay đi xa về, thường vía không về theo mà còn vương vất ở nơi xa, vì thế khi về đến nhà thường phải làm lễ gọi vía để về với thể xác, để vía không đi lang thang...
Theo cụ Xên Văn Quản (80 tuổi), bản Phòng, xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) cho biết: “Hiệc vắn lống” được làm trước khi làm lễ buộc chỉ cổ tay. Để làm lễ, gia chủ cần chuẩn bị vợt xúc cá, người Thái gọi là “vính”, củi, hoặc đuốc vẫn còn đỏ lửa, gọi là “tuân phi”, ép xôi, gọi là “ ép khàu”, muối gói bằng lá chuối rừng, ít gạo nếp gói trong túi vải, gọi là “khàu xở tạy”, 1 con gà con đựng trong giỏ tre, hoặc nứa, người Thái gọi là “cày xở xòong”. Đặc biệt, không thể thiếu trong lễ gọi vía là áo của người được gọi vía. Người Thái cho rằng áo là vật tượng trưng cho con người và hồn vía sẽ theo cái áo đó mà trở về với thể xác của nó. Cụ Quản cho biết thêm: “Sở dĩ phải chuẩn bị những thứ đó là vì, thường vía người ốm đau hay đi xa còn lang thang, lưu lạc, không tìm được đường về với thể xác. Do đó, thầy mo phải dùng gà để gọi, vía sẽ dùng gạo nếp, ép xôi, gói muối đi đường vào vợt xúc cá, theo khói, ánh lửa từ thanh củi để về với thể xác, khi vía đã về với thể xác, thầy mo mới làm lễ “hằng vắn” buộc chỉ cổ tay được”.
Khi tất cả các thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, thầy mo sẽ mang ra bờ sông, hay chân núi, bên đường làng, đường cái, địa điểm để thực hiện “hiệc vắn” (gọi vía) tùy vào trường hợp người được gọi vía. Người ốm đau, nằm viện về hay sinh nở, đi xa về thì “hiệc vắn” bên đường, người gặp rủi ro, tai nạn thì “hiệc vắn” bờ sông, bờ suối, chân núi… Khi “ hiệc vắn”, thầy mo sẽ làm lễ, đại loại: “Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, gia chủ chúng tôi tên là…
Có gạo nếp, ép xôi, có gà bỏ gíỏ, có muối bỏ lá.
Đến đây gọi vía về với thể xác.
Từ nay không đi lang thang, không vất vưởng đây đó.
Không ở sông, ở suối, lèn đá, chân núi cao.
Mà về với chủ, phù hộ cho chủ, tránh ốm đau, bệnh tật.
Tránh đi tai ương rình rập.
Mo không biết nói hay, nói nhiều.
Mo chỉ nói lời trần, lời tục.
Vía không được nói không thấy, không biết lời mo gọi.
Có gà có gạo các thứ lễ.
Đến đây để đón, để rước vía về.
Vía hãy theo lời mo, tìm khói đuốc để về.
Từ nay quên đường hư, lối xấu mà nhập vía về thể...
Khi thầy mo làm lễ xong, sẽ nhặt một hòn đá mang về, hòn đá đó được xem như là vía mang về. Về đến chân cầu thang, thầy mo mời vía lên nhà đại loại “Đã tìm thấy vía, vía hãy về với thể của mình. Từ nay vía không được bỏ thể để đi. Về nhà vía ơi…”. Trên cầu thang người nhà và người được “hiệc vắn” chờ sẵn ở đó để đón vía vào nhà, vào nơi mình ngủ. Khi đã đón được vía vào nhà, người nhà mới tiếp tục chuẩn bị lễ làm vía buộc chỉ cổ tay.
Tục làm vía đã tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Thái từ rất lâu. Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống, là cách cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến một cá nhân nào đó theo tinh thần "mọi người vì một người". Gạt đi những hủ tục còn ít nhiều rơi rớt, phần tốt đẹp của phong tục này chính là sự cố kết cộng đồng, buổi làm vía là nơi mọi người gặp nhau, chuyện trò, thắt chặt hơn tình cảm anh em, tình cảm xóm giềng.
Bài, ảnh: May Huyền
(Đài Tương Dương)