Cộng đồng Khơ Mú cư trú nhiều nhất ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Địa bàn cư trú của họ thường cao hơn người Thái và thấp hơn người Mông, vì vậy tập quán canh tác lúa rẫy cũng phụ thuộc vào đặc điểm địa lý.
Người Khơ Mú chọn đất làm rẫy trên những độ dốc khác nhau và trước đây, hình thức canh tác vốn rất lạc hậu. Theo nghiên cứu của PGS Ninh Viết Giao, nông cụ chủ yếu của người Khơ Mú trước kia là dao quắm, rìu… Chỉ một số nơi biết dùng cuốc. Chiếc gậy chọc lỗ trao hạt là nông cụ quen thuộc nhất của họ. Ban đầu nó là gậy hái lượm, chỉ được dùng tạm thời, về sau trở thành nông cụ. Đây cũng là vật dụng được người Thái dùng thuở xa xưa, gọi là “cha lum”.
Cũng theo ông Ninh Viết Giao, người Khơ Mú làm rẫy theo một “lịch” chặt chẽ. Đó là những nghiên cứu dựa trên những thực tế cách đây đã nhiều thập niên về trước. Ngày nay, những nguyên tắc này đã có những thay đổi và giống hơn với “nông lịch” của người Thái.
Trong quan niệm của người Khơ Mú ở xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, thời điểm phát rẫy tốt nhất là khi bắt đầu có những cơn mưa đầu hạ. Phát xong rẫy, chờ có nắng lên sẽ đốt và trỉa rẫy. Ông Cụt Phò Mạnh, một người cao tuổi ở bản Cha Ka 1, xã Bảo Thắng, chia sẻ: Trước mùa phát rẫy, người ta thường đi tìm nơi có địa thế tương đối bằng phẳng để chọn đám rẫy. Để tránh tranh chấp, người chọn rẫy chặt một cái cây làm thành hình chữ thập gắn lên đầu gậy rồi cắm xuống đất để đánh dấu cho người khác biết là “đất đã có chủ”. Sau đó mới cùng người nhà đi phát rẫy. Ngày đi tìm nơi làm rẫy cũng như phát, trỉa và gặt lúa đều được chọn lựa bởi những người hiểu biết về lịch trong cộng đồng. Họ thường là thầy cúng, thầy mo.
Ngày trỉa rẫy được tính là bắt đầu một mùa vụ mới. Sau khi đã chọn được ngày tốt, một người phụ nữ trong nhà sẽ lên rẫy trỉa những khóm lúa đầu tiên. Người đàn ông trụ cột hoặc một ai đó trong cộng đồng hiểu biết phong tục được gia chủ nhờ cậy sẽ lên rẫy làm một bùa trừ tà gọi là “ta leo” dựng ở giữa, hoặc góc phía trên của đám rẫy. "Ta leo" được đan bằng nan nứa hình lưới mắt cáo. Chiếc "ta leo" cũng rất quen thuộc trong những nghi lễ tâm linh của người Thái. Với người Khơ Mú, chiếc “ta leo” có ý nghĩa xua đuổi tà ma, thú dữ không đến quấy nhhiễu cây lúa và người làm rẫy.
Bên cạnh cây “ta leo”, người ta trồng thêm một khóm cây sạ. Chúng tôi cũng chưa rõ ý nghĩa của khóm sạ này như thế nào. Những người Khơ Mú ở xã Bảo Thắng cũng chỉ giải thích rằng, trồng sạ trên rẫy lúa là việc quan trọng.
Sau khi dựng cây "ta leo", trồng sạ, người ta làm nghi lễ cúng thần linh cai quản rừng núi phù hộ cho người làm rẫy được khỏe mạnh, cầu cho mưa về để hạt lúa nảy mầm. Xin thần rừng núi phù hộ cây lúa khỏe mạnh, con chuột, con chim, lợn rừng không biết đường tìm đến moi hạt lên ăn.
Vào vụ làm cỏ, một nghi lễ gọi là “xê hrê” tức là cúng rẫy được tổ chức. Tại căn chòi canh rẫy, người ta mổ gà cúng cho thần linh để tạ ơn các thế lực siêu nhiên đã bảo trợ cho cây lúa được tốt tươi. Trong lễ cúng, người ta dùng lạt kết thành hình con ve, chim, sóc dựng lên giữa rẫy để cầu mong những loài muông thú, sâu bệnh không đến phá lúa. Sau khi xong các nghi lễ là cuộc vui của những người làm rẫy. Họ ăn thịt, uống rượu trong ngày lễ cúng đầu tiên của mùa rẫy. Buổi lễ thêm phần vui tươi khi diễn ra trong không gian màu lúa non và rừng cây xanh mát.
Lễ thứ 2 và trong một mùa rẫy của người Khơ Mú là mừng lúa mới. Người Thái thường tổ chức mừng lúa mới tại nhà nhưng người Khơ Mú thì làm nghi lễ này trên rẫy. Trong ngày lễ này, một nhóm các hộ làm rẫy gần nhau cùng tổ chức cúng và ăn mừng tại một căn chòi thuận tiện nhất.
Một giàn cúng được dựng lên. Trên giàn treo những bông lúa, các món ăn như thịt gà, lợn, món moọc được chế biến từ thịt sóc, gạo tấm gia vị gói trong lá chuối đem hấp lên. Váy, áo, vải vóc cũng được đem cúng cho thần linh. Lễ mừng lúa mới là dịp vui lớn nhất của người Khơ Mú ở trên nương rẫy.
Ngày nay, người Khơ Mú ở một số vùng đã ăn mừng lúa mới tại nhà như người Thái. Chúng ta có thể chứng kiến điều này khi về những bản làng người Khơ Mú ở Tương Dương như xã Lượng Minh, Yên Na. Ngoài lễ mừng lúa mới, người Khơ Mú ở xã Yên Na còn có lễ đưa lúa nhập kho. Trong lễ này người ta mổ gà cúng cho ma nhà (nếu kho lúa dựng gần nhà), ma cai quản kho lúa (nếu kho dựng trong rừng)...