Khép lại tuần làm việc đầu tiên, bức tranh tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội cũng như những vấn đề dân sinh bức xúc đã được trình ra Quốc hội.
Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội trình bày tại phiên khai mạc đã ghi nhận những điểm sáng, thể hiện sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu như năm 2014, GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011 thì riêng quý I năm nay, tăng trưởng GDP đạt 6,03%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự báo khả năng GDP cả năm có thể vượt qua con số 6,2%.
Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém có chuyển biến tích cực. Đến cuối tháng 2, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,59%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa vội lạc quan với những kết quả đạt được bởi như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Năm 2015 là năm “về đích” trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng lần thứ XI và Quốc hội khóa XIII xác định. Do đó, việc nhìn nhận một cách khách quan những khó khăn, thách thức của nền kinh tế để có những quyết sách kịp thời cũng là điều cần phải làm.
Theo nhận định của Chính phủ, khó khăn lớn nhất hiện nay là cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quý I năm nay, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% (so với cùng kỳ 2014). Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Một số công trình, dự án quan trọng còn chậm tiến độ. 4 tháng qua, chúng ta đã nhập siêu hơn 2 tỷ USD, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm hơn 12%.
Một nỗi lo khác là nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao, gây áp lực đến nghĩa vụ trả nợ, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước còn chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân.
Phân tích bối cảnh trong nước, quốc tế, Chính phủ đã đưa ra 7 nhóm giải pháp, Ủy ban kinh tế của Quốc hội kiến nghị 8 vấn đề nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong những tháng còn lại của năm nay, trong đó giải pháp đầu tiên là cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên, một vấn đề dân sinh liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động đã được đưa ra Quốc hội. Đó là việc Chính phủ chính thức đề nghị Quốc hội sửa điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Thảo luận tại tổ về điều luật này, nhiều đại biểu thống nhất phải sửa theo hướng linh hoạt là cho người lao động được nhận trợ cấp một lần. Mặc dù vẫn khẳng định tính ưu việt của Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, song, trước việc Quốc hội phải sửa một điều luật còn chưa có hiệu lực do phản ứng của người lao động, nhiều đại biểu cũng thấy được trách nhiệm của mình trong đó.
Một số đại biểu khác lại đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu rõ những lợi ích lâu dài khi đóng BHXH đủ đến khi được hưởng lương hưu, để khi về già có bảo hiểm y tế, có lương hưu và sẽ không trở thành gánh nặng cho gia đình, con, cháu. Theo ước tính của ngành Lao động - Thương binh - Xã hội, mỗi năm có khoảng 500.000 người hưởng BHXH một lần.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13 diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông tiếp tục có những diễn biến mới, phức tạp. Báo cáo trước Quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: cử tri cả nước bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc mở rộng các đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép tại Trường Sa.
Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc cũng nhận định: Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.
Cũng xuất phát từ những diễn biến gần đây trên biển Đông, lịch trình làm việc của kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII đã có sự thay đổi bằng việc bổ sung chương trình làm việc, nghe báo cáo về tình hình biển Đông.
Liên quan đến chương trình xây dựng pháp luật, đáng chú ý trong tuần này là việc Quốc hội thảo luận Dự án luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) theo tinh thần Hiến pháp 2013. Đối với Dự án Luật biểu tình, tại phiên họp ngày 21/5, đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian trình Dự luật này từ kỳ họp thứ 9 hiện nay sang kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vào tháng 5/2016.
Khép lại tuần làm việc đầu tiên, bức tranh tổng quát về tình hình kinh tế- xã hội cũng như những vấn đề dân sinh bức xúc đã được trình ra Quốc hội. Cử tri đã thấy được tiếng nói của mình trong đó và trông đợi vào những quyết sách đúng đắn từ diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước./.
Theo VOV