Trong buổi chất vấn trước Quốc hội vào giữa tuần, Thủ tướng Anh Theresa May đã trả lời các nghị sĩ về những biện pháp trừng phạt đối với Nga sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái Youlia Skripal tại thành phố miền Nam nước Anh hôm 4/3.
Bà May tuyên bố trong 8 ngày sẽ trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga là nhân viên tình báo. Tên của những người này sẽ không được công bố nhằm tránh gây ảnh hưởng tới mạng lưới tình báo của họ. Những biện pháp trả đũa khác trong đó có đóng băng quan hệ song phương cấp cao với Moscow cũng được thực hiện.
Bà May còn cho biết đã đưa vấn đề ra NATO, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu. “Điều này đã xảy ra tại Anh nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào khác và chúng ta phải đoàn kết chống lại nó”, bà May khẳng định trong chuyến thăm đầu tiên tới Salisbury kể từ sau vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị đầu độc.
Đồng thời, hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ, Đức, Pháp và những nước đồng minh với Anh cũng như kêu gọi các nước đồng minh đoàn kết để cùng đưa ra biện pháp trừng phạt Nga.
Không chỉ dừng lại ở các biện pháp trừng phạt trả đũa, Vương quốc Anh còn thông báo Hoàng tử William và Harry sẽ không đến tham dự World Cup tổ chức ở Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những biện pháp của London sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Điện Kremlin.
Bởi đối với một quốc gia không ngần ngại ám sát những cựu điệp viên, các đối thủ ở nước ngoài thì những biện pháp sức mạnh mềm đều có những giới hạn. Và Điện Kremlin sẽ chỉ thực sự cân nhắc nếu biết rằng các cường quốc khác thống nhất, đoàn kết cùng thực hiện các biện pháp nhằm vào Moscow.
Trở lại với vụ ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal, ngày 14/3, Anh, Đức, Pháp và Mỹ đã ra thông cáo chung tuyên bố trách nhiệm của Nga là giải thích hợp lý cho vụ việc. Đồng thời, yêu cầu Nga cung cấp mọi thông tin về chất độc Novitchok mà phương Tây cho là do các nhà khoa học thuộc Liên bang Xô Viết trước đây nghiên cứu sản xuất từ những năm 1980.
Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO cho biết, họ đồng ý với Vương quốc Anh rằng Nga phải chịu trách nhiệm trước vụ tấn công cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái khiến cả 2 đang trong tình trạng nguy kịch. Nhà Trắng khẳng định hành động này của Nga là một hành động lặp đi lặp lại chống đối trật tự quốc tế, chủ quyền và tiến trình dân chủ ở các nước phương Tây.
Và Mỹ “đang hợp tác với các đồng minh để đảm bảo rằng cuộc tấn công ghê tởm này sẽ không còn xảy ra”. Với những từ ngữ rõ ràng, lần này, ngay cả Tổng thống Donald Trump, người luôn nhân nhượng với người đồng cấp Vladimir Putin cũng thay đổi giọng điệu.
Thậm chí, người phát ngôn của Nhà Trắng còn gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga với lý do can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Có tất cả 19 cá nhân và 5 thực thể trong đó có cơ quan tình báo nội địa, cơ quan tình báo quân sự Nga liên quan đến lệnh trừng phạt mới này.
Trong một động thái mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đã hủy kế hoạch thăm gian hàng chính thức của Nga tại triển lãm sách khai mạc tối 15/3 tại thủ đô Paris và cho biết thêm sẽ sớm thông qua những biện pháp phù hợp vào thời gian tới.
Trước những cáo buộc lần này, ngày 15/3, Nga một lần nữa bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái. Đồng thời tuyên bố chuẩn bị những biện pháp đáp trả thích đáng.
Nhìn lại phản ứng lần này của các nước, các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng giữa Vương quốc Anh và Liên bang Nga sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, vượt xa mối quan hệ giữa 2 nước. Đây là điều hoàn toàn dễ đoán. Nhất là nhìn lại mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây từ xưa đến nay vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Không ít người còn cho rằng vụ ám sát chỉ là một cái cớ để phương Tây tăng sức ép với Nga. Đặc biệt là trong bối cảnh bất đồng giữa Nga và phương Tây trong nhiều vấn đề nóng trên thế giới vẫn chưa được giải quyết, cuộc bầu cử Tổng thống Nga đến gần với chiến thắng nghiêng về Tổng thống Vladimir Putin.