(Baonghean) - Ngay từ khi ra đời trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, lực lượng Tự vệ đỏ đã cho thấy tính cách mạng ưu việt của mình. Và có lẽ hiếm có nước nào trên thế giới, cả lực lượng quân đội và an ninh đều được hình thành, phát triển lên từ một tổ chức tự vệ như ở nước ta.

1504167481741.jpgĐội Tự vệ đỏ xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Ảnh Tư liệu

Lực lượng Tự vệ đỏ (có nơi còn gọi là Xích vệ) là một trong những lực lượng được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo chặt chẽ. Tuy chưa có một cơ cấu tổ chức thành hệ thống từ trên xuống dưới nhưng ở hầu hết các tổng, làng xã, thôn đều thành lập Tự vệ đỏ. 

Đêm 30/4 rạng ngày 1/5/1930, cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra khi hàng vạn công nhân và nông dân Vinh - Bến Thủy xuống đường mở đầu cuộc đấu tranh với chính quyền thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm, giảm các loại sưu thuế…

Những chiến sỹ Tự vệ đỏ tiêu biểu trong giai đoạn này gồm: Chu Huy Mân, Hoàng Trọng Trì, Trần Cảnh Bình (TP. Vinh); Nguyễn Công Thường (Thanh Chương); Nguyễn Hữu Sinh (Yên Thành)… Lịch sử cuộc đấu tranh tại vùng Vinh - Bến Thủy ghi nhận: Sáng 1/5/1930, người đội trưởng đội Tự vệ đỏ vùng Lộc Đa - Đức Thịnh Hoàng Trọng Trì cùng hàng trăm tự vệ khác dũng cảm cầm cờ búa liềm đi đầu đoàn biểu tình, vừa đi vừa hát Quốc tế ca và hô to các khẩu hiệu, cổ vũ quần chúng vững bước tiến lên. Địch kéo đến cản đường, đàn áp, các chiến sỹ tự vệ đã kết thành một khối bảo vệ quần chúng. 

Tại ngã ba Bến Thủy, lịch sử cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh ghi nhận sự hy sinh anh dũng của chiến sỹ Nguyễn Đôn Nhoãn khi đã dũng cảm xông lên đoạt súng của địch nhằm không cho chúng bắn vào đoàn biểu tình; chiến sỹ Trần Cảnh Bình bị địch hạ sát khi leo lên cột đèn, dương cao ngọn cờ búa liềm cổ vũ tinh thần đấu tranh của công nhân, nông dân. Trong cuộc đấu tranh lần đầu tiên này đã có 7 chiến sỹ tự vệ đỏ hy sinh, 18 người bị thương, hơn 100 người khác bị địch bắt tra tấn dã man.

Cũng sôi sục khí thế như khu vực Vinh - Bến Thủy, những người thuộc lực lượng Tự vệ đỏ vùng Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) bảo vệ 3.000 quần chúng đấu tranh phá đồn điền của tên Ký Viện. Ngày 1/9/1930, các đội Tự vệ đỏ ở các huyện Thanh Chương đã đánh phá đồn Rào Gang, tiến hành bắt giữ bọn hào lý các làng Xuân Bảng, Tú Viên, Xuân Tường, Phong Nậm, Nguyệt Bổng… Tự vệ đỏ ở tổng Đại Đồng phá cầu chợ Lạt chặn địch từ Đô Lương xuống. Tự vệ tổng Võ Liệt (Thanh Chương) bắt giữ 11 tên tổng lý và những tên nghi làm mật thám.

Ngày 12/9/1930, có 8.000 nông dân Hưng Nguyên tập trung ở Ga Yên Xuân để đi biểu tình. Đội tự vệ đỏ đã bao vây nhà ga, bắt giữ sếp ga. Giặc Pháp đã cho máy bay ném bom chặn đoàn biểu tình ở Thái Lão làm nhiều người chết và bị thương, nhưng chúng không thể dập tắt được khí thế đấu tranh, vai trò tiên phong của lực lượng Tự vệ đỏ Nghệ Tĩnh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở khu rừng Trần Hưng Đạo ngày 22/12/1944. Ảnh Tư liệu

Tháng 10/1930, nhận thấy phong trào Xô viết dâng lên như vũ bão, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết nêu rõ: “Ngay từ bây giờ, Đảng phải tổ chức Bộ quân sự của Đảng để: Làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện. Giúp công, nông hội tổ chức đội tự vệ. Vận động trong quân đội của bọn địch nhân…”. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ, chỉ trong thời gian ngắn lực lượng Tự vệ đỏ đã được tổ chức và kiện toàn lại. Tính đến tháng 10/1930 trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 411 đội Tự vệ đỏ với 9.148 đội viên. Tính cả 2 năm 1930 - 1931 qua cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã ra đời 436 đội Tự vệ đỏ với 15.434 đội viên. Trong đó huyện Thanh Chương có số đội đông nhất với 128 đội, huyện Anh Sơn 94 đội, Diễn Châu 58 đội…

Tự vệ đỏ thực tế đã trở thành công cụ bạo lực vũ trang duy nhất của chính quyền Xô viết. Trong thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo nhiệm vụ của Tự vệ đỏ lúc này là “phải tập luyện quân sự, phải tìm kế mà cướp lấy súng địch, trật tự trong làng cho nghiêm, và khuyên dân cày bừa làm ăn bình thường”.

Sau khi chính quyền Xô viết ra đời, thực dân Pháp và tay sai trở lại đàn áp phong trào cách mạng. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, lực lượng Tự vệ đỏ vừa bảo vệ chính quyền Xô viết, vừa vận động, cổ vũ nhân dân đấu tranh chống khủng bố trắng và các thủ đoạn của địch. Các đội Tự vệ đỏ Hưng Dũng - Vinh, Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn, Môn Sơn (Con Cuông)… với tinh thần quả cảm đã bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, bảo vệ thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất, giữ bí mật cho hoạt động của Xứ ủy Trung kỳ.

Không những thế, các đảng bộ cơ sở kết hợp với lực lượng Tự vệ đỏ đã phát động phong trào đấu tranh bằng nhiều hình thức như: Rải truyền đơn cảnh cáo bọn tay sai, bao vây đồn địch, phục kích ngăn chặn các cuộc tuần tiễu, trừng trị những tên tay sai gian ác. Tiêu biểu có các sự kiện: Tự vệ đỏ huyện Nghi Lộc trừng trị tên tri huyện Tôn Thất Hoàn; Tự vệ đỏ huyện Yên Thành phá vỡ âm mưu rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận của thực dân Pháp và tay sai tại Tràng Kè; Tự vệ đỏ Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) trừ khử tên đồn trưởng Pháp Piere và 11 tên tay sai…

Qua 2 năm đấu tranh cách mạng, từ chỗ chỉ có những chiến sỹ xung kích treo cờ đỏ, rải truyền đơn, lực lượng Tự vệ đỏ đã phát triển thành một lực lượng quan trọng trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. 

Sự lớn mạnh của lực lượng Tự vệ đỏ ở Nghệ An và Hà Tĩnh là một trong những cơ sở để Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935) họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ban hành Nghị quyết riêng về phương pháp bạo lực cách mạng, khẳng định: Tự vệ đỏ càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh, vũ trang bạo động”.

Đại hội chủ trương thành lập đội tự vệ công nông thường trực làm nòng cốt của các phong trào bạo động vũ trang giành chính quyền. Trên cơ sở chiến lược này, từ các đội Tự vệ đỏ hình thành trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Đảng đã xây dựng và rèn luyện những đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đó là các đội du kích Bắc Sơn, Vũ Nhai, Cao Bằng, Đô Lương, Nam Kỳ; đội Tự vệ cứu quốc, Cứu quốc quân… 

Quốc Sơn

TIN LIÊN QUAN