P.V:Thưa đồng chí! Đã 50 năm ngày Bác Hồ vô vàn kính yêu mãi mãi đi xa (21/7 năm Kỷ Dậu 1969 - 21/7 năm Kỷ Hợi 2019) và cũng là 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Nhân dịp này, đồng chí có thể chia sẻ về những suy nghĩ của mình?

Đồng chí Trương Công Anh:Ngày 21/7 năm Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ của chúng ta đi xa. Người đi xa nhưng đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân một nhân cách, một tư tưởng, một sự nghiệp lớn và bản Di chúc mà Người để lại là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc. Nhìn lại 50 năm thực hiện Di chúc của Người, đối với công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt. Đó chính là cái cốt lõi để Đảng khởi xướng và lãnh đạo thành công công cuộc Đổi mới để đất nước có được sự phát triển như ngày hôm nay.

baihocqua50nama16029354_2182019.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã lưu tâm đến “bệnh” quyền lực của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên.

Người khẳng định trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”; tuy nhiên, theo tôi nhận thấy, từ Đại hội IV cho đến Đại hội XII, Đảng ta chưa đặt ra tư tưởng chỉ đạo phải nâng cao năng lực cầm quyền, mà chỉ mới là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Cho đến nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng ta đã bổ sung thêm nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên cả 4 nội dung là: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thay cho xây dựng trên 3 nội dung về chính trị, tư tưởng, tổ chức như trước đây. Sở dĩ, Đảng ta bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức, vì Đảng ta là một đảng cầm quyền; bởi Đảng cầm quyền thì dễ bị “nhiễm” các “nguy cơ cầm quyền”, nhiễm “bệnh” quyền lực. Điều này, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã lưu tâm đến “bệnh” quyền lực của Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên.

Sau khi viết Di chúc và trước khi qua đời, Người cũng đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Và trong Di chúc, sau câu “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đó là những giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn về xây dựng Đảng trong Di chúc của Người.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bản đánh máy năm 1965, bản viết tay sửa chữa và bổ sung năm 1968, 1969. Ảnh tư liệu

Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta cần đánh giá, kiểm điểm như tinh thần Đại hội VI là nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói hết sự thật về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tư cách là một đảng cầm quyền theo đúng lời căn dặn của Người: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Mặt khác, những tư tưởng, gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về đoàn kết, về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng cũng cần được quan tâm thực hiện tốt nhất.

P.V:Ngoài Di chúc chung, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vinh dự được Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng trước khi Người đi xa - đây được coi là Di chúc riêng cho Nghệ An. Là cán bộ từng công tác trong cơ quan Đảng và luôn quan tâm, đồng hành với sự phát triển chung của tỉnh, cảm nhận của đồng chí về việc Nghệ An đã thực hiện Di chúc của Người như thế nào?

Đồng chí Trương Công Anh:Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bức thư đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho một địa phương là Nghệ An và trước lúc Người đi xa, bức thư cuối cùng viết cho một địa phương cũng là Nghệ An. Điều này khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh một con người chung của dân tộc, của nhân loại, thì trong sâu thẳm, tư tưởng, tình cảm của Người luôn rất sâu nặng với quê hương.

Bác Hồ về thăm Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh tư liệu

Trong Bức thư cuối cùng Người gửi cho quê hương là sự mong muốn thiết tha xây dựng Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. 

Trong Bức thư cuối cùng Người gửi cho quê hương là sự mong muốn thiết tha xây dựng Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Qua 50 năm thực hiện Di chúc, mặc dù ở nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền Nghệ An đã trăn trở và đặt ra quyết tâm để thực hiện bằng được ý nguyện của Người, tuy nhiên cho đến nay điều này vẫn chưa thực hiện được.

Dù chưa thể thực hiện trọn vẹn mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dù tổng sản phẩm xã hội, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách của tỉnh còn thua một số địa phương trong khu vực, nhưng đi sâu vào đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì đã có sự phát triển rất tốt. Đây là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, nhất là các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

P.V:Theo quan điểm riêng của đồng chí, thời gian tới, tỉnh cần làm gì để tiếp tục thực hiện Di chúc, đặc biệt là mong muốn của Người đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc?

Đồng chí Trương Công Anh:Nghệ An chưa thực hiện trọn vẹn mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi về khách quan, Nghệ An chưa phải là địa bàn thực sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư và dự án lớn mang tính động lực, đầu tàu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trương Công Anh giới thiệu bức chân dung Bác Hồ mà Người gửi cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An ngày 19/5/1969 có bút tích với đề tựa: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. Ảnh: Mai Hoa

Về mặt chủ quan, thì còn có sự “bảo thủ” và sự duy trì nền sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp tồn tại quá lâu đang cản trở sự phát triển; sự tiếp thu cái mới, sự mạnh dạn, đột phá về tư duy, hành động trong phát triển kinh tế của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Bởi vậy, để thúc đẩy sự phát triển, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải nghiên cứu, đề ra các giải pháp để giải quyết 2 vấn đề nêu trên.

Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung bộ (BTB) giai đoạn 2010 - 2020. Ảnh tư liệu: Đức Anh

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bức thư cuối cùng mà Người gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, đồng thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp; theo tôi từ chi bộ đến cấp ủy cơ sở, cấp ủy cấp trên cơ sở và Tỉnh ủy cần phải tự kiểm điểm việc thực hiện Di chúc ở cấp mình để đề ra quyết tâm, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ mới, để làm sao cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tới, Nghệ An thoát được khỏi tỉnh nghèo, trở thành tỉnh khá như Bác Hồ hằng mong. Và khi kinh tế phát triển thì việc chăm lo đời sống nhân dân mà Người căn dặn chắc chắn sẽ được thực hiện tốt.

Nghệ An phát triển kinh tế để thực hiện mong muốn của Người đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc. Ảnh tư liệu

Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, Nghệ An là tỉnh có đông đảng viên, vì vậy các cấp ủy cần chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, phẩm chất cách mạng cho đảng viên; đồng thời phải có tinh thần cầu thị, phát huy vai trò, sự đóng góp trí tuệ của đảng viên hiện có vào công tác xây dựng Đảng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc kết nạp đảng viên không nhất thiết phải quan tâm đến số lượng, mà cốt lõi là phải xem xét, cân nhắc đến động cơ vào Đảng của từng cá nhân, vào Đảng là để phục vụ Đảng và phục vụ nhân dân; tuy nhiên đối với những vùng, khu vực đặc thù, có số lượng đảng viên ít thì cần có giải pháp để phát triển về số lượng song song với chất lượng.

Một vấn đề nữa trong công tác xây dựng Đảng là về công tác cán bộ. Hiện nay, yếu nhất trong công tác cán bộ là khâu đánh giá cán bộ, bởi các tiêu chuẩn hiện nay đang mang định tính như trung thành hay có năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, tỉnh cần nghiên cứu để định lượng được tiêu chuẩn cán bộ, từ đó cân nhắc, lựa chọn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đúng, trúng; đồng thời phải nhận thức rõ và hành động đúng rằng công tác cán bộ là của Đảng chứ không phải của một cá nhân hay một nhóm người nào khác.

P.V:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!