(Baonghean) -Tiếp xúc với nhà vô địch kỳ thi quý cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phan Đăng Lưu, Yên Thành), điều mà tôi ấn tượng nhất là sự tự tin, cách nói chuyện hóm hỉnh và sự linh hoạt trong ứng xử. Chính sự tự tin đó đã giúp em chiến thắng ở cả 3 vòng thi: thi tuần, thi tháng và thi quý với số điểm thuyết phục...
Sinh ra trong một gia đình có mẹ là giáo viên THCS, bố là cán bộ của Công ty thủy lợi ở Thành phố Vinh, từ nhỏ, Nam đã được mẹ rèn luyện tính tự lập. Và những chương trình gameshow trên truyền hình là trò giải trí mà em yêu thích. Trong đó, cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” mê hoặc cậu từ những năm còn học lớp 1. Chị Phạm Thị Thu Hằng (giáo viên Trường THCS Bạch Liêu - Yên Thành), mẹ Nam chia sẻ: “Hiếm khi Nam bỏ lỡ chương trình này. Cũng vì đó, giờ ăn cơm trưa của cả nhà cũng lùi lại sau khi cuộc thi trên ti vi kết thúc. Những đêm mất điện, mấy mẹ con lại đem ghế ra sân, vừa hóng mát vừa đố vui nhau những câu hỏi sưu tầm được từ chương trình. Hoặc những bữa cuối tuần, bố đi công tác về, cả nhà lại làm vận động viên “leo núi” mà bố là giám khảo...”.
Đam mê chương trình từ nhỏ, lại được rèn luyện thường xuyên trong môi trường gia đình nên Nam luôn ao ước được một lần tham gia cuộc thi, được đội vòng nguyệt quế dành cho người chiến thắng. Để biến ao ước đó thành hiện thực, ngoài những kiến thức được tiếp nhận ở trường, ở lớp, Nam tìm đọc rất nhiều sách báo, tạp chí. Lên THPT, bước vào học kỳ 1 lớp 11, Nam mạnh dạn gõ cửa phòng thầy hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu “đề đạt” nguyện vọng của mình: “Em muốn được dự thi đường lên đỉnh Olympia. Em mong nhà trường ủng hộ và tạo điều kiện cho em được dự thi...”.
Thầy giáo Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu khá bất ngờ với đề xuất này của cậu học trò Nguyễn Văn Nam. “Lúc Nam nói ý định của mình, tôi hơi ngỡ ngàng. Vì thực ra, Nam không phải là học trò xuất sắc của trường, của lớp. Qua giáo viên chủ nhiệm, qua Bí thư Đòan trường, biết được điểm mạnh của Nam là sự tự tin trong giao tiếp, linh hoạt trong ứng xử nên chúng tôi đã hội ý, quyết định tạo điều kiện để em dự thi...”.
Nhà “leo núi” Nguyễn Văn Nam tại vòng thi quý
(Ảnh do nhân vật cung cấp).
Dù thời gian từ khi nhận được thông báo dự thi cho đến lúc thi hết sức gấp gáp nhưng Nam đã 3 lần về Nhất, trong đó nhất quý (280 điểm). Trong suốt quá trình thi, "đối thủ" của Nam đều đến từ các trường THPT chuyên nổi tiếng. “Các bạn đều là học sinh trường chuyên ở các thành phố lớn, về kiến thức, hiểu biết thì chưa dám nói gì nhưng họ hơn hẳn mình phần tự tin, giao tiếp chị ạ. Ban đầu khi nghe người dẫn chương trình giới thiệu về bản đăng ký dự thi của các bạn, em thấy “ngợp” trước thành tích học tập đáng nể đó. Nhưng chính vì không đặt nặng vấn đề thắng thua, đi thi đấu với tâm lý thoải mái, cộng thêm một chút may mắn nên em đã giành chiến thắng”, Nam khiêm tốn.
Đặc biệt, trong suốt 3 vòng thi, Nam không để mất điểm nào ở các câu hỏi tiếng Anh, bởi đây chính là thế mạnh của em. “Em thích học tiếng Anh từ nhỏ, tự học là chính. Cũng không có bí quyết gì đặc biệt nhưng em nghiêng về tiếng Anh giao tiếp nhiều hơn và thường xem phim nước ngoài, nghe nhạc quốc tế để rèn luyện khả năng nghe và nói tiếng Anh”. Với khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, năm học 2010-2011, Nam giành giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh toàn tỉnh và được một suất tham dự trại hè tiếng Anh tổ chức tại Thái Lan.
Bốn ngày ở Hà Nội, liên tục đối mặt với 3 vòng thi, áp lực khá lớn nhưng Nam nhận được sự cổ vũ, động viên từ gia đình, thầy cô và bè bạn, đặc biệt là từ các cựu học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu. Dù rất bận rộn với công việc, học tập nhưng khi nghe tin học sinh của trường ra Thủ đô dự thi, các anh, các chị đã sắp xếp thời gian, đến tham dự đông đủ với băng rôn, khẩu hiệu và sự nhiệt huyết. Chính điều đó đã “tiếp lửa” giúp Nam tự tin và phấn đấu giành chiến thắng, mang lại niềm tự hào cho học sinh quê lúa Yên Thành.
Trước trận chung kết Olympia, Nam cho biết: "Em không đặt nặng vấn đề thắng thua nhưng sẽ cố gắng hết mình để giành thành tích cao nhất. Trong trận đấu quan trọng này, kiến thức thì chia đều 25% cho cả 4 thí sinh. Ai tự tin, bình tĩnh và có bản lĩnh hơn thì người đó có nhiều cơ hội hơn”. Mỗi ngày, ngoài học các môn văn hóa, Nam dành thời gian khoảng 1 tiếng ôn lại kiến thức từ SGK và đọc thêm các sách khác như Bách khoa toàn thư, tiểu thuyết nổi tiếng…
Nam cũng tiết lộ, mục tiêu lớn nhất bây giờ là kỳ thi tuyển sinh đại học. Em đã đăng ký thi vào khoa Tự động hóa Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương.
Thầy giáo Bùi Văn Hưng cho biết thêm: “Có thể học lực của Nam không thuộc diện xuất sắc nhưng em có vốn kiến thức rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực, phản ứng nhanh. Trong các cuộc thi tuần, thi tháng và thi quý, Nam có chiến thuật thi đấu khá tốt, bình tĩnh nên đã lần lượt vượt qua các đối thủ nặng ký đến từ các trường chuyên. Với kiến thức của Nam, nhà trường cũng rất hy vọng em sẽ đưa vòng nguyệt quế lần đầu tiên về với đất học Nghệ An”.