(Baonghean) - Sự kiện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã đi vào hồi kết, nguyên nhân và những sai phạm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận. Vấn đề bây giờ là các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, tìm hiểu để xác định đúng người, đúng tội và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đây, chúng ta nhận thấy được vai trò của báo chí trong việc góp phần làm sáng tỏ vấn đề.



Điều này được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận thông qua phát ngôn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Trước hết tôi xin chuyển lời của Thủ tướng Chính phủ biểu dương và cảm ơn anh em báo chí đã thông tin rất kịp thời, đa dạng, phong phú, có nhiều bài phân tích đa chiều về vụ việc. Điều đó đóng góp cùng các cơ quan chức năng đưa ra kết luận...”.

Có thể nói, sự kiện Tiên Lãng chiếm giữ khá nhiều kỷ lục, trong đó phải kể đến sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Trong hơn một tháng qua, gần như hàng ngày người dân khắp cả nước đều chờ đợi, dõi theo diễn biến sự việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hy vọng các ban ngành chức năng vào cuộc một cách công tâm. Và sự kiện này cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các vị lãnh đạo lão thành, các vị nguyên là tướng lĩnh và đại biểu Quốc hội cùng nhiều chuyên gia, lực lượng trí thức. Với tri thức và kinh nghiệm của mình, nhiều người đã có những phân tích, đánh giá sự việc một cách chính xác, sắc sảo dưới nhiều góc độ. Đó chính là những gợi ý xác đáng để các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời báo chí -

Ảnh: xaluan.com

Từ sự kiện Tiên Lãng, dư luận đã nhìn nhận và đặt ra nhiều vấn đề trong giai đoạn hiện nay: Nạn tham nhũng, tệ quan liêu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi pháp luật và có dấu hiệu của lợi ích nhóm; vai trò của hệ thống chính trị các cấp; những bất cập của Luật Đất đai và sự yếu kém trong khâu quản lý; tính dân chủ và việc đảm bảo kỷ cương, phép nước... Đó là tất cả những gì “thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng” như văn kiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ ra. Từ đó đặt ra vấn đề cấp thiết là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham những, quan liêu, loại trừ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi hàng ngũ của Đảng...

Sự kiện Tiên Lãng không chỉ giới hạn trong phạm vi huyện Tiên Lãng hay Thành phố Hải Phòng, mà còn là một bài học sâu sắc về sử dụng, quản lý và thu hồi đất cho tất cả các địa phương, trong đó có tỉnh ta. Đó chính là bài học về tính công khai, minh bạch và dân chủ trong việc triển khai các dự án có liên quan đến việc thu hồi đất của dân.

Trở lại vấn đề vai trò của báo chí trong sự kiện Tiên Lãng, có thể nói, các cấp chính quyền ở đây từ đầu đã tỏ ra thiếu thiện chí, thậm chí là né tránh việc cung cấp thông tin cho báo chí. Việc làm này khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về cơ chế phát ngôn, quyền thông tin và được thông tin của các cơ quan báo chí và công luận. Cuối cùng, bằng chuyên môn, nghiệp vụ và sự dũng cảm, khéo léo trong tác nghiệp, các nhà báo đã góp phần làm sáng tỏ sự thật. Thực tế, hiện nay không ít lãnh đạo địa phương, các tổ chức chính trị- xã hội và doanh nghiệp còn né tránh báo chí, ngại tiếp xúc với nhà báo, kể cả trong các sự kiện “nóng”. Điều này đã tạo nên một khoảng cách không cần thiết và những ngờ vực gây bất lợi đối với các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp. Có lẽ, trong mắt lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp và doanh nghiệp này luôn có cái nhìn phiến diện, cho rằng nhà báo là những người chuyên “bới móc” các việc làm tiêu cực, khuất tất.

Để thay lời kết, chúng tôi xin được tiếp tục dẫn lời của ông Vũ Đức Đam: “Thủ tướng rất mong báo chí ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế đất nước”. Để thực hiện tốt điều này, báo chí rất cần sự hợp tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân!

Công Kiên