Khi chúng tôi đến, cũng là lúc chị Nguyễn Hồng Vân (sinh năm 1972) cùng hai cô cháu gái của mình đang say sưa học tiếng Anh bên chiếc máy tính đã được cài sẵn phần mềm hỗ trợ dành cho người khiếm thị.
Nhìn những ngón tay mềm mại lướt nhanh trên bàn phím một cách chuẩn xác, linh hoạt ít ai dám tin đó là bàn tay của một người không còn thị lực. Trước sự tò mò xen lẫn ngạc nhiên, thán phục của chúng tôi, chị kể: Cũng vất vả lắm, những ngày đầu tiếp xúc với máy tính, dù đã cài đặt phần mềm hỗ trợ dành cho người mù thì bản thân vẫn phải "đánh vật" với bàn phím. Để soạn thảo một văn bản có khi chị phải mất cả ngày, đầu đau như búa bổ khi nghe những âm thanh dính liền, nhảy múa... Nhưng rồi cứ kiên trì, làm mãi chị cũng quen.
Giờ đây, chị đã sử dụng thành thạo máy vi tính, soạn thảo văn bản một cách dễ dàng, có thể truy cập các trang web, tìm kiếm và đọc các tài liệu bằng cách sử dụng phần mềm đọc màn hình.
Sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng, nhưng đến tuổi đi học cô bé Hồng Vân vẫn khát khao đến trường. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và ở vùng quê Nam Đàn nơi chị gắn bó cả tuổi thơ lại chưa hề có một lớp học nào dành cho người khiếm thị nên mong ước đó đành phải chôn vùi.
Hằng ngày, nghe những người bạn cùng trang lứa ê, a tập đánh vần, chị cũng ngồi nghe và tập đọc theo. Đến năm 7 tuổi, gia đình chị ngỡ ngàng khi thấy chị có thể đánh vần thông thạo. Vì lẽ đó, sau này khi học chữ Braille, chị chỉ mất 1 tuần là có thể đọc thông viết thạo, trong khi những người bạn cùng lớp phải mất gần 1 tháng.
Năm 2004, khi chị được tiếp xúc với máy tính cũng là khi cả chân trời tri thức như mở rộng trước mắt. Từ đó chị đã cố gắng học tập để thành thạo tin học. Hằng ngày, chị được cập nhật tin tức qua các trang báo và tham gia các khóa học trực tuyến để nâng cao hiểu biết của mình. Đặc biệt, chị có thể chat, dùng gmail và Facebook như người bình thường để giao lưu với bạn bè, người thân.
Năm 2008, chị vinh dự được Hội Người mù tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy Tin học cho các chi hội người mù. Dù đi lại khó khăn, nhưng chị vẫn tràn đầy nhiệt huyết để có thể đến tận từng lớp học của chi hội trên khắp các huyện gần xa trong tỉnh.
Ngày đầu đến lớp, chị đã rất run bởi việc giảng dạy Tin học cho các học viên chưa lần nào tiếp xúc với máy vi tính là rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, muốn sử dụng máy tính cần phải hiểu và biết tiếng Anh trong khi các học viên gần như không biết về lĩnh vực này.
Nhưng rồi bằng sự kiên nhẫn và sáng tạo trong cách truyền dạy, qua nhiều buổi học các học viên đã dần tiếp cận và bước đầu sử dụng được máy tính một cách thành thạo. Các buổi học dường như vui hơn khi tiếng Anh được “Việt hóa” thành tiếng Việt. Chị kể, các học viên trong lớp có một cách sử dụng tiếng Anh vừa sáng tạo lại nhớ được lâu, ví như lệnh “set up” sẽ được gọi là “xe đạp”, nut “tab” sẽ được gọi là “tát”…
Qua các buổi học, sự đồng cảm đã xóa nhòa mọi khoảng cách và mang lại cho chị niềm hạnh phúc vô bờ. Dù các khóa học chỉ được tổ chức mỗi năm một lần, nhưng với chị đó là cơ hội để được hòa nhập với cuộc sống, được làm người có ích, được trao yêu thương và nhận yêu thương.
Sau các buổi học, chị đã khuyến khích và khơi dậy phần nào niềm đam mê đọc sách của các học viên. Chị trải lòng: “Với những người không nhìn thấy ánh sáng như mình, sách mở ra cả thế giới mới lạ, cho phép mình tưởng tượng và cảm nhận về mọi vẻ đẹp qua từng con chữ mà không cần nhờ đến một sự giúp đỡ nào thêm từ người khác. Qua việc đọc mình có được sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa và cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, của các tác phẩm hội họa…khiến tâm hồn mình không còn buồn chán. Quan trọng hơn, càng nhiều người khiếm thị biết tư duy, có tầm hiểu biết thì vị thế của người khiếm thị trong xã hội sẽ tự nhiên được nâng lên và vì thế đời sống tinh thần ngày càng được cải thiện”.
Ngoài các giờ giảng, chị cũng là người ham viết. Chị viết văn, viết thơ và tập cả viết báo nữa. Niềm vui thật khó tả khi có thể tự mình viết nên những ý nghĩ, cảm xúc và quan điểm. Chị muốn những bài viết sẽ là sợi dây ràng buộc bản thân mình với cuộc sống này chặt thêm chút nữa, thiết tha hơn nữa dù chưa bao giờ được nhìn thấy cuộc sống ấy chuyển động trước mắt mình.
Nói về chị, ông Nguyễn Minh Đức - Chủ tịch Hội Người mù Nghệ An tự hào chia sẻ: “Điều đáng quý ở Nguyễn Hồng Vân chính là tinh thần ham học hỏi và phong cách sống tự tin, độc lập. Chính Vân đã lan tỏa niềm lạc quan vui sống và giúp những hội viên khiếm thị khác hòa nhập cộng đồng. Nhiều học viên sau khi được Vân hướng dẫn về Tin học và Ngoại ngữ đã tự tin giao tiếp với thế giới bên ngoài. Từ đó tự tin và sống có ý nghĩa hơn để không biến mình là gánh nặng của gia đình, xã hội".