(Baonghean) - Tin tiến sỹ khảo cổ học người Nhật Bản - ông Nishimura Masanari, vĩnh viễn ra đi sau một tai nạn giao thông (ngày 9/6) trên tuyến đường 5 Hà Nội - Hải Phòng, đã làm chấn động giới khảo cổ học Việt Nam với niềm tiếc thương lớn lao. Và có lẽ, khi biết tin này, thì người dân những vùng đất cổ từng chứng kiến niềm say mê khảo cổ Việt, cảm nhận được tình yêu Việt Nam của Nishimura Masanari, đều tiếc thương ông như thế…Tiến sỹ Nishimura Masanari sinh năm 1965 và lớn lên tại Thành phố Shimonoseki, Nhật Bản. Vào năm 1990, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Khảo cổ học Trường Đại học Tokyo, ông đến Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật một số mộ cổ ở Làng Vạc - Nghĩa Đàn  (Nghệ An). Từ đó đến nay, ông gắn bó với Việt Nam, lấy tên Việt là Lý Văn Sỹ, lập gia đình tại Việt Nam với người vợ Nhật và gia đình bé nhỏ của ông đã định cư ở Việt Nam suốt 12 năm qua.Từ Làng Vạc đến Luy Lâu... ảnh 1         Những cổ vật ở Khu di chỉ Làng Vạc - Nghĩa Đàn - Nghệ An. Ảnh Tư liệu.Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc được biết đến từ năm 1972 và các nhà khảo cổ đã 5 lần tiến hành khai quật. Lần khai quật cuối cùng vào năm 1990 có mặt Nishimura Masanari, để từ đó góp phần xuất bản một quyển sách bề thế về các thành tựu khảo cổ ở Làng Vạc, chính thức khẳng định giá trị khu di chỉ này. Không một di tích nào thuộc thời đại Hùng Vương lại có nhiều dạng mộ táng đẹp như ở đây: Mộ có nấm, mộ được lát đá phiến, mộ rải gốm, mộ nồi vò úp nhau... Hiện vật tùy táng không những nhiều về số lượng mà còn phong phú về loại hình; nhiều tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao so với trình độ văn minh khắp vùng Đông Nam Á bấy giờ. Cũng từ đó, ngoài phục dựng được Lễ hội Làng Vạc hàng năm (bắt đầu từ năm 1999), có nhiều giả thuyết thú vị được đưa ra là vùng Phủ Quỳ xưa có thể là một trung tâm phát triển hùng mạnh trấn ngự miền biên viễn phương Nam của Quốc tổ Văn Lang; hay có thể đây là một “hành đô” từ thời Thục phán An Dương Vương với câu chuyện dã sử mất nỏ thần, ôm hận mất nước mà phi ngựa từ miền Tây Việt Thường xuôi biển tuẫn tiết, để nay vùng Cửa Hiền biển Diễn Châu có một đền Cuông… Vào năm 1998, Tiến sĩ Nishimura Masanari đã phát hiện một mảnh khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ 1 - 3 sau Công nguyên ở di tích thành Luy Lâu, thủ phủ đất Giao Châu xưa, được phát hiện ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Chính mảnh khuôn đúc đồng duy nhất được tìm thấy từ trước tới nay này của Nishimura Masanari đã giúp khẳng định trống đồng được đúc ra chính tại Việt Nam, chứ không phải từ nơi khác mang đến. Và cũng chính ông cùng đồng nghiệp khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện các khuôn đúc mũi tên tại Luy Lâu, với những mũi tên từ niên đại thời kỳ An Dương Vương, giúp chứng tỏ mũi tên đã được sản xuất tại chỗ.Từ Làng Vạc cho đến Luy Lâu, quãng 8 năm đủ để chàng sinh viên trẻ Nishimura Masanari trở thành một chuyên gia khảo cổ học uy tín, tạo dấu ấn trong ngành khảo cổ Việt Nam. Nhưng những bí ẩn hồn cốt Việt dưới trầm tích mẹ đất nghìn năm đã cuốn Nishimura Masanari theo niềm đam mê khảo cổ với những thành tựu mới; đồng thời cũng đã giúp ông hoàn thành luận án thạc sĩ về công cụ đá của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Sơn Vi; luận án tiến sĩ về khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông - Đồng Nai. Nishimura Masanari (thứ tư từ trái qua) tại một bãi khai quật, bên những người dân ở làng gốm cổ Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: NorikoVà hạnh phúc lớn lao đến với Nishimura Masanari khi cũng tại Việt Nam ông gặp người bạn đời Nishino Noriko - một nghiên cứu sinh về ngôn ngữ Việt Nam. Noriko đã chuyển sang nghề khảo cổ và mang hai con sang Việt Nam, tiếp tục những “con đường khảo cổ” khắp nẻo làng quê Việt. Bảo tàng gốm Kim Lan tại Gia Lâm – Hà Nội và gốm Dương Xá tại Bắc Ninh được hình thành đã có công đóng góp rất lớn cả công sức và tiền bạc của vợ chồng Nishimura Masanari. Ngoài là giảng viên cho các lớp khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam, Tiến sĩ Nishimura Masanari đang là chuyên gia tư vấn, bảo tồn, nghiên cứu khoa học cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ từ năm 2009. Năm 2011, ông đã có sáng kiến làm bản đồ vệ tinh toàn cầu netwich về khu di tích Thành nhà Hồ, nhằm giúp trung tâm quản lý tốt hơn các công trình, hạng mục đang cần được bảo tồn… Công việc còn bộn bề dang dở, Tiến sỹ Nishimura Masanari đã phải ra đi đột ngột. Đồng nghiệp, người dân Việt Nam sẽ nhớ mãi nhà khoa học Nhật Bản đã dành cả cuộc đời cho sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam này.

Vũ Vương