Theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021, từ ngày 1/3/2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước.

Tổng điều tra được triển khai 5 năm 1 lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.
dieu_tra_kinh_te_18159990_132021.jpgHoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương cho biết, kết quả tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê.

Đồng thời, tổng điều tra nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế-xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

Theo Tổng cục Thống kê, đối tượng điều tra là đơn vị kinh tế chỉ đóng tại địa bàn 1 xã và chỉ thực hiện một loại hoạt động kinh tế thuộc ngành kinh tế cấp 3, gồm các loại sau: cơ sở sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp, hợp tác xã; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh; cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; tổ chức phi chính phủ của nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Đối tượng điều tra không bao gồm các cơ quan hành chính, Đảng đoàn thể; cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của hộ; cơ sở hoạt động thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất các đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, ngành kinh tế (trừ hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị-xã hội, quản lý nhà nước, an ninh - quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc).

Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin là: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình hoạt động; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; thông tin về kết quả và chi phí sản xuất kinh doanh; thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên sâu về đơn vị điều tra.

Thời gian thu thập thông tin: đối với doanh nghiệp, hợp tác xã từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 30/5/2021; đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 30/4/2021; đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021; đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/7/2021.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ thu thập các thông tin cơ bản; điều tra chọn mẫu thu thập thông tin chuyên sâu về đối tượng điều tra.

Về phương pháp thu thập thông tin: Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế 2021.

Đối với hộ sản xuất kinh doanh cá thể và đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng, điều tra viên đến từng đơn vị gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) phỏng vấn trực tiếp, kết hợp quan sát để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động.

Dự kiến, cuộc tổng điều tra sẽ công bố kết quả sơ bộ tháng 12/2021; công bố kết quả chính thức vào tháng 1/2022. Dựa trên kết quả của tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.

Theo Tổng cục Thống kê, theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp của nước ta có xu hướng tăng chậm lại trong khu vực hành chính, sự nghiệp và tăng cao trong khu vực kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Cụ thể, trong tổng số hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, khối doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại và thu hút hơn 14 triệu lao động; kinh tế tập thể có 13.600 đơn vị; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động; đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có 42,7 nghìn cơ sở.
Tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng phản ánh điểm hạn chế đối với khu vực doanh nghiệp, đó là xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/doanh nghiệp, sự manh mún của cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và tiến trình xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn diễn ra khá chậm. Công nghệ thông tin chưa được ứng dụng hiệu quả trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương.../.