(Baonghean) - "Proud history what future?" (tạm dịch"Tự hào về lịch sử, tương lai thì sao)? Đó là những tấm biểu ngữ được cổ động viên Aston Villa giăng lên trong trận đấu của đội nhà với Chelsea vào ngày 2/4 vừa qua. Bất chợt, tôi nghĩ về đội bóng Sông Lam Nghệ An...

a9 - Các cầu thủ SLNA khởi động trước trận gặp CLB Sài Gòn chiều 10/4 trên sân vận động Vinh. Ảnh: Trần Hải
Các cầu thủ SLNA khởi động trước trận gặp CLB Sài Gòn chiều 10/4 trên sân vận động Vinh.                                                                                                                                                             Ảnh: Trần Hải

Trước hết, xin nói sơ qua về đội bóng Aston Villa. Đây là CLB giàu thành tích thứ 4 ở nước Anh (sau Man United, Liverpool, Nottingham Forest) với 1 cúp C1, 1 siêu cúp châu Âu, 7 chức vô địch quốc gia, 7 cúp FA, 5 cúp Liên đoàn... Một đội bóng như thế giờ đang phải ngụp lặn ở vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng giải Ngoại hạng Anh. Viễn cảnh thi đấu ở giải hạng nhất mùa tới đã rõ ràng hơn bao giờ hết, thậm chí còn lún sâu hơn nữa từ cuộc khủng hoảng của đội bóng. Vậy điều gì đã khiến một thế lực của bóng đá Anh trước đây trở nên bi đát như thế? Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do tài chính. Vì ít tiền nên không giữ được "sao", không chiêu mộ được những cầu thủ chất lượng... nên thành tích thi đấu của Aston villa mới trở nên bết bát như vậy.

Từ tình cảnh của đội bóng thành Birmingham, tôi thực sự lo lắng cho tương lai của SLNA. Dẫu rằng việc so sánh giữa một đội bóng nước Anh với một đội bóng Việt Nam là khá khập khiễng. Tuy nhiên, với một "thế giới phẳng" của Thomas Friedman thì sự thành công hay diệt vong đều xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên thế giới. Cho nên bài học của Aston Villa rất đáng để cho mọi đội bóng suy ngẫm, và SLNA cũng không phải là ngoại lệ.

Là đội bóng giàu thành tích bậc nhất Việt Nam với 3 chức vô địch quốc gia, 2 cúp quốc gia, 4 siêu cúp... Bên cạnh đó, SLNA sở hữu lò đào tạo giàu thành tích nhất với: 5 chức vô địch giải U21 (kỷ lục), 5 chức vô địch giải U19 (kỷ lục), 7  chức vô địch U17 (kỷ lục) và rất nhiều danh hiệu ở các lứa tuổi khác...Vậy mà, năm này qua năm khác, Sông Lam Nghệ An luôn phải sống trong cảnh "đong từng bữa gạo".

Mỗi mùa giải đi qua, đội bóng xứ Nghệ lại gồng mình vì nạn "chảy máu nhân tài". Cái nghèo không buông tha cả con trẻ, khi hàng loạt tài năng nhí lựa chọn những trung tâm như: HN.T&T, Viettel, VPF... làm nơi luyện tập vì chế độ cao hơn nhiều. Một đội bóng được xem là “ngáo ộp” của Việt Nam nay trở thành một đội bóng tầm trung, một trung tâm đào tạo giàu thành tích nhất thì liên tục trắng tay. Mà nên nhớ, yếu tố để một đội bóng sống khỏe là tài chính và đào tạo trẻ, mà đào tạo trẻ cũng rất cần tiền.

Cổ động viên SLNA luôn tự hào về truyền thống đội bóng quê hương.

Phải thừa nhận, SLNA là đội bóng "vượt khó" của bóng đá Việt nam, thậm chí là của cả bóng đá thế giới. Với bản tính "chịu thương, chịu khó, cần cù, nghị lực..." đã ăn sâu vào từng cầu thủ, đội bóng. Nên những năm qua, đội bóng xứ Nghệ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để luôn xứng danh là "niềm tự hào của người dân xứ Nghệ". Tuy nhiên, cuộc sống rất khắc nghiệt, tình yêu và niềm tự hào thôi chưa đủ. Bởi trong thời buổi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" thì những yếu tố phi vật chất mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ để tồn tại.

Hãy nhìn những cái tên như: Thể Công, Công an thành phố Hồ Chí Minh, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Hải Quan... là rõ. Họ là những cái tên đâu thua kém gì SLNA của chúng ta, giờ họ ở đâu trên bản đồ bóng đá Việt Nam? Nhìn xa hơn ra bóng đá thế giới - 1 trong "7 chị em của Seria" là AC Parma đã phải xuống thi đấu ở giải hạng 3 của nước Ý vì phá sản năm 2015. Rồi đội bóng số 1 Scotland là Glasgow Rangers cũng bị đánh tụt xuống tận giải hạng 3 Scotland năm 2012 cũng vì lý do tài chính. Hay đội bóng làm mưa làm gió ở giải Ngoại hạng Anh cuối thập niên 90 của thế kỷ trước đầu những năm 2000 là Leeds United bây giờ còn lưu lạc ở những giải hạng dưới của nước Anh... Đó là những cái tên mà những người nắm giữ vận mệnh đội bóng SLNA phải suy nghĩ.

Cuộc thi Sông Lam Nghệ An - Niềm tự hào xứ Nghệ do Báo Nghệ An, CLB Sông Lam Nghệ An và Công ty CP giải trí VGG đồng tổ chức. Độc giả tìm hiểu cuộc thi tại đây.

Lâu nay, mọi người đã quá quen với hình ảnh "Sông Lam Nghệ An là anh học trò nghèo học giỏi". Mà quên mất trách nhiệm là làm thế nào để biến thành người "vừa giỏi vừa giàu". Người ta bảo, đứng lại có nghĩa là thụt lùi. Nên đội bóng xứ Nghệ đang có sự "hụt hơi" trông thấy. Đã đến lúc, nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo bằng câu, "Đừng tự hào vì nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi vì sao giỏi mà vẫn nghèo". Hãy cứu "niềm tự hào của người dân xứ Nghệ" trước khi chưa muộn.

Với tư cách là một người con xứ Nghệ, một cổ động viên trung thành của SLNA, tôi khẩn thiết những vị lãnh đạo tỉnh nhà, những người điều hành đội bóng, những người yêu mến đội bóng hãy xây dựng "Niềm tự hào" của quê hương lớn mạnh hơn! Nội dung của những tấm biểu ngữ trên sân Villa Park, cũng là nỗi lòng của những người hâm mộ SLNA.

Lê Thanh Hưng (Chi Khê, Con Cuông) 

TIN LIÊN QUAN