(Baonghean) Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau đó chỉ 1 ngày - ngày 3/9/1945 - Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp. Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vấn đề thứ sáu được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 9). Đề nghị đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Chính phủ chấp nhận và sau đó được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật, mà cao nhất là Hiến pháp của nước ta từ đó đến nay. Đó là một sự thật không ai có thể xuyên tạc, không ai có thể bác bỏ.

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi hoạt động của xã hội và của mọi công dân, của mọi tổ chức đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Đây cũng là một sự thật đanh thép, không thể xuyên tạc, không thể bác bỏ.

Quyền tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng của mọi công dân được Hiến pháp và pháp luật nước ta thừa nhận và bảo vệ. Mọi vi phạm đến quyền tự do của công dân đều phải xử lý theo pháp luật, và mọi sự lợi dụng tự do để xâm phạm đến tự do với bất kỳ lý do nào cũng đều là vi phạm pháp luật. Nếu như ai đó, nơi nào đó, việc gì đó mà lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để dẫn đến việc chia rẽ tôn giáo, chia rẽ lương - giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thì đó không thể coi là tự do chân chính.

Mỗi cộng đồng dân cư, mỗi giai tầng xã hội, trong đó mỗi cộng đồng tôn giáo đều có lợi ích của chính mình và quyền tự do chăm lo cho lợi ích đó. Song, nếu vì chăm lo cho lợi ích riêng của cộng đồng mình mà làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng khác, làm tổn hại đến lợi ích chung của toàn dân tộc thì lại trái ngược với tự do chân chính.

Pháp luật tôn trọng quyền tự do của mọi công dân. Mặt khác, mọi công dân không chỉ tôn trọng quyền tự do của mình mà còn phải tôn trọng quyền tự do của người khác, nhất là phải tôn trọng Hiến pháp và pháp luật.

Trương Công Anh