Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh tại Việt Nam, nhiều cựu binh Mỹ đã bị ám ảnh bởi cuộc chiến nên đã quay lại chiến trường xưa mong bù đắp lại những tổn thất họ đã gây ra. Không ít người trong số đó đã bén duyên và trở thành những chàng rể Việt Nam.
Ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam của một cựu binh Mỹ
Bill sang Việt Nam năm 1969. Với Bill - chàng hạ sĩ 19 tuổi, cuộc chiến tranh này thật quá lạ lùng, khó hiểu! Ba tuần trôi qua, kể từ khi Bill có mặt tại Việt Nam. Một đêm, đang ngủ say thì Bill bị một tiếng nổ cực lớn dựng dậy. Xung quanh vang lên tiếng lựu đạn và súng AK. Đơn vị của Bill bị tấn công! Những người lính Việt Nam đã đột nhập vào khu doanh trại và chiếm lĩnh trận địa. Mọi người la hét. Bill cuống cuồng nhảy xuống hào và bắt đầu bắn bừa vào bóng đêm.
“Tôi không thể quên được cái đêm kinh hoàng đó. Đó là khoảng sau nửa đêm 10/5/1969. Trận đánh kéo dài chừng hơn một giờ đồng hồ. Đơn vị tôi có khoảng 150 người, trong khi Việt Cộng chỉ khoảng 30 người. Họ tấn công bất ngờ rồi rút đi rất nhanh. Chúng tôi có 6 người chết, 15 người bị thương. Lần đầu tiên tôi tận mắt thấy người chết trong cuộc chiến và tôi nhận ra rằng đây là một cuộc chiến thật sự, không phải trò đùa”.
Một giờ đồng hồ đó đã hoàn toàn thay đổi Bill. Nó buộc Bill phải khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn, thận trọng hơn, những thứ người ta chỉ có được khi thực sự sợ hãi, khi phải đối diện với sự sống và cái chết.
Và, như nhiều gã cùng đơn vị, Bill mong cuộc chiến chóng kết thúc, chí ít thì cũng chóng đến cái ngày Bill hết thời gian ở Việt Nam để trở về Mỹ. Chàng lính trẻ đâu ngờ sau này khi đã về Mỹ, ký ức Việt Nam vẫn đeo đẳng, vẫn bám chặt những người từng tham chiến ở đất nước này.
Ám ảnh đeo bám sau cuộc chiến
“Khi tôi được trở về Mỹ, ở nước tôi những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đang diễn ra rầm rộ” - Bill kể - “Tôi dấu tiệt đã từng tham chiến ở Việt Nam, tôi cũng xuống đường tham gia biểu tình, kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Những người xung quanh tôi, nếu biết, họ sẽ hỏi gay gắt: Cuộc chiến này có gì là đúng? Vì sao mày lại tham gia cuộc chiến đó? Bản thân tôi cũng tự đặt cho mình những câu hỏi ấy ”.
Như nhiều cựu binh, Bill không tìm ra được câu trả lời. “Suốt một thời gian dài, tôi đã cố gắng không nghĩ đến cuộc chiến ở Việt Nam, đã cố gạt nó sang một bên để sống tiếp”, Bill tiếp tục câu chuyện, “Tôi dần bắt nhịp vào cuộc sống bình thường. Tôi có công việc, có vợ, có 3 con, và chiến tranh đã là chuyện dĩ vãng. Mọi việc khá ổn. Thế rồi một đêm đang ngủ, tôi bỗng choàng thức giấc. Một cảm giác sợ hãi choán ngập lấy tôi. Tôi ngồi rúm ró và run lên cầm cập. Tôi không mơ về một cái gì cụ thể, chỉ biết rằng tôi vô cùng sợ hãi. Và tôi bắt đầu ám ảnh bởi câu hỏi mới: Tại sao ký ức chiến tranh lại nằm mãi trong tôi như thế? Tại sao tôi không thể quên được nó?”.
Những giấc mơ như vậy ngày một nhiều. Cũng có khi Bill mơ về những sự việc khá cụ thể, những giấc mơ đưa Bill về với những ngọn đồi vùng Khe Sanh, với không khí khét lẹt thuốc súng, những chớp lửa lộ ra vài ba bóng người thoắt ẩn thoắt hiện, những tiếng la hét ghê rợn của người bị thương…
Bill suy nghĩ rất nhiều, dằn vặt rất nhiều. Để rồi hiểu rằng không thể trốn chạy mãi, mà cần phải đối mặt với vấn đề của mình. Và Bill đi đến một quyết định, nó dẫn đến ngã rẽ cho phần đời còn lại của Bill.
Bill trở lại Việt Nam lần đầu vào năm 1994. Với một tâm trạng khó tả, vừa hồi hộp, vừa tò mò, lại cả lo sợ nữa. “Tôi quyết định phải trở lại Việt Nam, khi đã nhận thấy Việt Nam thực sự là một vấn đề đối với tôi. Thay cho cố quên đi, tôi phải trở lại, phải đối diện với vấn đề của mình. Tôi cũng muốn biết đất nước này như thế nào, con người ở đây ra sao” - Bill tiếp tục câu chuyện - “Ngay lần trở lại Việt Nam đầu tiên, tôi nhận thấy con người Việt Nam dễ gần gũi, phụ nữ của các bạn rất đẹp nữa, mặc dù đất nước các bạn khi ấy còn rất nghèo chứ chưa phát triển như hôm nay”.
Qua những ngày ở Hà Nội, nỗi sợ sẽ gặp phải những người căm ghét mình trong Bill đã giảm đi rất nhiều. Từ Hà Nội, Bill vào Đà Nẵng, rồi TP.HCM. Rồi từ TP.HCM, Bill lại ra Đà Nẵng, và tất nhiên, quay lại Khe Sanh và khu chiến trường xưa.
Vùng đất gắn với cuộc chiến tàn khốc năm xưa vẫn chưa có người ở. Rải rác đó đây còn nhiều dấu tích chiến tranh. Mặt đất vương vãi vỏ đạn. Một vài đồ quân dụng rỉ sét. Dấu vết hầm hào còn nguyên vẹn. Nhưng hoàn toàn không có chớp lửa, khói súng, tiếng la hét. Bill kể: “Tôi nhìn mọi thứ và cố gắng nhớ lại từng khuôn mặt đồng đội, lục lại từng ký ức về nơi này. Cảm thấy mọi thứ như một giấc mơ. Rồi lần đầu tiên tôi bước trên con đường mòn, nơi mà khi xưa chúng tôi luôn cố gắng tránh vì sợ phục kích. Giờ đây tôi bước đi mà không phải lo sợ có ai ngắm bắn vào mình, và tôi cũng không phải ngắm bắn vào ai”.
Những cựu binh Mỹ muốn bù đắp cho Việt Nam
Trở về Mỹ sau chuyến đi ấy, Bill kể lại những gì đã nghe, đã thấy cho nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Họ cũng đang gặp vấn đề như ông từng gặp. “Tôi nói với họ, các ông nên trở lại Việt Nam”, Bill kể, “Tôi khẳng định, bằng kinh nghiệm của tôi, tôi biết họ chỉ thực sự giải quyết được vấn đề khi quay lại đất nước đó, thay vì tự chất vấn mình những câu hỏi không có câu trả lời”.
Năm 1995, Bill trở lại Việt Nam lần thứ hai, cùng 5 cựu binh Mỹ khác. Với những kết quả đạt được sau chuyến đi ấy, Bill nhận thấy một công việc mới đang dành cho ông: Tổ chức những chuyến du lịch sang Việt Nam, chủ yếu phục vụ những cựu binh từng tham chiến ở đây. Với nhiều người Mỹ khi ấy, Bill đã là một tay sành sỏi về dịch vụ visa, ăn, ở, đi lại ở Việt Nam.
“Tính đến nay, tôi đã tổ chức cho khoảng 300 cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam quay lại mảnh đất này. Chuyến lớn nhất tôi tổ chức cho 15 người cùng đi, nhưng sau đó tôi nhận thấy nên tổ chức ít hơn, sẽ dễ tìm được sự đồng thuận và tiện thu xếp hơn”, Bill cho biết. Bill cũng khẳng định tất cả cựu binh sau khi đến Việt Nam đều rất “happy”. Những năm gần đây, những đoàn khách du lịch do ông tổ chức bắt đầu có cả con cái của các cựu binh. Bố họ đã quá già, hoặc đã chết. Những người trẻ tuổi này muốn hiểu rõ hơn về những gì cha mình đã trải qua, về cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ cũng rất tò mò muốn biết.
Và chẳng biết tự bao giờ, Bill cảm thấy gắn bó với Việt Nam. Cứ về Mỹ được ít hôm là Bill lại thấy nhớ cồn cào những cung đường ở Việt Nam mà ông từng đi qua đi lại, nhớ màu xanh của những ngọn núi Trường Sơn, nhớ nụ cười thân thiện của những chàng trai cô gái Việt…
Mối tình kỳ lạ với cô gái Việt
Việc Bill quyết định ở lại hẳn Việt Nam liên quan nhiều đến cô hướng dẫn viên du lịch người Việt cộng tác với ông trong nhiều năm liền. Trong thời gian tổ chức các đoàn du lịch sang Việt Nam, Bill đã thông qua một công ty du lịch để thuê các hướng dẫn viên. Và Bill tìm được cô gái Việt duyên dáng tên là An.
Chuyến đó vợ Bill cũng sang Việt Nam. An khá khó tính, đặc biệt chuyện giờ giấc. Trong đoàn, chỉ một người chậm trễ thôi là An sẽ nhắc nhở ngay. Ngủ nghỉ, ăn uống, lên xe khởi hành, với An đều phải chuẩn chỉnh giờ giấc. Sau chuyến đi, Bill hơi ngán An, muốn tìm người khác. Vợ Bill khuyên: Chính cô An mới là người cần cho anh. Anh phải giữ cô ta để làm việc lâu dài. Cô ấy hơi khó tính nhưng rất chu đáo, từ đặt phòng, thuê xe, cho đến chuẩn bị vật dụng cần thiết cho chuyến đi, cô ấy đều rất làm tốt. Nghe lời vợ, Bill giữ An lại.
Rồi xảy ra chuyện buồn, vợ Bill mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi. Sau khi vợ mất, Bill sang Việt Nam và gặp An, nhờ cô giúp tìm nhà, tìm việc. Ông ở lại Đà Nẵng, dạy thêm tiếng Anh cho trẻ em, và tiếp tục tổ chức những chuyến du lịch từ Mỹ sang Việt Nam. An vẫn cộng tác với Bill, thế rồi tình yêu đã nảy nở giữa chàng cựu binh Mỹ và cô gái Việt…
Khi tôi hỏi ông sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam chứ, Bill nói ngay “This is my home” (Đây chính là nhà tôi - người bạn đồng nghiệp đề nghị đưa nguyên văn tiếng Anh câu trả lời của Bill vào bài viết). Bill tâm sự: “Trước đây, bất cứ khi nào nghe ai đó nhắc đến hai từ Việt Nam, trong tôi lập tức ùa về khói lửa chiến tranh. Còn bây giờ, nghe ai nói đến Việt Nam, tôi chỉ thấy hiện ra bãi biển Đà Nẵng tràn đầy ánh nắng, hiện ra ngôi nhà của tôi, hiện ra gương mặt An vợ tôi”.
Trong câu chuyện, Bill có nhận xét dường như nhiều người Việt Nam đã quên đi cuộc chiến tranh tàn khốc năm xưa, rồi tự giải thích: “Phải chăng họ quan niệm họ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vì vậy họ thấy thanh thản, không bị dằn vặt bởi ký ức chiến tranh?”.
Theo Infonet