(Baonghean) Hồi cuối tháng 9/2011, ông Trần Đình Quyết (Giám đốc Công ty Tiền Hậu) mua của ông Trần Đình Toàn (tỉnh Đồng Tháp) 608 con ba ba và giao cho lái xe Nguyễn Minh Đức vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Tới địa phận tỉnh Quảng Bình thì bị lực lượng kiểm lâm tỉnh này tạm giữ. Tiếp đó là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xử phạt hành chính ông Quyết và lái xe 500 triệu đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.

Cho rằng ba ba mua của ông Toàn là động vật thủy sinh được nuôi trong trang trại nông dân, nên chủ hàng đã kiện quyết định xử phạt của Chủ tịch tỉnh Quảng Bình. Sau khi viện dẫn đủ loại thông tư, quyết định, xin ý kiến của mấy cơ quan chuyên môn ở Trung ương và kiểm chứng lại cả đống hồ sơ, cuối cùng Tòa án Quảng Bình tuyên bác nội dung khiếu kiện của chủ hàng và xử cho Chủ tịch tỉnh này thắng kiện.

Ông Quyết lại tiếp tục đâm đơn lên Tòa án nhân dân tối cao. Câu chuyện xung quanh con ba ba tưởng rất nhỏ giờ thành rối rắm.

Sự việc tiếp theo là: Khi tạm giữ hàng của Công ty Tiền Hậu, Kiểm lâm Quảng Bình tức tốc phát công văn ra Hà Nội hỏi. Tổng cục Lâm nghiệp trả lời ba ba là loại động vật hoang dã, việc vận chuyển, tiêu thụ nếu không có giấy phép của kiểm lâm là vi phạm pháp luật. Cẩn thận hơn, Kiểm lâm Quảng Bình còn mở giáo trình của Trường Đại học Lâm nghiệp để tra cứu được câu rất hàn lâm: Ba ba là động vật có nguồn gốc từ rừng. Phía chủ hàng không chịu, cầu cứu tới các luật sư, nhà khoa học, Tổng cục Thủy sản và được tư vấn rằng ba ba là thủy sản được khuyến khích chăn nuôi cách đây cả 1/4 thế kỷ và được kinh doanh thông thường, không phải là động vật quý hiếm, khi vận chuyển không cần có giấy xác nhận của kiểm lâm.

Vậy là tranh luận gay gắt, không ai chịu ai và cuối cùng chủ hàng thua tòa án trong sự uất ức đến nghẹt cổ vì từ trước tới nay Công ty Tiền Hậu đã vận chuyển hàng nghìn chuyến với hàng vạn con ba ba cung ứng cho nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc và ra cả thế giới làm thương phẩm, không cần giấy chứng nhận của kiểm lâm và không tỉnh nào xử phạt như Quảng Bình. Chưa biết vụ này Tòa tối cao sẽ phán quyết ra sao. Thế nhưng, nhìn vào những chuyện đã xảy ra, dư luận thật tình chưa tâm phục khẩu phục về cách hành xử của các cơ quan công quyền.

Từ chuyện mấy con ba ba, nghĩ sang những chuyện khác cũng thấy rắc rối vô cùng. Làm cái thủy điện, Bộ Công Thương thì cho là cần thiết vì nước mình mỗi năm ước tính còn thiếu khoảng 3 tỷ KWh. Ngành Lâm nghiệp lại kêu 1MW thủy điện phá 16ha rừng, thảm họa không lường hết được. Ông Giao thông Vận tải hoa cả mắt vì cảng nước sâu và cảng hàng không của các tỉnh nở ra như nấm. Đầu tư cả núi tiền rồi bỏ hoang, kinh doanh thua lỗ, nợ cứ đầm đìa. Một nền hành chính nhà nước mà chính sách vênh nhau, quy định chống nhau, mạnh ai nấy làm, ngành nào cũng bảo thủ rằng mình đúng và cuối cùng là mọi khốn khổ cứ nhằm vào đầu người dân mà trút. Nền hành chính như vậy không thể là động lực của phát triển.

Sáng Chủ nhật ra nhà văn hóa khối, nghe mấy cụ ngồi bình thế sự. Bất chợt ông khối trưởng lại nhắc mấy con ba ba trong Quảng Bình lắm chuyện. Bỗng một cụ cao giọng phán rằng con ba ba không có lỗi, hệ thống cơ chế chính sách trì trệ như hiện nay mới đích thị là thủ phạm.

Nghe ra có vẻ cũng xuôi tai thật.

Khánh Linh