Điểm khác biệt lớn nhất của ông Park Hang-seo với các HLV tiền nhiệm là ông thầy người Hàn Quốc chuẩn bị khá nhiều phương án nhân sự, chiến thuật. Kết hợp với kinh nghiệm nghề nghiệp, phán đoán tình hình đối phương chuẩn xác, ông luôn biết cách sử dụng cầu thủ đúng người, đúng thời điểm, điều chỉnh sai lầm nhanh chóng.
Nhìn từ Philippines
Ai cũng biết Đình Trọng và Quang Hải là 2 cầu thủ quan trọng như thế nào trong đội hình U22 Việt Nam. Nhưng rõ ràng, khi vắng mặt 2 cầu thủ này, ông vẫn có phương án thay thế hợp lý, dù phải mất vài trận ông mới có được hàng phòng ngự ưng ý. Việc phát hiện Đức Chiến và sử dụng Hoàng Đức mang dấu ấn của ông Park, mở ra giới hạn mới cho chính 2 học trò này.
Bản thân ông Park đã nhiều lần công khai ưa thích sơ đồ chiến thuật 3-4-3 nhưng lại thành công khi đá 3-5-2. Bản thân khi chơi với 2 tiền đạo thì 5 tiền vệ này cũng được biến ảo khôn lường, tùy theo tình hình ông sẽ sử dụng sơ đồ 3-3-2-2, 3-4-1-2. Sự đa dạng về lối đá và nhân sự đang là điểm mạnh của các đội tuyển Việt Nam thời HLV Park.
Nếu như các SEA Games trước, mới qua vòng bảng thì Việt Nam đã hết ý tưởng tấn công, lộ hết quân bài chiến thuật thì lần này khác. U22 Việt Nam là đội duy nhất sử dụng hết 20 cầu thủ trong tay và đá với ít nhất 3 sơ đồ chiến thuật khác nhau. U22 Việt Nam có 2 tiền đạo chủ lực ghi 14/24 bàn thắng nhưng cũng có 6 cầu thủ khác ghi bàn. Trong 2 trận hặp U22 Indonesia, chúng ta thể hiện 2 bộ mặt khác nhau, lối đá khác nhau, đó là điều làm nên sức mạnh và chức vô địch cho U22 Việt Nam.
…đến sân Vinh
Trong khi đó, mùa bóng vừa qua SLNA thường xuyên chỉ ra sân với sơ đồ 4-5-1 (sân khách) và 4-4-2 (sân nhà hoặc khi cần bàn thắng). Hầu như nắm được danh sách cầu thủ chấn thương, thẻ phạt là bất cứ HLV V.League nào cũng có thể biết được đội hình ra sân và lối đá của SLNA.
Điều kỳ lạ nhất, trong bóng đá người ta chỉ nhớ đến đội vô địch nhưng BHL SLNA vẫn cố gắng mọi cách để cán đích vị trí cao nhất, nhốt hàng loạt cầu thủ trên băng ghế dự bị. Không chủ trương giữ chân thủ môn Nguyên Mạnh nhưng 3 thủ môn Văn Tiến (25 tuổi), Văn Hùng (27 tuổi) và Dương Cường (20 tuổi) chỉ duy nhất Văn Tiến được vẻn vẹn ra sân 3 trận.
Hậu vệ trẻ Bá Đức cũng chỉ có 1 trận ra sân còn Thành Lâm suốt cả mùa bóng cũng mới dừng lại ở công đoạn khởi động trước trận đấu. Phải mất 5 mùa bóng, Hồ Tuấn Tài mới bắt đầu khẳng định mình ở tuổi 24, quá muộn so với các cầu thủ cùng lứa. Với cách dùng người như thế nên khi Xuân Mạnh, Văn Đức chấn thương thì hàng công SLNA dường như tịt ngòi.
Mấy năm qua, đội bóng xứ Nghệ không nằm trong tốp có huy chương, cách xa khu vực xuống hạng với số điểm rất lớn, có nghĩa là SLNA thừa rất nhiều điểm khi kết thúc mùa bóng. Nhưng số cầu thủ bị ngồi “mọc rễ” trên ghế dự bị khá nhiều, có thể kể đến Sỹ Sâm, Sỹ Nam, Phúc Tịnh, Thế Nhật… Nhưng giờ là lúc họ sắp trở thành trụ cột của đội bóng xứ Nghệ sau sự ra đi của hàng loạt cầu thủ đá chính mùa giải trước. Có điều gì đó thiếu tính kế thừa trong chiến lược sử dụng cầu thủ của SLNA.
Khó có thể trách HLV Đức Thắng khi từ trợ lý vào ngồi thẳng vào chiếc ghế HLV trưởng, không cầm quân ở các giải trẻ nên “bơi” trong đống công việc chuyên môn. Việc công tác chuyên môn phụ thuộc nhiều vào các trợ lý khiến SLNA thời Đức Thắng cầm quân không có nhiều điểm nhấn, tư duy phòng thủ số đông để không thua được xuyên suốt nhiều mùa bóng.
Với ngân sách có hạn, tiếp quản đội bóng trong thế bị động, lực lượng cầu thủ còn lại nhiều năm ngồi dự bị, lứa trẻ được đôn lên chưa hề chinh chiến V.League, HLV Quang Trường sẽ gặp nhiều khó khăn. Đã đến lúc, Quang Trường hãy quên thành tích mà hình thành lại bản sắc lối đá truyền thống của SLNA, mạnh dạn sử dụng cầu thủ trẻ./.