Câu chuyện một em bé bị mẹ quất lằn mông, trần truồng đi trên phố ở Hải Phòng được đăng tải trên mạng được lan đi với tốc độ chóng mặt. Điều này khiến không ít chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về cách giáo dục trẻ em, cách truyền thông đưa hình ảnh...
Trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý
Vừa qua, một người mẹ ở một thành phố phía Bắc phát hiện con trai 12 tuổi ăn trộm 500.000 đồng của cụ ngoại để mua đồ chơi và chơi điện tử. Quá tức giận, người mẹ này đã dùng roi quất lằn mông và bắt con trần truồng đi ngoài phố nơi có nhiều người qua lại. Người mẹ này cũng cho biết muốn con mình cảm thấy xấu hổ và bỏ ngay thói ăn cắp nên mới làm thế.
Trao đổi về cách giáo dục này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đây không phải là phương pháp giáo dục trẻ mà là là hành vi bạo hành trẻ em. Liệu mạng xã hội loan tin, báo chí vào cuộc phản ánh có phải là cách "bênh vực" cho trẻ hay lại làm hại em?
TS Hương khá bức xúc khi cho rằng “không có lý do nào có thể bào chữa cho người mẹ trong trường hợp này. Chị ấy đã sinh ra cháu bé nhưng chị ấy không có quyền hạ nhục bé vì lý do này. Bất kể ai sinh ra cũng có những quyền được tôn trọng. Tôi vô cùng bức xúc với suy nghĩ muốn tốt cho con thì bạo hành con thế nào cũng được”.
Ngoài ra, theo TS Hương thì xét dưới góc độ giáo dục giới tính thì hành động của người mẹ này còn có thể được coi là xâm hại trẻ.
Với cách xử phạt của người mẹ này, TS Hương cho rằng em bé ấy chắc chắn bé sẽ bị các sang chấn tâm lý. Bởi theo TS Hương đôi khi chỉ một lời nói hay một hành động cũng có thể để lại di chứng nữa là hành động kinh khủng thế này. Thực tế chứng minh đã có nhiều cháu bé tự tử chỉ vì xích mích nhỏ với bạn bè hoặc bạn bè xúc phạm. Vụ việc lần này quá nghiêm trọng, những tổn thương của cháu bé sẽ rất lớn, cháu sẽ mặc cảm với bạn bè, thiếu tự tin thậm chí còn có thể cảm giác nhục nhã.
Trẻ lấy tiền của cha mẹ đang học tính sở hữu
Theo TS Hương thì hành động của con trẻ lấy tiền của cha mẹ là đang học về tính sở hữu. Người làm cha làm mẹ rất cần phải dạy con về những quy định của pháp luật để con hiểu và không vi phạm. Đã có nhiều em bé lấy tiền của cha mẹ nhưng khi được giáo dục cẩn thận thì đã biết và tránh việc vi phạm này.
“Tôi đã từng bày cho nhiều cha mẹ cách xử lý trong trường hợp này như sau: Cho con hiểu cảm giác của người bị mất tiền, những khó khăn của họ khi bị mất tiền. Khi các cháu đã hiểu thì các cháu cũng sẽ biết được hậu quả hành động của mình và biết mình đã sai”- TS Hương nói.
Ngoài ra, theo TS Hương thì các bậc phụ huynh cũng cần cho các cháu biết về các điều luật quy định xử phạt những người lấy trộm tài sản của người khác.
“Đôi khi nếu cần có thể cho các cháu nghe những bài giảng Phật pháp của các vị tăng lữ cao minh. Rất nhiều cháu đã hiểu ra và thay đổi sau khi nghe giảng” – TS Hương nhấn mạnh.
TS Hương cũng chia sẻ từng gặp rất nhiều trường hợp trẻ lấy cắp tiền của người khác. Thông thường khi các cháu chứng kiến cảnh ai đó vật vã vì bị mất tiền thì các cháu cũng đã hiểu ra và cảm thấy rất ân hận. Cũng có cháu quen tay, khi được các chú cảnh sát giảng cho về pháp luật thì đã rất sợ hãi, các cháu nhớ và thay đổi. Đặc biệt khi các cháu nghe giảng Phật pháp thì thái độ rất hối lỗi và ân hận. Đây là tín hiệu đáng mừng và rõ ràng là sau đó các cháu đã không tái phạm nữa.
Trả lời câu hỏi, vậy báo chí có nên đưa những tin như thế này, TS Hương cho rằng, cần có một chế tài về việc đăng tin liên quan đến trẻ em. Cách thức đưa lên của các báo có thể khiến đứa trẻ cảm thấy xấu hổ, nhục nhã hơn. Vì thế, nếu nhất quyết phải đưa lên thì tốt nhất không nên đưa hình ảnh nhân vật. Chúng ta cần thể hiện sự tôn trọng đến trẻ em hơn nữa.