Mới đây, trang mạng RBK của Ukraine đăng bài viết với nhan đề “Vùng biển bất ổn,” trong đó cho rằng hiện mọi sự quan tâm đều hướng đến Trung Đông, nhưng điểm nóng tiếp theo trên thế giới có thể chính là Biển Đông.
 
Trang RBK cho biết hồi giữa tháng Chín, tại Hội nghị về các vấn đề an ninh biển do Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Vương quốc Anh tổ chức tại thủ đô London, Phó đô đốc, Trung tướng Hải quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chỉ huy Hạm đội Bắc Hải (một trong ba hạm đội hiện nay của Trung Quốc) Yuan Yubao nói: “Biển Nam Trung Hoa ​- theo cách gọi của Trung Quốc - là vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Và tại vùng biển này, từ lâu, ngay từ thời Nhà Hán xa xưa, người Trung Quốc đã khai thác và sử dụng nó."
 
images1407422_0711_baidavanhkhan.jpgBãi đá Vành Khăn chụp tháng 8/2015 cho thấy các rạn san hô đang bị tàn phá bởi sự tôn tạo trái phép của Trung Quốc. (Nguồn: CSIS)
 
Các quốc gia bao bọc xung quanh Biển Đông hoàn toàn không đồng ý với quan điểm kể trên. Tại vùng biển này, cả Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei đều khẳng định chủ quyền. Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Philippines cũng cho rằng là một phần quần đảo Trường Sa thuộc về họ, và nắm kiểm soát một số đảo phía Đông Trường Sa. Trung Quốc thì đang nỗ lực khẳng định chủ quyền trên 80% tổng diện tích mặt nước Biển Đông - có nghĩa là trên thực tế quốc gia này muốn kiểm soát gần như toàn bộ vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Còn lại là của Malaysia và Brunei.
 
Thời gian gần đây, lợi dụng sự xao lãng của cộng đồng quốc tế khi đang tập trung chú ý đến điểm nóng Trung Đông, Trung Quốc đã quyết định tiến hành nhiều bước đi tại vùng biển tranh chấp nhằm gây áp lực với các quốc gia láng giềng của mình. Đây được coi là những hành động không thân thiện, gây ra những phản ứng dữ dội.
 
Đúng vài ngày sau bài phát biểu của Yuan YuBao tại London, Quốc hội Trung Quốc - đã thông qua cái gọi là "Kế hoạch hoạt động cơ bản trên biển" mà trong đó cho rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc thẩm quyền Trung Quốc. 
 
Phản ứng về động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này và bất kỳ hoạt động nào của các quốc gia khác, như tiến hành thiết lập căn cứ quân sự, mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền Việt Nam, trái với luật pháp quốc tế. Về phần mình, Manila cũng có quan điểm tương tự như Việt Nam.
 
Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc đã trở nên vô giá trị, bởi người bạn lớn của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương - nước Nga đang đặt trọng tâm vào giải quyết cuộc xung đột Trung Đông. Do đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Moskva. Hơn nữa, Kremlin có quan hệ đồng minh với Hà Nội, vốn là đối tác chiến lược của Moskva. 
 
Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á đang có một đồng minh mạnh mẽ là Washington. Vào tháng Chín năm nay đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà tại đó có vẻ như nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ song phương đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, trong số các vấn đề được tháo gỡ đó không bao gồm vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông. Mỹ lo ngại rằng quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với Biển Đông cho phép nước này sẽ nắm quyền kiểm soát huyết mạch giao thông quan trọng này. Đến hơn 80% nguồn cung ứng dầu khí cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều đi qua vùng biển này. 
 
Hồi đầu tháng 10, chỉ nửa tuần sau cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, tạp chí có ảnh hưởng lớn ở Mỹ là Foreign Policy đã dẫn các nguồn tin riêng của mình cho biết Washington chuẩn bị gửi tàu chiến và máy bay của lực lượng hải quân tới Biển Đông để bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hòn đảo nhân tạo được xây dựng.
 
Trung Quốc bắt đầu xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở vùng biển Đông từ năm 2014. Hoàn toàn không quan tâm đến các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mà cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Bắc Kinh đã xây dựng khu vực đất liền để mở rộng phạm vi đặc quyền kinh tế của mình và còn tiến hành bồi đắp các đảo quân sự nhân tạo. Mặc dù trên thực tế, Trung Quốc đã giảm nhịp độ xây dựng các công trình trên Biển Đông, nhưng những hành động này đã phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông, làm cho châu Á-Thái Bình Dương trở thành một trong những khu vực bất ổn trên thế giới.
 
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen hôm 26/10 đã đi vào khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông, tiến hành tuần tra trong khu vực 12 hải lý xung quanh lãnh thổ nhân tạo trên biển của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "các cơ quan chức năng Trung Quốc" đã bám sát các hoạt động quân sự của tàu chiến Mỹ, đồng thời cảnh báo sự "bất hợp pháp" của tàu khu trục USS Lassen khi tiến vào vùng nước gần quần đảo Trường Sa mà không được sự cho phép từ phía chính quyền Trung Quốc.
 
Reuters đã phát đi thông điệp của quân đội Mỹ rằng trong những tuần tiếp sẽ bổ sung các đội tuần tiễu đến vùng biển tranh chấp này. Mặc dù, hiện mọi sự quan tâm đều hướng đến Trung Đông, nhưng điểm nóng tiếp theo trên thế giới hiện nay có thể chính là Biển Đông./.
 
Theo Vietnamplus