(Baonghean) - Ông Jay Craig Hartwell - một chuyên gia có 35 kinh nghiệm làm báo và cố vấn truyền thông, hiện đang là giảng viên của đại học Hawaii (Mỹ) - đã nhận xét khi nêu thông tin 6 tờ báo lớn ở Anh mới đây quyết định đóng cửa trang web chính thức để tập trung hoạt động trên các mạng xã hội: “Cách thức làm truyền thông đang thay đổi một cách chóng mặt cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật”.

Không thể phủ nhận khoa học kỹ thuật là nền tảng để truyền thông, báo chí phát triển ngày càng mạnh mẽ. Bản chất của truyền thông, báo chí là lan toả thông tin, rất ăn khớp với mục đích hoạt động của internet, của các thiết bị thông minh và các ứng dụng phổ biến hàng đầu hiện nay như mạng xã hội.

Với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, truyền thông, báo chí đã phát triển đến mức độ thông tin được chuyển hoá thành một dạng sản phẩm lưu thông trên thị trường mà ở đó có đầy đủ nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng - một dây chuyền cực kỳ chuyên nghiệp và đồng bộ. Thế nhưng, mâu thuẫn nằm ở chỗ, chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng đang đặt ra vật cản lớn nhất, đe doạ đến sự sống còn của truyền thông, báo chí. 

Thông tin đang mất giá?

Theo một nghiên cứu vào năm 2016 ở Anh, thói quen theo dõi tin tức của người dân có chiều hướng bỏ qua báo in và chuyển sang các kênh thông tin số khác như truyền hình, internet. Tỷ lệ người đọc báo in ở Anh năm 2016 chỉ là 31% so với 41% vào năm 2014.

Trong khi đó, tỷ lệ người xem tin tức qua truyền hình là 67% và qua internet là 41%. Doanh thu từ báo in của nhiều tờ báo đứng đầu về lượng bản in của Anh như The Sun, Daily Mail, The Guardian… đều sụt giảm, khiến các tờ báo lớn phải gạt sự cạnh tranh sang một bên, nhóm họp nhau lại tìm giải pháp “cứu” lấy báo in. 

images1930882_truye__n_tho_ng_so__.jpgMạng xã hội - môi trường truyền thông mới chứa đựng nhiều rủi ro. Ảnh: Internet

Trong khi đó ở Pháp, báo in vẫn được đọc khá nhiều trên đường phố và trong tàu điện ngầm nhưng được phát… miễn phí. Người Pháp thường chỉ bỏ tiền ra mua tạp chí hoặc ấn phẩm đặc biệt, hoặc đăng ký tài khoản theo dõi các trang báo điện tử thay vì mua báo giấy.

Cảnh tượng quen thuộc mỗi buổi sáng với người Pháp là những người phát báo miễn phí ở các ga tàu. Đó là những tờ báo được in khổ nhỏ và chỉ có 1 tờ duy nhất với lượng thông tin được chắt lọc cực kỳ tiết kiệm. Dung lượng đã ít lại nhiều tranh ảnh, chữ in to - những điều này không khiến độc giả lấy làm phiền lòng vì rất phù hợp để đọc trên những chuyến tàu đến nơi làm việc. 

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có trang báo điện tử nào triển khai mô hình người dùng thường xuyên, trả tiền để đọc các nội dung trên báo điện tử. Thông tin nhanh, nhiều, trình bày hấp dẫn, miễn phí là những ưu thế giúp báo điện tử “vượt mặt” báo giấy và ngày càng được nhiều người Việt Nam lựa chọn.

Theo thống kê, hiện có đến 55% người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Không có gì khó hiểu khi những người này bỏ qua báo in để chọn báo điện tử làm kênh thông tin chính. 

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả. Sau báo điện tử, truyền thông lại tiếp tục có cuộc cách mạng mới với sự bùng nổ của mạng xã hội. Nếu như ban đầu, mạng xã hội chỉ là phương tiện kết nối người dùng, chia sẻ thông tin cá nhân thì ngày nay, mục đích sử dụng của mạng xã hội đã được bành trướng và gần như cung cấp đầy đủ chức năng cho mọi loại dịch vụ trong xã hội. Từ kinh doanh, giải trí đến truyền thông, liên lạc - người dùng có thể làm tất cả mọi thứ trên mạng xã hội.

Năm 2015, Facebook ra mắt tính năng Instant Article - được giới thiệu là cho phép lướt web, đọc tin nhanh thay vì mất thời gian chờ đợi tải lại nội dung đường link dẫn đến các trang báo điện tử. Tuy nhiên, bản chất của tính năng này nói nôm na thì giống như “bán” lại thông tin cho Facebook và nhận phần trăm doanh thu (nếu có) từ đó.

Như vậy, phải chăng tham vọng của Facebook là biến mạng xã hội này thành một “tờ báo”, một “kho” thông tin khổng lồ mà tất cả các tờ báo hay bất kỳ người dùng nào cũng có thể trở thành nhà cung cấp cho họ? 

Tháng 1/2016, Facebook lại ra mắt tính năng live stream và chỉ chưa đầy 2 năm sau, tính năng này đã được người dùng sử dụng cực kỳ rộng rãi, phục vụ cho hàng loạt nhu cầu từ quảng cáo, bán hàng đến tương tác đưa tin… Sự phát triển mạnh mẽ của Facebook khiến các tập đoàn truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà cũng tham gia vào cuộc chơi này.

Trong tháng 6 vừa qua, 6 tờ báo tại Anh đã đóng cửa website chính thức để tập trung hoạt động trên mạng xã hội (Facebook, Twitter) - minh chứng hùng hồn cho thấy vai trò của mạng xã hội đối với truyền thông đang ngày càng lớn. Các tờ báo chuyên nghiệp bây giờ không chỉ phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với chính độc giả của mình, những người hoàn toàn có điều kiện để “đưa tin” một cách nghiệp dư nhờ mạng xã hội. 

Chấp nhận thách thức và rủi ro

Sự cạnh tranh khốc liệt trên mạng xã hội - môi trường truyền thông mới - nhìn từ một góc độ khác có thể xem là bước phát triển mới nhất của truyền thông, báo chí. Vốn là một ngành gắn liền với xu thế của xã hội, truyền thông muốn tiếp tục tồn tại và phát triển chỉ có thể hoà mình vào dòng chảy chung, chấp nhận cuộc chơi mới với nhiều rủi ro và thách thức. 

Nói về những “bóng ma” mà người làm truyền thông phải dè chừng khi tác nghiệp trên mạng xã hội, chuyên gia Jay Craig Hartwell cảnh báo: “Mạng xã hội là một môi trường truyền thông rất khác, nó mở hơn, có tính kết nối hơn và đồng nghĩa với việc nó cũng nguy hiểm hơn cho người làm truyền thông”. Ông lấy ví dụ về việc sử dụng tính năng live stream của Facebook để đưa tin.

“Có nhiều nhà báo hỏi tôi, nếu đang live stream mà đột nhiên xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng tại hiện trường thì có nên live stream tiếp không hay nên đến giúp đỡ. Tôi trả lời với họ rằng: Quyết định là ở bạn và bạn phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đón nhận những điều sẽ xảy ra sau đó, bất luận quyết định của bạn là gì. Các phóng viên ở Mỹ thường sẽ tiếp tục live stream để cung cấp cho người xem những thông tin, hình ảnh chân thực nhất về vụ tai nạn. Đó cũng là những tư liệu có giá trị sau này có thể phục vụ cho công tác điều tra.

Tuy nhiên quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp còn có sự liên hệ chặt chẽ với văn hoá của quốc gia nơi tác nghiệp nữa. Có thể ở Việt Nam hay một số nước khác, hành động live stream một tai nạn sẽ bị phê phán là vô cảm, thiếu đạo đức. Hoặc, những hình ảnh máu me có thể khiến người xem bị sốc và phản ứng mạnh hơn những gì người đưa tin có thể mường tượng ra. Nhưng điều khó khăn nhất là, bạn phải đưa ra quyết định của mình cực kỳ chóng vánh. Truyền thông thời đại số là cuộc cạnh tranh khốc liệt về thời gian”. 

Ngoài ra, cách làm truyền thông mang tính chất trực tiếp, kết nối nhiều người dùng cũng tiềm ẩn một số nguy hiểm nhất định với người làm truyền thông. Ví dụ như: Thông tin bạn phát tán có mang tính bảo mật không,việc tiết lộ địa điểm bạn đang đứng có gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh không nếu có những đối tượng xấu theo dõi tin tức của bạn.

Và tất nhiên, khi kết nối với mạng lưới cộng đồng rộng mở, người làm truyền thông sẽ phải sẵn sàng đón nhận những phản hồi cả tốt lẫn xấu đến từ độc giả. 

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN