Theo truyền thông Nhật Bản, để bảo vệ Tổ quốc trước tình hình bất ổn khu vực, Việt Nam mua và có kế hoạch mua nhiều vũ khí hiện đại.

Hiện đại hóa

Tạp chí The Diplomat Nhật Bản ngày 28/10 đăng bài viết "Hiện đại hóa quân sự của Việt Nam" của giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quốc phòng Mỹ và nghiên cứu sinh Nguyễn Nhật Anh, Đại học Texas Mỹ. Theo nội dung bài viết, trong 10 năm gần đây, sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản, đã hình thành khả năng triển khai quân sự và bảo vệ lợi ích trên biển.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn củng cố sức mạnh, từng bước nâng cao thực lực quân sự và từng bước hình thành học thuyết quân sự. Việt Nam đã sở hữu nhiều tài sản quân sự, đang đặt nền tảng cho tiếp tục phát triển quân đội, đặc biệt là học thuyết sát thực tế...

Trong các lực lượng của quân đội Việt Nam, hiện nay Hải quân được chú trọng đầu tư khá mạnh. Hà Nội đã mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga, trong đó Việt Nam đã tiếp nhận bàn giao 5 chiếc, 1 chiếc còn lại sẽ nhận được vào đầu năm 2017. Với trang bị này, Việt Nam sở hữu hạm đội tàu ngầm tiên tiến hàng đầu khu vực.

images1733069_bao_nhat_ban_danh_gia_moi_ve_vu_khi_viet_nam_5819412fd30ca.jpgTiêm kích Su-30MK2 Việt Nam.

Tạp chí Nhật nhận định, có thể trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn duy trì quỹ đạo phát triển như vậy. Nhưng, cùng với việc lực lượng mặt đất trở thành trọng điểm quan tâm mới, tốc độ phát triển của hải quân có thể chậm lại.

Không quân Việt Nam ít ưu thế hơn các quân, binh chủng khác trên phương diện huấn luyện và bảo trì. Mặc dù hiện đại hóa không quân đã đạt tiến triển, nhưng trong ngắn hạn sẽ còn tiếp tục phải đầu tư.

Trong tiến trình hiện đại hóa, Lục quân Việt Nam được chú ý ít hơn. Theo tạp chí Nhật, có thể do yếu tố giá thành nên Việt Nam chưa có nhiều khả năng thay thế toàn bộ xe tăng T-55 cũ bằng xe tăng mới.

Mặc dù báo chí phương Tây phần lớn quan tâm tới thực lực mới của Hải quân Việt Nam, nhưng thực ra lực lượng tên lửa của Việt Nam có thể là vấn đề khiến nước ngoài quan tâm nhất.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đạt được thỏa thuận về việc mua sắm tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất, ngoài ra sẽ còn mua sắm tên lửa Club trang bị cho tàu ngầm và tàu nổi...

Cuối cùng, tạp chí The Diplomat cho rằng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn trên phương diện thực lực quốc phòng và quân đội, Việt Nam tiếp nhận hệ thống vũ khí mới và liên kết chúng với nhau bằng một học thuyết quân sự để đảm bảo truyền thống nhưng hiện đại, tin cậy, hiệu quả và sát thực tế như thế nào cần có thêm thời gian quan sát.

Mua vũ khí Nhật Bản

Không chỉ nói về tiến trình hiện đại hóa của Quân đội Việt Nam, theo truyền thông Nhật, rất có thể trong tương lai gần, vũ khí do nước này sản xuất sẽ là lựa chọn của Việt Nam, tờ Nikkei Asian Review hồi cuối tháng 6/2016 nhận định. Việt Nam đang tìm cách nâng cao năng lực phòng thủ của mình, đặc biệt kể từ khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Máy P-3C Nhật Bản thăm Đà Nẵng hồi đầu năm 2016.

Tuy nhiên với Việt Nam thì vũ khí Mỹ quá đắt. Dường như Việt Nam đã tìm được phương án thay thế từ Nhật Bản, các máy bay đã qua sử dụng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rẻ hơn (trong khi vẫn đảm bảo tính năng, nhu cầu sử dụng). Từ lâu Việt Nam đã muốn mua máy bay săn ngầm và nhiều nhà phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng đặt hàng Mỹ thiết bị quốc phòng này, một khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

Tuy nhiên Nhật Bản cũng nổi lên như một nhà cung cấp tiềm năng, theo một quan chức Nhật Bản, Hải quân Việt Nam đã chính thức bày tỏ quan tâm việc mua máy bay săn ngầm P-3C Nhật Bản. Nhưng giá cả không phải là lý do duy nhất tại sao Việt Nam đang chuyển hướng quan tâm sang Nhật Bản. Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản có nhiều máy bay P-3C có sẵn, từ năm 2013 Nhật Bản bắt đầu thay thế dòng máy bay này bằng P-1.

Ngoài ra, Việt Nam mong muốn các phi công P-3C phải được đào tạo và có kỹ năng nhận diện tàu ngầm địch từ sự khác biệt bởi âm thanh chúng phát ra. Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nếu học hỏi điều này từ Nhật Bản, một đối tác thân thiện tin cậy cả về chính trị lẫn kinh tế.

Việt Nam có thể trau dồi kỹ năng cho lực lượng phi công P-3C thông qua các cuộc tập trận chung với Nhật Bản. P-3C Nhật Bản đã từng thăm Đà Nẵng trong nhiều năm. Năm nay hai bên tiếp tục dự kiến diễn tập cùng nhau, một cơ hội tốt để huấn luyện lực lượng lái P-3C, Nikkei Asian Review nói về triển vọng hợp tác giữa hai bên.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN