Truyền thống “gặt lúa non” không còn xa lạ gì với một đội như SLNA. Từ thế hệ của những Văn Sỹ Thủy cho đến Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh đến thế hệ của Trọng Hoàng, tất cả đều được các đời HLV trưởng đôn lên đội 1 tham dự V.League từ rất sớm. Có nhiều cầu thủ lên chuyên khi mới sang tuổi 17.

Tuy nhiên, V.League 2020 là một mùa giải đặc biệt, bình thường và cũng bất thường với SLNA. Bình thường là bởi sau sự ra đi của hàng loạt cầu thủ trụ cột như Khắc Ngọc, Đình Hoàng, SLNA tiếp tục dựa vào nguồn cầu thủ do mình tự đào tạo ra. Tin vào các cầu thủ trẻ nên BHL SLNA ưu tiên sử dụng 1 trung vệ ngoại và 2 tiền đạo, không sử dụng cầu thủ ngoại cho vị trí tiền vệ trung tâm.

Bất thường là bởi trước thềm V.League 2019, SLNA chỉ đôn lên 2 cầu thủ là Lê Thành Lâm và Nguyễn Bá Đức. Chỉ có Bá Đức ra sân một lần duy nhất, thời gian tính bằng phút. Tuy nhiên, ở V.League 2020, có đến 8 cầu thủ một bước lên chơi V.League, thậm chí có những cầu thủ vừa mới khoác áo U19 SLNA, chưa hít thở không khí của hạng Nhì, hạng Nhất.

image_20200718_1329113189765_1872020.pngĐội hình xuất phát của SLNA tại V.League 2020 thường có 3-4 cầu thủ trẻ. Ảnh: SLNA FC

Nếu tính cả trường hợp trung vệ Nguyễn Bá Đức đang thi đấu tại CLB Hải Phòng theo dạng cho mượn thì SLNA đã trình làng 11 gương mặt trong 2 năm qua. Đó là 2 thủ môn Văn Tú, Văn Cường; các hậu vệ Bá Sang, Sỹ Hoàng, Thành Lâm; các tiền vệ Đình Châu, Văn Lắm, Ngọc Ánh, Đình Tiến, Văn Việt.

Sau 11 trận đấu vừa qua tại V.League, chỉ có hai thủ môn cùng với trung vệ Lê Thành Lâm là chưa được ra sân. Thậm chí, các cầu thủ như Đình Châu, Bá Sang, Văn Lắm, Đình Tiến được tin tưởng làm những kép chính của SLNA ở một đấu trường khốc liệt như V.League. Bộ đôi Đình Châu - Văn Lắm cũng là cặp tiền vệ trẻ trung tâm trẻ nhất của giải đấu.

Đó là một chính sách có phần liều lĩnh của HLV Quang Trường và BHL SLNA. Bởi sau 5 trận đấu thăng hoa với thành tích bất bại, giữ sạch lưới thì họ lại trở về mặt đất với 5 trận thua, 1 trận hòa. Như HLV Quang Trường nhận định, họ thiếu kinh nghiệm, nhưng họ có sức trẻ, khát khao và những tố chất riêng của một cầu thủ trẻ. Đó là tinh thần không còn gì để mất, tinh thần cống hiến.

Tiền vệ Trần Ngọc Ánh (SLNA) ghi bàn trong trận đấu nội bộ tại U22 Việt Nam. Ảnh: Hải Hoàng

Không thể giữ lại Khắc Ngọc, Ngọc Toàn, không thể giữ lại tiền vệ kỳ cựu Văn Bình, cũng không chọn một tiền vệ ngoại đá tiền vệ trung tâm, SLNA đang đón nhận hệ lụy từ việc thiếu người dẫn dắt lối chơi, phụ thuộc quá nhiều vào Phan Văn Đức. Thành tích đứng thứ 11 với 12 điểm và những bàn thua ngớ ngẩn của SLNA đã nói lên điều đó.

Ngược lại, chính sách “gặt lúa non” của SLNA dù được xem là khá ồ ạt lại mang đến những tín hiệu khá lạc quan cho tương lai. Những cầu thủ trẻ SLNA phần lớn đã hít thở bầu không khí V.League, tập luyện dài ngày theo môi trường đỉnh cao đang cho thấy những sự tiến bộ rõ rệt.

Khi những cầu thủ như Bá Sang, Văn Lắm, Ngọc Ánh lên tuyển U22 Việt Nam, họ cũng có những sự khác biệt so với các đồng đội đang chơi ở hạng dưới. Đó là tâm thế, tích lũy, tư duy của những cầu thủ đang chơi tại giải VĐQG. Ngôi sao Phan Văn Đức trước khi tỏa sáng cũng từng rất "vô danh" và thế hệ đàn em hiện tại đang đi theo đúng con đường đó. 

Tiền vệ Đặng Văn Lắm, hậu vệ Thái Bá Sang là những cầu thủ có trên 700 phút thi đấu tại V.League 2020. Ảnh: Hải Hoàng

Lứa cầu thủ trẻ sinh năm 1999 của SLNA từng không được đánh giá cao, trắng danh hiệu ở các cấp độ trẻ, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, họ đang có một sự khởi đầu như mơ, cơ hội thể hiện mình lớn hơn rất nhiều so với các đàn anh trước đây. Dù những sự khởi đầu đó chưa thực sự mang đến thành công ngay lập tức.

Sau mỗi năm, SLNA lại đối diện với việc hàng loạt cầu thủ dứt áo ra đi. Tuy nhiên, nếu cầu thủ đàn anh không ra đi những Đình Châu, Văn Lắm sẽ khó có đất diễn. Những trận thắng, những trận thua, những bài học đắt giá ở V.League sẽ giúp họ trưởng thành từng ngày. “Sóng sau đè sóng trước”, đó là những quy luật tất yếu.

"Các cầu thủ trẻ SLNA như những viên ngọc thô. Khi họ được tập luyện, thi đấu cọ xát thường xuyên, một ngày nào đó họ sẽ tỏa sáng".

HLV phó Nguyễn Huy Hoàng (SLNA)

Đáng tiếc SLNA thường phải đối diện với những ca chấn thương liên miên đến từ trụ cột, làm mất đi sự ổn định trong lối chơi. Ngoại binh cũng không được như kỳ vọng, nếu không SLNA xứng đáng là một tấm gương của V.League trong việc đào tạo, chăm bẵm nhân tài. Điều mà một HLV trưởng ĐTQG như ông Park Hang-seo vẫn luôn mong đợi.

Năm 2021, U22 Việt Nam sẽ tham dự SEA Games và những gương mặt chính thức sẽ được chọn lọc từ gần 50 cầu thủ hiện tại. Công cuộc “đãi cát tìm vàng” của thầy Park và mục tiêu giành suất chính thức của các cầu thủ U22 Việt Nam vẫn còn một chặng đường khá dài, nhưng riêng các cầu thủ xứ Nghệ, họ có những lợi thế rất lớn. Lợi thế sinh ra từ một lò đào tạo đặc biệt như SLNA.