(Baonghean.vn) - Hành trình xây dựng hệ thống Đài truyền thanh phường, xã - gọi tắt là Đài truyền thanh cơ sở (TTCS), đã có quá trình hàng chục năm qua, nhưng phải đến năm 2007, Nghệ An mới ban hành được Quy định tổ chức và hoạt động của Đài TTCS. Từ ấy đến nay đã 5 năm, TTCS vẫn đứng trước nhiều khó khăn và vẫn đang tập trung xây dựng các chương trình, dự án mới để đi tiếp cuộc hành trình đầy gian nan này…
Ông Đặng Khắc Thắng, Phó Giám đốc Sở TT- TT nhớ lại: Năm 2007, các ban ngành liên quan khi tham mưu cho tỉnh ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động của đài TTCS, việc khó nhất là đề nghị tăng thêm số lượng cán bộ chuyên trách Đài TTCS lên 2 người và nâng mức phụ cấp cho đội ngũ chuyên trách này từ 203 ngàn đồng/tháng lên mức 280 ngàn đồng/tháng, mà phải qua nhiều cuộc họp bàn thương thảo mới được thông qua. Nhưng nay, mức phụ cấp đó cũng đã quá thấp so với mặt bằng chung. Điều đáng nói là sau ngày ban hành Quy định về tổ chức và hoạt động đài TTCS, cả số lượng cán bộ chuyên trách và mức phụ cấp cho họ có được cải thiện hơn. Tuy vậy, đến nay, nhiều địa phương vẫn còn không ít khó khăn bởi nguồn ngân sách eo hẹp, giá cả leo thang và nhiều nguyên nhân khác.
Hệ thống trang thiết bị tại Đài Truyền thanh phường Hưng Bình (TP. Vinh).
Ảnh: Hữu Tuấn
Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là về trang thiết bị vận hành TTCS bị hư hỏng nhiều do không có điều kiện bảo trì, bảo dưỡng, thay thế, nên hầu hết các đài TTCS luôn trong tình trạng “tê liệt”, nhất là các huyện miền núi. Hiện Nghệ An đang có 2 loại thiết bị là thông tin bằng dây (tăng âm) chủ yếu cho các địa phương miền xuôi và thông tin không dây (máy phát FM) chủ yếu cho các huyện miền núi. Nhược điểm của thông tin bằng dây là do đi cùng đường lưới điện dễ chập cháy nguy hiểm, công suất lớn nên chịu tiêu hao nhiều năng lượng, chất lượng âm thanh kém, khó thiết lập ở vùng núi cao, vùng thưa dân cư…
Riêng hệ thống TT không dây, được hỗ trợ bởi Chương trình mục tiêu quốc gia từ 2003-2009 do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ dự án lắp đặt. Qua hơn 7 năm (2003-2009), đã lắp đặt được 89 trạm/89 xã thuộc 10 huyện miền núi, 4 năm đầu (2003-2006) mỗi năm đặt được từ 14 -16 trạm, 3 năm sau (2007-2009), mỗi năm chỉ đặt được từ 9-10 trạm. Hiện nay, hầu hết các trạm TT không dây đều trong tình trạng xuống cấp do thiếu kinh phí bảo trì, bảo dưỡng, thay thế; một số trạm có cố gắng khắc phục nhưng do linh kiện thiếu đồng bộ vẫn khó vận hành.
Nhận rõ thực trạng khó khăn của hệ thống TTCS nêu trên, từ 2011, nhờ Chương trình MTQG hỗ trợ, Nghệ An được chọn triển khai cùng lúc 3 dự án nằm trong chương trình “Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tại tỉnh Nghệ An”. 3 dự án là: DA1 “Tăng cường năng lực cán bộ TTCS, DA2 “Tăng cường CSVC cho hệ thống TTCS”, DA3 “Tăng cường nội dung thông tin- tuyên truyền về chính sách miền núi, biên giới, hải đảo và quản lý chương trình”.
Năm 2011, đã triển khai DA1 và DA2, năm 2012 này đang triển khai tiếp DA3. Với DA3, năm 2012 đã triển khai được một số việc như thành lập BQL chương trình; thẩm định nội dung các đầu sách thuộc DA3, xây dựng dự thảo kế hoạch của chương trình 5 năm (2011-2015), tổ chức triển khai các nội dung chương trình của DA3 đến các đơn vị, địa phương… Hiện chương trình đang gấp rút thực hiện và khá nhiều thuận lợi. Tin rằng với chường trình này, hệ thống TTCS ở Nghệ An sẽ được nâng lên về nhiều mặt và khắc phục được những khó khăn về cả chất lượng cán bộ chuyên trách và cả thiết bị, nội dung TTCS như lâu nay.