Năm 2014 kết thúc với một năm nhiều thăng trăm của các show truyền hình thực tế (THTT) Việt.
 
 
Năm 2014 với sự lũng đoạn của các cuộc thi ca hát

Gameshow thi hát càng nhiều càng nhạt

Hơn 2/3 gameshow hiện nay là các cuộc thi âm nhạc và có nguồn gốc nước ngoài. Tính ở thời điểm năm 2010, Sao mai điểm hẹn và Vietnam Idol là thu hút nhất, thì hiện nay đã có Giọng hát Việt (The Voice), Tôi là người chiến thắng (The winner is …), Nhân tố bí ẩn (The X-factor), Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s Got Talent)… phủ kín các kênh và phát sóng áp đảo khung giờ vàng cuối tuần.

Năm 2014, Giọng hát Việt (The Voice) thiếu vắng sau một mùa thi im tiếng nhưng Nhân tố bí ẩn (The X-Factor) lại thay thế. Được chăm chút kĩ lưỡng từ sản xuất, PR và dàn giám khảo nổi đình đám, Nhân tố bí ẩn được dự báo như một show hot sẽ làm nên hiện tượng và tạo áp lực lên Vietnam Idol nhưng ngoài Giang Hồng Ngọc, O-Plus, F-Band, Uyên Nguyên thì nhiều cái tên không tạo được sự nổi bật mạnh với thị trường. Vietnam Idol 2013 yên ắng, không kèn trống nhưng vẫn duy trì lượng rating ổn định sau 5 mùa phát sóng.

Vietnam’s Got Talent mùa thứ 3 tiếp tục những chiêu bài cũ nhưng đến vòng bán kết vẫn chưa gây được tiếng vang lớn trên truyền thông với các tài năng thực sự nổi bật. The Winner is cũng đã khép lại trong im tiếng với sự chiến thắng thiếu xứng đáng của Lan Anh.

Năm 2014, sân chơi âm nhạc dành cho nghệ sĩ được triển khai nhiều nhưng sự na ná về hình thức, nội dung hay thiếu hấp dẫn như: Tuyệt đỉnh tranh tài, Chinh phục đỉnh cao, Sao Việt toàn năng… đã không thu hút nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Hòa Minzy, thí sinh duy nhất hát ổn, chiến thắng hiển nhiên ở Học viện ngôi sao. 

Ngôi sao Việt (K-Pop) thậm chí không được ngó ngàng tới nhiều vì khâu sản xuất quá xa lạ với gu khán giả và phong cách ca sỹ được đào tạo không mang nhiều dấu ấn Việt Nam.

Trong khi sức hút của những show này còn khá mờ nhạt thì scandal lại kéo đến rầm rộ, xoay quanh những cái tên như Nathan Lee, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hải... Những tên tuổi mòn mặt qua các gameshow cũng không làm sôi động hơn đời sống của các gameshow truyền hình hình vì sự mờ nhạt cá tính.

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng đua nhau lên sóng truyền hình.

Gameshow dành cho trẻ em và hài lên ngôi

Năm 2014 chứng kiến các phiên bản nhí của các gameshow đồng loạt ra đời “ăn theo” từ các show người lớn. Trong đó, Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2 được đánh giá là thành công khá rực rỡ. Chung sức nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí cũng lần lượt “đổ bộ” truyền hình. Ngay cả MasterChef Việt cũng chuẩn bị rục rịch tung phiên bản dành cho trẻ em.

Những chương trình này là cơ hội để nâng cánh những tài năng nhí. Thế nhưng, nhiều người tin rằng một số nhà sản xuất đang cố dùng yếu tố trẻ em để câu kéo khán giả. Việc đưa con trẻ vào chuyện thi cử, tranh đấu, lại là trong giới giải trí với đầy rẫy những toan tính, sắp đặt của người lớn là một thực trạng hết sức nguy hiểm. 

Cường độ luyện tập ngày đêm, áp lực cuộc thi, điều tiếng dư luận… là những nỗi lo có thật tác động trực tiếp đến tâm sinh lý trẻ. Nhiều người cũng quan ngại việc sớm nổi tiếng, sa vào vòng xoáy tiền bạc, danh vọng sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh bệnh ngôi sao.

Năm 2014, các chương trình truyền hình hài đã có được thành công vang đội. Trong đó, Người bí ẩn đã chinh phục thành công khán giả Việt và trở thành một chương trình có tỷ suất người xem cao. Danh tiếng của bộ đôi Hoài Linh – Việt Hương cũng tăng lên đáng kể. Gương mặt thân quen cũng có một mùa thi bùng nổ, thành công hơn cả năm ngoái nhờ các yếu tố giải trí và nhân văn, đồng thời còn khai quật thành công “hiện tượng” Hoài Lâm.

Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành

Năm “lên hương” của các show giải trí có tính hài hước, gây cười

Các nhà sản xuất mạnh tay tung ra nhiều chương trình khác như Ơn giời! Cậu đây rồi, Vui ơi là vui, Gương mặt thân quen nhí, Cười là thua, Thách thức danh hài, À ha. Ơn giời! Cậu đây rồi là một show tấu hài ứng biến tuy đạt rating cao nhưng cũng hứng chịu không ít điều tiếng khi một số nghệ sĩ suồng sã, thiếu kiềm chế do phải ứng biến bất ngờ. 

Gương mặt thân quen nhí bị chỉ trích vì cho người lớn giả gái phản cảm, diêm dúa bên các thí sinh nhí. Cười là thua, một show thuần giải trí lại càng nhạt nhẽo khi hai đội thi cố chọc cười khán giả nhưng chẳng ai cười nổi.

Khi công chúng bắt đầu lạnh nhạt với cuộc thi ca hát, các chương trình có yếu tố hài dần lên ngôi. Ba gương mặt hài đang rất hot gồm Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành do xuất hiện nhiều cũng dần nhạt và kém duyên. Riêng Hoài Linh, anh chấm từ các cuộc thi “chìm nghỉm” như tìm kiếm hotboy, hotgirl cho tới các chương trình THTT lớn.  

Ngoài ca hát, nhiều cuộc thi vẫn giữ được vị thế riêng cho mình giữa cuộc đua hỗn độn của THTT Việt, từ nhảy (Thử thách cùng bước nhảy, Vũ điệu đam mê, Âm nhạc và bước nhảy), người mẫu (Vietnam’s Next Top Model), thiết kế thời trang (Project Runway), đầu bếp (Iron Chef, MasterChef Việt), các nghề nghiệp khác (Siêu thủ lĩnh, Ngoài giờ) hay về trải nghiệm cuộc sống (Cuộc đua kỳ thú, Bố ơi mình đi đâu thế?). 

Các chương trình đều có lượng fan theo dõi trung thành qua các mùa hay gây được dấu ấn nhất định nếu là mùa đầu sản xuất.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các gameshow

Hàng loạt chương trình nở rộ kéo theo cuộc cạnh tranh khốc liệt câu kéo người xem. Số lượng tăng đột biến không tăng cùng về mặt chất lượng, thậm chí bị giảm sút.

Lý giải thực trạng thất bát nhân tài, Thanh Bùi nhận định: “Trên thế giới, dù không phải mùa giải nào các chương trình tìm kiếm tài năng cũng tạo hứng thú cho người xem nhưng chưa bao giờ có chuyện bị rơi vào tình trạng khan hiếm nhân tài đến mức bế tắc như ở Việt Nam hiện nay. Ngày càng nhiều gương mặt cũ, thậm chí là những người đã từng là ca sĩ nhiều năm  quay trở lại tham gia cuộc thi. Họ đi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác và chất lượng thì rõ ràng không có tiến triển gì. Chán là điều dễ hiểu”.

Trước Thanh Bùi, diva Hồng Nhung cũng từng có quan điểm tương tự ngay sau khi Giọng hát Việt mùa thứ 2 vừa kết thúc.

Trong khi các chương trình format nước ngoài vẫn được nhập về đều đặn, các chương trình thuần Việt cũng có một số phận riêng của mình. Bên cạnh một số đã bị “khai tử”, một số khác như Trò chơi âm nhạc chỉ còn giữ được cái tên, còn nội dung được bê nguyên xi từ một chương trình nước ngoài là Don’t forget the lyrics nhưng cũng không còn hấp dẫn người xem nhiều hay khá hơn là Đồ Rê Mí, Sao mai Điểm hẹn… vẫn tiếp tục guồng quay như các năm trước mặc cho sức ép của những sân chơi ngoại nhập tương tự ngày càng áp đảo.

Theo Tiền phong