• Đối với giáo viên mầm non, có thời gian làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non bán công, dân lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập từ năm 1995 đến khi đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, tiến hành truy thu BHXH tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân với mức tiền lương tối thiểu chung, hoặc mức lương cơ sở từng thời kỳ và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH.

  • 1825948_2832019.jpg

    Cụ thể, thời gian từ tháng 10 /1995 đến tháng 12/2006, số tiền đóng bằng 15%, trong đó người lao động (NLĐ) truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Thời gian từ tháng 1/2007 đến tháng 12 /2009, số tiền đóng bằng 16%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 5%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 12 /2011, số tiền đóng bằng 18%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 6%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013, đóng bằng 20%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 7% còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Thời gian từ tháng 1/2014 đến nay, bằng 22%, trong đó NLĐ truy đóng bằng 8%, còn lại do ngân sách địa phương đóng.

Hồ sơ truy thu BHXH của đối tượng giáo viên mầm non được quy định gồm có: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) theo mẫu; HĐLĐ hoặc quyết định tuyển dụng của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, hoặc giấy tờ gốc có liên quan thể hiện có làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non.

Nếu trường hợp không còn đầy đủ các hồ sơ gốc như trên, người lao động cung cấp giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, nơi làm việc, tiền lương, tiền công… kèm theo xác nhận và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non nơi đã làm việc hoặc của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

Cơ sở giáo dục mầm non, hoặc đơn vị sử dụng lao động nơi giáo viên mầm non đang làm việc, cần có danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo mẫu. Đồng thời, thu tiền đóng BHXH của giáo viên mầm non, chuyển đủ số tiền truy đóng BHXH và tiền lãi vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.

Còn với đối tượng cán bộ xã là bệnh binh các hạng, cán bộ, công chức cấp xã có thời gian làm hoặc giữ các chức danh, hưởng sinh hoạt phítheo quy định tại Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP và thời gian làm, giữ chức danh quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP.

Riêng thời gian từ tháng 11/2003 đến tháng 9/2004, cán bộ xã là bệnh binh hạng 1, hạng 2 thì không phải đóng BHXH theo quy định tại điểm 6 Mục IV Thông tư liên tịch số 34/2004/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 121/2003/NĐ-CP.

Số tiền truy thu BHXH bắt buộc tính theo tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) với mức sinh hoạt phí, hoặc tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH và tiền lãi theo quy định của pháp luật về BHXH.

Cụ thể, đối với thời gian từ tháng 1/1998 đến tháng 10/ 2003 làm hoặc giữ các chức danh và hưởng sinh hoạt phí theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP, số tiền đóng bằng 15%, trong đó cán bộ xã đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng.

Đối với thời gian làm, giữ chức danh quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, từ tháng 10/2004 đến tháng 12/2006, đóng bằng 15%, trong đó cán bộ xã truy đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng. Từ tháng 1/2007 đến khi đã tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, đóng bằng 16%. Trong đó, cán bộ xã truy đóng bằng 5%, còn lại do UBND xã đóng.

BHXH Việt Nam lưu ý BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm túc, giải quyết truy thu BHXH dứt điểm trong năm 2019. Đáng chú ý, đối với các trường hợp truy đóng BHXH theo Công văn 835/BHXH-BT, khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà phải đóng thêm BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn người tham gia lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện sao cho mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở.