Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 27/9/2018 được lấy ý kiến người dân. Trong đó, điều 32 liên quan đến việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT được nhiều người quan tâm.
Theo dự thảo, học sinh học hết chương trình tiểu học, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được hiệu trưởng xác nhận trong học bạ việc hoàn thành tiểu học. Học sinh THCS sẽ được Trưởng phòng Giáo dục cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THCS.
Học sinh THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giáo dục sẽ được dự thi THPT quốc gia. Nếu đạt yêu cầu, các em được Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp đủ điều kiện dự thi, nhưng không dự thi hoặc thi không đạt, học sinh vẫn "được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu". Đây là điểm hoàn toàn mới so với Luật Giáo dục hiện hành.
Báo cáo lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Chính phủ cho thấy, đa số ý kiến nhất trí với quy định mới này. Vì nó khắc phục bất cập của Luật Giáo dục hiện hành khi không quy định hình thức công nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh đã học xong chương trình THPT nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho Sở Giáo dục thay vì hiệu trưởng. Số khác đề nghị quy định cụ thể điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và xác định rõ mục đích việc cấp giấy chứng nhận. Quy định này đảm bảo thực hiện vấn đề liên thông đối với người học.
Luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận ở hai kỳ họp, dự kiến được thông qua tại kỳ họp giữa năm 2019.