Trong 6 ngôi chùa sừng sững hiên ngang ở Trường Sa, tôi vừa may mắn, vừa nuối tiếc khi được thành tâm hành lễ, đắm mình trong tiếng chuông của một nửa trong 6 ngôi chùa ấy.
Nói là may mắn bởi không phải ai cũng có cơ hội được ra Trường Sa để hành lễ, để hàn huyên với các sư thầy nơi đảo xa. Nói là tiếc nuối vì không có sóng to gió lớn thì tôi đã có mặt tại 2/3 số chùa trên các đảo. Hành trình ra Trường Sa, điểm đến đầu tiên theo dự kiến là đảo Song Tử Tây, nơi mà chỉ huy tàu giới thiệu là có ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở Trường Sa nhưng sóng lớn khiến đoàn không thể lên đảo.
Như hiểu tâm trạng các đại biểu, chỉ huy tàu KN 491 cố gắng lái tàu vào gần đảo nhất có thể để mọi người thấy rõ ngôi chùa. Từ xa, chùa hiện ra theo phong cách truyền thống, có hai tầng với mái cong vút, nghiêng nghiêng dưới tán phong ba, bàng vuông. Mấy cô, mấy chị tiếc hùi hụi, chỉ mong đến thật nhanh các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn mà thỏa nỗi ước ao, bởi hành lễ ở Trường Sa mới nghe đã thấy thiêng liêng làm sao.
Lên từng đảo, sau nghi lễ đón tiếp, đoàn thắp hương, trưởng đoàn cùng sư trụ trì gióng giả hồi chuông vang trong gió, trong thâm u, dội vào lòng đảo, vào ruột biển, trầm bổng thật linh thiêng, giản dị. Ngay như tôi, chưa hiểu nhiều đạo lý nhà Phật cũng thấy tiếng chuông như hạt bồ đề gieo từ tâm, che chở, gợi nỗi an lạc. Từ nhỏ, đã quen với tiếng chuông chùa, quen đến mức như vô tình, trở thành đồng hồ sinh học, nay giữa mênh mông sóng cả, nghe chuông lại bồi hồi khôn nguôi.
Chiều muộn, tôi cùng anh Lê Quang Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nghệ An thả bộ, lia ống kính trên đảo Nam Yết bỗng thấy bình yên đến lạ. Ráng hoàng hôn quyện lấy tiếng chuông chùa hòa cùng tiếng vỗ ì oạp của sóng biển. Hai anh em ngồi phịch xuống cát, đón từng hồi chuông trong niềm hân hoan tột độ. “Có thể chỉ một lần trong đời thôi chú à”. Anh Dũng khẽ thì thầm với tôi như muốn “nuốt” trọn tiếng chuông thanh tịnh cứ ngân mãi…
Rảo bước chân, ngước lên thấy cờ Tổ quốc, cờ Phật lồng lộng trong gió “cõng” theo hơi mặn rít rát. Hồi chuông vừa dứt, tôi đã có mặt ở thềm chính điện chùa Nam Huyên. Thầy Thích Tâm Tri, Trụ trì chùa, vai vác cuốc, áo đẫm mồ hôi vừa đi đâu về. Tôi hỏi: “Mệt lắm không thầy?”. Thầy đáp: “Thấy bộ đội vất vả, thầy giúp bộ đội vun đất mấy luống rau. Mệt gì đâu, rèn luyện sức khỏe ấy mà. Biết thầy ăn chay, nên anh em không để thầy thiếu rau, củ, quả”. Trước đây, thầy ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa), năm 2013 thầy tự nguyện ra đây làm trụ trì cùng bộ đội canh giữ biển đảo quê hương.
“Ở đâu cũng tu hành, có đi xa, khổ hạnh, mới thấu tâm can lời Phật dạy về kiếp người. Ngư dân quanh năm bám biển, 6 ngôi chùa ở Trường Sa làm cho đất liền luôn hiện hữu trong tâm trí, trở thành điểm tựa tâm linh, để họ không cảm thấy cô đơn, nên mỗi khi có dịp lên đảo là họ đến chùa thắp hương, mình thì tụng kinh niệm phật mong trời yên, biển lặng để bà con làm ăn may mắn, chứ biển giã khó lường. Còn bộ đội hàng tuần lại giúp thầy vệ sinh chùa, ở đây thân thiết như một đại gia đình vậy” - thầy Tri chia sẻ.
Tôi hỏi thời gian thỉnh chuông, thầy nói: “Ngày hai lần, 5 giờ và 18 giờ 30 phút, còn ngày rằm và ngày mồng 1 thỉnh lúc 9 giờ. Quân dân trên đảo nghe tiếng chuông thấy thanh tịnh, thư thái. Trường Sa hội tụ mọi miền quê nên tiếng chuông ở đây cũng hội tụ âm sắc của vùng chiêm trũng Bắc Bộ, qua miền Trung nắng gió đến Nam Bộ sông nước hoa trái, dường như thu gọn dải đất hình chữ S vào âm vọng, cộng hưởng với gió biển, với lòng người, để hết thảy đều chắp tay nguyện cầu bình an cho mọi nhà, hoan hỷ cho mọi người, để đất nước nguôi đi sóng to gió lớn”.