Từ những tác phẩm đầu tiên, vị đạo diễn họ Trương đã luôn đề cao nghị lực, sức sống tiềm tàng của con người và khơi nguồn cho những cuộc cách mạng văn hóa.

Trương Nghệ Mưu là một trong những đạo diễn thành công nhất của điện ảnh Hoa ngữ. Sự nghiệp của ông trải dài suốt bốn thập kỷ với 21 bộ phim đủ thể loại từ chính kịch (Cao lương đỏ, Cúc đậu, Đèn lồng đỏ treo cao) đến tân hiện thực (Không thiếu một em), phim lấy đề tài xã hội đen (Hội Tam Hoàng Thượng Hải), phim hài (Thời gian hạnh phúc, Vụ án ba phát súng) và phim sử thi võ thuật (Anh hùng, Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp).

Trương Nghệ Mưu đã nhiều lần “đem chuông đi đánh xứ người” và giành được hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá: hai đề cử Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, giải Sư Tử Vàng và Sư Tử Bạc tại LHP Venice, Giải Grand Prix tại LHP Cannes, giải Gấu Vàng tại LHP Berlin… Những bộ phim của ông cũng là bệ phóng giúp Củng Lợi và Chương Tử Di trở thành những ngôi sao điện ảnh đẳng cấp thế giới.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Chủ đề chính trong những bộ phim của đạo diễn họ Trương là sức sống của người dân Trung Hoa. Từ bộ phim đầu tay Cao lương đỏ(1987) đến bộ phim gần đây nhất là Quy lai (2014), Trương Nghệ Mưu đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến số phận con người khi phải đối diện với nghịch cảnh. Họ bị đày đọa, lăng nhục, thử thách, chịu đựng mất mát, song vẫn không bao giờ gục ngã hay đầu hàng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những nhân vật của Trương Nghệ Mưu cũng luôn tìm cách phản kháng, vươn lên, đòi hỏi quyền sống, quyền được làm người.

Những bộ phim đầu tiên của ông tập trung vào đả phá chế độ phong kiến tàn nhẫn hà khắc. Nhân vật chính trong những bộ phim ấy thường là những người phụ nữ bị mua về làm vợ bởi những gã nhà giàu keo kiệt, độc ác. Họ không được trân trọng, đối xử như một con người mà bị hành hạ, đánh đập, bị biến thành một thứ nô lệ tình dục, một kiểu máy đẻ. Bị đè nén trăm bề, nhưng những người phụ nữ trong phim của Trương Nghệ Mưu vẫn luôn vùng lên, phản kháng mãnh liệt. Đặc biệt, họ đều là những người có khao khát ái ân rất mạnh. Những phim thời kỳ đầu của đạo diễn họ Trương đều gắn liền với Củng Lợi - nàng thơ và người tình lâu năm của ông.

Cao lương đỏ (1987) xoay quanh nhân vật chính là Cửu Nhi, cô gái đương tuổi thanh xuân thì bị ép gả cho một gã chủ xưởng rượu mắc bệnh phong. Ngày lên xe hoa, cô gái xinh đẹp tràn đầy khát vọng yêu đương đã phải lòng người phu kiệu khỏe mạnh, vạm vỡ. Trong lần cô gái về thăm nhà, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Cả hai đã có ba ngày ân ái mặn nồng trên “chiếc giường cưới” làm bằng thân cây cao lương, giữa bối cảnh thiên nhiên rộng lớn.

Cũng chịu chung số phận bị gả bán, nhưng nhân vật Cúc Đậu trong bộ phim cùng tên lại có phần bi thảm, khốn khổ hơn. Mang tiếng là vợ của một chủ xưởng nhuộm, nhưng ban ngày Cúc Đậu phải làm việc cực nhọc như một con ở. Đêm đến, cô lại bị gã chồng vũ phu đánh đập, hành hạ vì không thể sinh cho hắn ta một cậu con trai nối dõi tông đường. Đau khổ, tuyệt vọng, Cúc Đậu dan díu với người cháu ruột của chồng tên là Dương Thiên Thanh. Cô biết Thanh vẫn thường ngắm trộm cô tắm qua lỗ thủng của chuồng ngựa nhưng vẫn để yên, thậm chí còn nhiều lần “gợi ý”, “bật đèn xanh” cho chàng ta vượt rào. Hai người ái ân vụng trộm bên bể nhuộm vải, ở ngoài đồng hoang, lò gạch, giếng nước cạn - bất cứ nơi nào tránh được con mắt dòm ngó, soi mói của thiên hạ.

Tương tự, Đèn lồng đỏ treo cao (1991) cũng kể về một cô gái phải lấy lẽ cho một lão gia giàu có. Lão gia này trước đó đã có ba bà vợ, mỗi người sống trong một tòa nhà biệt lập. Họ tìm mọi thủ đoạn để hãm hại nhau và tranh giành sự ân sủng từ người chồng. Bộ phim đem lại cảm giác căng thẳng và nghẹt thở trong màu đỏ nhức nhối của những chiếc đèn lồng cùng tiếng búa gõ chân đầy ma mị. Đây cũng là bộ phim tố cáo chế độ phong kiến cùng những hủ tục của nó một cách mạnh mẽ và ấn tượng nhất.

Cách mạng Văn hóa cũng là một đề tài trở đi trở lại trong phim của Trương Nghệ Mưu. Ông từng chia sẻ với báo giới  “Nhiều năm qua, tôi muốn làm phim về Cách mạng Văn hóa, để được kể về những nỗi khổ đau, về số phận và những quan hệ của con người trong một thế giới đầy hận thù, nơi con người không có khả năng tự chủ. Tôi không chỉ muốn làm một mà là nhiều phim về thời kỳ này, những bộ phim mang tính tự truyện hoặc là câu chuyện của người khác”.

Trương Nghệ Mưu đã có ít nhất ba phim đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến Cách mạng Văn hóa là Phải sống (1994), Chuyện tình cây táo gai(2010) và gần đây nhất là Quy lai (2014). Ông đã rất “tỉnh” và khôn ngoan khi không đi sâu vào việc phân tích nguyên nhân hay hậu quả từ những quyết định sai lầm của các nhà cầm quyền.

Khi kể lại lịch sử, ông cố gắng tránhphán xét, đổ lỗi cho bất cứ ai. Thay vào đó, vị đạo diễn họ Trương tập trung tôn vinh tình yêu, nghị lực sống, lòng vị tha của những con người Trung Hoa bình thường. Nhân vật chính trong những bộ phim ấy thường là một cặp vợ chồng hoặc một đôi tình nhân trẻ. Bất chấp mọi oan ức phải chịu, mọi nỗi đau mất người thân hay mất danh dự phải trải qua, họ vẫn luôn tìm được sức mạnh để cùng nhau đi qua thế kỷ 20 đầy bão tố.

Những bộ phim tiêu biểu trong sự nghiệp đến nay của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Ông cũng dành nhiều sự quan tâm đến những số phận bé mọn, sống ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, ít được mọi người biết tới. Thu Cúc đi kiện (1992) kể về một người phụ nữ nông dân, bụng chửa vượt mặt, vẫn lặn lội khắp nơi để đòi lại công bằng cho chồng mình. Không thiếu một em (1999) kể về một cô giáo vùng cao lên thành phố, quyết tâm tìm lại đứa học trò nghèo. Đường về nhà (1999) là câu chuyện tình yêu giữa một thôn nữ và một thầy giáo làng. Đặc điểm chung của những nhân vật này đều là những người phụ nữ ít học, ngây thơ, thô mộc. Sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo khổ, họ vẫn luôn rực rỡ, mạnh mẽ và hồn nhiên như cây cỏ.

Đề cập đến những vấn đề lớn lao như số phận con người, vận mệnh của một dân tộc, song Trương Nghệ Mưu rất ít dùng đại cảnh hoành tráng, hoặc nhiều tuyến nhân vật. Ông ưa thu câu chuyện lại nhỏ gọn trong cuộc đời của một con người hoặc một gia đình. Nhân vật chính trong phim của Trương Nghệ Mưu chưa bao giờ là một đám đông hay một thứ lý tưởng nào đó mà đều là những con người với tên gọi, hình hài cụ thể và những câu chuyện riêng tư xúc động lòng người.

Đặc biệt, ngay từ những bộ phim đầu tiên, Trương Nghệ Mưu đã rất ý thức về việc “xuất khẩu” văn hóa Trung Hoa ra thế giới. Nếu Lý An là một đạo diễn quốc tế và khán giả xem Brokeback Mountain hay Life of Pi của ông sẽ rất khó xác định đây là phim của nước nào thì Trương Nghệ Mưu lại khác hẳn. Phim của ông mang tính địa phương rất rõ, tính dân tộc rất đậm. Một nét đặc sắc trong phim ông là những phong tục của người Hoa luôn được đạo diễn họ Trương giới thiệu hoặc “cài cắm” một cách khéo léo.

Trong Cao lương đỏ, đó là tục nấu rượu thủ công mà đáng nhớ nhất là màn tế rượu đầy hào sảng. Với Cúc Đậu, khán giả được làm quen với nghề nhuộm truyền thống. Cảnh những phiến vải lớn được treo trên cao rủ xuống hay cảnh bể nhuộm đỏ rực đều để lại những ấn tượng thị giác rất mạnh. Gầy đây, Trương Nghệ Mưu có tham vọng mở rộng thị trường phim quốc tế nên bắt đầu sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính và những diễn viên hạng A của Hollywood.

Kim lăng thập tam thoa và dự án Vạn lý trường thành là những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này. Tuy vậy, trong nhiều bài phỏng vấn, ông vẫn khẳng định: “Tôi chỉ nhận những dự án có câu chuyện liên quan đến Trung Hoa và có các yếu tố Trung Hoa trong đó. Nếu không, thì tôi cũng sẽ chẳng làm được nhiều nhặn gì”.

Giới phê bình cũng dành nhiều lời khen ngợi cho việc sử dụng màu sắc trong phim của Trương Nghệ Mưu. Những phim thời kỳ đầu của ông rất hay sử dụng màu đỏ - tông màu mà theo đạo diễn Lý An thì là “khó xử lý nhất trong sản xuất phim”. Đó là màu đỏ từ mặt trời, màu đỏ của rượu, của máu (Cao lương đỏ), màu đỏ của bể nhuộm, của lửa (Cúc Đậu), màu đỏ từ lồng đèn treo cao, từ váy cưới truyền thống của các cô dâu (Lồng đèn đỏ treo cao).

Đến Đường về nhà, Anh hùng, Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp… thì bảng màu đã được mở rộng hơn: đỏ, lam, lục, trắng, vàng. Phim của Trương Nghệ Mưu luôn là một cuộc chơi với màu sắc, để lại những ấn tượng thị giác đậm nét trong lòng người xem.

Trương Nghệ Mưu và "nàng thơ" Củng Lợi thời trẻ.

Ông cũng tỏ ra là một đạo diễn thức thời và nắm bắt nhanh thị hiếu khán giả. Trương Nghệ Mưu hiểu rằng người trẻ không thích xem những phim quá nặng nề. Họ thích những phim có chủ đề đơn giản, thiên về giải trí nhiều hơn. Từ năm 2000 ông bắt đầu chuyển sang dòng phim võ thuật, tiêu biểu là Anh hùng (2002), Thập diện mai phục (2004), Hoàng kim giáp(2006), Kim Lăng Thập tam thoa (2011)… Hai bộ phim đầu nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình, đồng thời cũng thắng lớn ở phòng vé. Tuy nhiên, hai bộ phim sau lại thiếu thuyết phục vì câu chuyện trong phim hời hợt, tham lam.

Trương Nghệ Mưu từng nhiều lần chia sẻ mong muốn được “đi bằng hai chân”: sẽ đồng thời sản xuất những phim bom tấn thương mại nhưng cũng vẫn theo đuổi dòng phim nghệ thuật kinh phí thấp. Giữa các quãng nghỉ của các phim bom tấn, ông lại quay trở về với những câu chuyện riêng tư, giản dị về số phận con người. Nhưng giới mộ điệu khó tính vẫn chưa thực sự hài lòng vì dường như gần đây Trương Nghệ Mưu đã “chiều” khán giả quá.

Phim của ông đã có đôi chút thỏa hiệp, dễ dãi. Ngay cả Chuyện tình cây táo gai và Quy lai, hai phim gần đây được đánh giá cao của Trương Nghệ Mưu cũng có vẻ gì đó sạch sẽ, đỏm dáng, khác xa vẻ thô mộc, chân chất, thuyết phục trong những tác phẩm thời kỳ đầu.

Tuy gần đây có đôi chút giảm sút phong độ, nhưng nhìn lại tất cả những gì mà vị đạo diễn hơn 60 tuổi này làm được, Trương Nghệ Mưu vẫn xứng đáng được coi là một huyền thoại của điện ảnh Trung Hoa. Vẫn luôn khát khao đổi mới và tràn đầy tham vọng, đạo diễn họ Trương là một tấm gương sống về lao động hết mình trong nghệ thuật.

Theo VNE