Trao truyền cho thế hệ trẻ
Về Tây Sơn - xã rẻo cao của huyện miền núi Kỳ Sơn mùa Xuân này, đã thấy ngập tràn sắc hoa; đã nghe tiếng khèn vui rạo rực. Sắc hoa đào hồng phấn đón, đưa những người con bản xứ về quê ăn Tết, rồi lại xuất hành đi làm ăn xa. Sắc hoa cải vàng bên lối mòn dẫn người lên nương rẫy... Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát cự xia vang lên từ trường học; từ nhà văn hóa bản; từ bên mỗi nếp nhà. Tiếng khèn vui dìu dặt, trầm bổng như khiến người nghe hưng phấn, rạo rực hơn.
Trong căn nhà gỗ truyền đời nhiều thế hệ nằm bên sườn núi ở bản Huồi Giảng 1, Nghệ nhân Ưu tú Vừ Lầu Phổng (52 tuổi) đang truyền dạy cho con trai út Vừ Bá Tểnh về nhạc cụ khèn Mông. Ông vừa thổi khèn vừa múa. Những điệu múa khèn vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển tạo nên những vũ đạo rất đẹp mắt. Tiếng khèn như những lời tâm tình, thổ lộ suy tư. Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng nói cho con nghe: “Người Mông có một đời sống tinh thần đa dạng và phong phú về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và chữ viết, tiếng nói, văn hóa, nghệ thuật. Với người Mông, nghệ thuật múa khèn là một đặc trưng văn hóa đặc biệt có tính thẩm mỹ, nhân văn cao, như là hồn là cốt của mình...”.
Nghệ thuật múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông: Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi Xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn. Còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám tang để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới”.
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng kể: “Tôi đã được ông nội tôi truyền dạy nghệ thuật múa khèn từ lúc 12 tuổi, cũng như các loại nhạc cụ, làn điệu ca dao. Phải nói rằng, học múa khèn và sử dụng loại nhạc cụ không hề dễ, nhất là với một đứa trẻ. Khi ấy, đã có lúc tôi định bỏ, không học nữa. Nhưng ông nội tôi đã bảo rằng: Múa khèn và cách sử dụng các loại nhạc cụ là ông được các cụ đời trước truyền lại. Bây giờ, bố cháu đi công tác xa nhà thì ông có trách nhiệm dạy lại cho cháu, để rồi sau này, cháu lại truyền cho các con mình. Nếu cháu không học thì âm nhạc người Mông cũng mất và rồi cái gì cũng mất”.
Từ sự động viên của người ông, Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã yêu các nhạc cụ, giai điệu, làn điệu, nghệ thuật trình diễn và hình thành ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa diễn của dân tộc mình từ lúc nào không hay. 18 tuổi, Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã bắt đầu đi trình diễn tại các hội diễn, hội thi cấp xã, huyện, tỉnh, toàn quốc và đạt nhiều giải, Giấy khen, Bằng khen. 30 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo hầu hết các nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn của người Mông ở huyện Kỳ Sơn... Và khi con gái, con trai mình đủ 12 tuổi, ông lại trao truyền về cách sử dụng nhạc cụ, các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình cho con, cháu.
Theo Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng: Ở xã Tây Sơn, không riêng gì gia đình ông mà tất cả các gia đình khác đều rất có ý thức trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Ở góc độ cộng đồng, từ những năm 2000, ở xã đã hình thành nên mô hình câu lạc bộ bảo tồn bản sắc người Mông do các cụ cao tuổi đứng ra tổ chức sinh hoạt. Mỗi tháng 3 lần, câu lạc bộ hoạt động tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Ở đó, các cụ cao tuổi lại kể cho cháu, con về nguồn gốc dân tộc mình, đâu là những nét đẹp văn hóa cần gìn giữ.
Đặc biệt, các cụ đã trao truyền lại những lễ tục, cách chơi nhạc cụ, làn điệu dân ca. Múa khèn nói riêng và văn hóa, nghệ thuật của người Mông không đơn thuần là những bài ca, giai điệu về cuộc sống lao động mà là câu chuyện lịch sử, tâm hồn của tộc người. Việc trao truyền các giá trị này nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Ở những dịp lễ, Tết, câu lạc bộ lại đứng ra tổ chức biểu diễn...Hoạt động của câu lạc bộ nhìn chung vẫn được duy trì khá tốt trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, câu lạc bộ không còn sinh hoạt đều đặn và chất lượng như trước.
Lan tỏa để điệu khèn vang xa
Dịch Covid-19 đã làm buồn lòng Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng và hơn 10 cụ trong câu lạc bộ ở Tây Sơn nói riêng... Nhưng rồi, niềm vui bỗng tới bất ngờ khi năm học 2020-2021 vừa qua, Trường PTCS DTBT Tây Sơn đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa, với sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên.
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường PTCS DTBT Tây Sơn chia sẻ: “Trường PTCS DTBT Tây Sơn với 100% học sinh là người dân tộc Mông. Việc học tập bằng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ thứ hai khiến cho chất lượng giáo dục đại trà không cao. Nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để tạo một môi trường học tập lôi cuốn được học sinh tham gia nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hút học sinh thích tới trường. Bên cạnh đó, nhà trường nhận thấy văn hóa dân tộc Mông có nhiều nét đẹp rất đặc trưng. Tuy nhiên, với sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, nhiều nét văn hóa đẹp dần bị mai một. Nhiều em không biết chơi những nhạc cụ của cha ông, chưa am hiểu các phong tục, văn hóa truyền thống, chưa có ý thức gìn giữ và phát triển những nét văn hóa tiêu biểu, đẹp của dân tộc mình.
Qua nghiên cứu, khảo sát tâm lý học sinh, nhà trường đã quyết định đưa việc học nhạc cụ, phong tục, trò chơi dân gian của dân tộc Mông vào chương trình ngoại khóa của trường; nhằm góp phần giáo dục học sinh thêm yêu và tự hào giá trị văn hóa của dân tộc mình; tạo sân chơi, giúp cho học sinh đến trường với tâm thế vui vẻ, thoải mái, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học”.
Từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, mỗi tuần nghệ nhân Vừ Lầu Phổng và các cụ cao niên khác đều được nhà trường mời về tham gia giao lưu, truyền dạy cho học sinh toàn trường trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Các nghệ nhân đã chia sẻ giá trị văn hóa của dân tộc; trình diễn những điệu múa khèn điêu luyện. Học sinh ở trường đều rất hứng thú, chăm chú theo dõi, học hỏi... Ở trường, ở xã đã hình thành nên phong trào và có nhiều cuộc thi biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc sôi nổi. Từ đây, ý thức học tập của các em học sinh cũng dần tốt lên, các em thích đến trường hơn.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Trường PTCS DTBT Tây Sơn và các nghệ nhân bản địa đã có cách làm hay trong việc thực hiện chiến lược, nhiệm vụ này.
Thầy Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay: “Kỳ Sơn là 1 trong 3 huyện của Nghệ An được xếp là huyện nghèo nhất của cả nước. Để phát triển địa phương, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm đặc biệt. Đầu tư cho thế hệ tương lai, những năm qua, 71 trường học trên địa bàn đã quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác này và sẽ có thêm nhiều mô hình, cách làm hay như ở Tây Sơn”./.