(Baonghean) - Đến với Di tích lịch sử Truông Bồn những ngày này, chúng tôi lần giở cuốn sổ lưu lưu niệm tại đây và bắt gặp dòng bút tích của một vị khách người Mỹ, ký tên là Alfred Postell: “Tôi đã từng đi thăm nhiều đài tưởng niệm chiến tranh tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng không có nơi nào mang lại xúc cảm mãnh liệt như Truông Bồn. Nó mang lại cho người ta cảm giác vừa đau đớn, vừa kinh ngạc. Từ một đài tưởng niệm hữu hình, nó khắc ghi trong tim mỗi người một đài tưởng niệm vô hình mà day dứt, không thể nào quên”. 

images1656700_bna_57b092b79ff52.jpgToàn cảnh khu di tích Truông Bồn. Ảnh: Sỹ Minh

Theo những thanh niên xung phong đang làm việc tại khu di tích, thì Alfred Postell là một người khá đặc biệt. Ông đến thăm Truông Bồn cùng đoàn khách lữ hành rất đông. Từ tốn, luôn lặng lẽ đứng sau hàng người dài, lắng nghe như nuốt từng lời thuyết minh về các sự kiện của chiến địa Truông Bồn năm xưa, kính cẩn dâng hương tại nhà tưởng niệm. Có lúc, ông tách mình ra khỏi đám đông, chậm rãi dạo bước, ngắm nhìn quang cảnh khu di tích... Và rồi, khi đoàn lữ hành đã bắt đầu giục giã nhau rời bước để đến địa điểm tham quan mới, Alfred Postell nhẹ nhàng xin phép nán lại để viết đôi dòng vào cuốn sổ lưu niệm…

Năm 2010, với mục đích xây dựng Truông Bồn trở thành biểu tượng cho TNXP Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án Bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Truông Bồn. Với tổng diện tích 21,7 ha, qua 6 năm triển khai, hiện dự án đã hoàn thành 22 hạng mục. Công trình được xây dựng với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã đầu tư 50 tỷ đồng, còn lại 119,5 tỷ đồng từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Alfred Postell - một người Mỹ yêu hòa bình, yêu đất nước xinh đẹp hình chữ S đã cất công nửa vòng trái đất để thỏa nguyện đến thăm. Lời ông viết ra, từng dòng, từng chữ tận cùng chiêm nghiệm và đau đáu. “Đài tưởng niệm vô hình” mà ông nhắc đến, đã hiện hữu trong tất thảy những người dân Nghệ An non nửa thế kỷ nay. Hẳn là thứ cảm xúc mãnh liệt vừa đau đớn, vừa kinh ngạc của Alfred Postell xuất phát từ sự sống diệu kỳ nơi chiến địa Truông Bồn? Con đường 15A một thời oằn mình gánh chịu gần 20 ngàn quả bom các loại, hàng chục ngàn quả tên lửa của giặc Mỹ trong những năm 1964 - 1968, nay trở thành con đường ngày đêm nhộn nhịp những chuyến xe qua. Những dốc Kỳ Lợn, Thung Nưa, Khe Khế, Lèn 12 Thung, Eo Đòn võng… đã xa rồi hình ảnh hoang tàn của đạn bom mà xanh lên ngút ngàn. Và Truông Bồn - cái tên từng được giải nghĩa là “vùng đất buồn” gắn liền với sự hy sinh anh dũng của 13 nam, nữ Tiểu đội TNXP, Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968, nay đã trở thành Khu di tích lịch sử đặc biệt, được đầu tư quy hoạch thành một không gian linh thiêng, hoành tráng, vừa có ý nghĩa giáo dục lịch sử sâu sắc, vừa trở thành điểm du lịch về nguồn để hôm nay tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân.

Du khách hành hương về Truông Bồn. Ảnh: Huy Thư

Đều đặn mỗi ngày, ngót ngàn lượt khách gần xa về với Truông Bồn, lặng lẽ ngắm nhìn, lặng lẽ bồi đắp vào tâm khảm ý thức tri ân, đắp bồi, dựng xây cho xứng với những người đã ngã xuống cho bình yên quê hương. Ông Chu Vĩnh Hiệp – Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn là người đã gắn bó với công trình tâm linh này từ những ngày đầu thực hiện xây dựng dự án. Ông cho biết, công trình được khởi công từ tháng 10/2012 với 21 hạng mục chính. Nhưng ngay từ khi những hạng mục đầu tiên mới hình thành, số lượng du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm viếng đã đến con số hàng vạn lượt.

Tại đây, ông đã xúc động chứng kiến nhiều nhân vật, câu chuyện thuộc nhiều thế hệ. Người trong Nam, người ngoài Bắc, người xứ Nghệ quê hương, du khách nước ngoài, có những thương, bệnh binh khuyết đi đôi chân, cánh tay trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, những mẹ già run run phải có người nâng đỡ… chẳng quản ngại đường xa về với Truông Bồn. Với họ, Truông Bồn đã không chỉ là một địa danh riêng của một địa phương, không đơn thuần là sự kiện lịch sử; mà hơn cả, Truông Bồn đã trở thành biểu tượng cho thiên anh hùng ca cách mạng, lòng yêu nước và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Từ Truông Bồn, nhân dân nhìn thấu cuộc kháng chiến trường chinh của đất nước, từ câu chuyện của 13 TNXP tiểu đội thép, Đại đội 317, thế hệ mai sau hiểu hơn về một thế hệ “Sống bám cầu, bám đường/ Chết kiên cường dũng cảm”. Vì thế, xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn có ý nghĩa đặc biệt, thỏa nguyện ước, mong mỏi của đông đảo nhân dân. Hay nói cách khác, chính những "tượng đài vô hình" đã giục giã mỗi người đồng lòng, góp sức xây đắp nên một tượng đài hữu hình - Khu di tích lịch sử Truông Bồn như hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Thông - Tiểu đội trưởng Tiểu đội thép, Đại đội 317, TNXP tỉnh Nghệ An: "Mỗi lần về lại Truông Bồn là mỗi lần ngỡ ngàng trước sự đổi thay. Khu di tích được tôn tạo khang trang, lịch sử không quên sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ TNXP. Với tôi và nhiều đồng đội, đó là niềm hạnh phúc lớn lao"..

Truông Bồn hôm nay đã trở thành địa chỉ đỏ, thường xuyên tổ chức những sự kiện giáo dục - văn hóa - nghệ thuật quy mô, tầm vóc. Từ khu mộ chung của các anh hùng liệt sỹ, phóng tầm mắt ra là quần thể Tượng đài Chiến thắng Truông Bồn và quảng trường trung tâm - hạng mục quan trọng trong Dự án tôn tạo, bảo tồn Khu di tích lịch sử Truông Bồn vừa được khánh thành vào cuối tháng 8/2015. Đây là địa điểm để tổ chức báo công, làm lễ kết nạp đoàn viên, trao phần thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo, là nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa về môn Lịch sử... 

Nghe giới thiệu về các anh hùng liệt sỹ.

Đêm 14/8, hàng ngàn người dân đã tụ hội về đây, đón xem chương trình nghệ thuật đặc biệt "Truông Bồn - Bản hùng ca bất tử" do Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Những lời ca, tiếng hát về những người TNXP phơi phới tuổi đôi mươi lên đường ra trận tuyến, về màu tím thủy chung của loài hoa sim giản dị đằm thắm trên núi đồi quê hương, về nắm đất, nhành cây, ngọn cỏ Truông Bồn... Lạ thay, không những làm hàng ngàn khán giả rưng rưng trong niềm xúc động mà hơn thế, dường như hun đúc hơn sự đoàn kết, niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Cứ thế, trong tim mỗi người đều có một tượng đài!

Ngày 20/5/2015, Tỉnh ủy Nghệ An có Công văn số 4279 về việc phát động trồng cây tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn, với ý nghĩa cao đẹp nhớ ơn Bác Hồ và các liệt sỹ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, khắc ghi truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ngay sau khi phát động, nhiều đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã lập tức vào cuộc, gieo những sắc xanh vào lòng đất thiêng của quê hương. Đến nay, đã có hàng trăm cây, chủ yếu là các loại: bồ đề, đa, lộc vừng, sanh, đại, mận quân, bồ kết… đã được trồng và phát triển tốt, có những cây đường kính vòng ôm lên đến 1,5m, đảm bảo sự sinh trưởng trên vùng đất mới.

Và Truông Bồn còn là “địa chỉ xanh” của sinh thái, của sức vươn màu xanh mãnh liệt. Những hàng cây đủ chủng loại, hình thế, sắc hoa, mỗi loài cây có “lịch sử” riêng,  “ngôn ngữ” riêng, hội tụ về Truông Bồn từ khắp muôn phương. Từ năm 2012 - thời điểm khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho đến nay, cùng với việc nỗ lực xây dựng, hoàn thành các hạng mục công trình, thì việc chăm chút khuôn viên, cảnh quan xanh của Truông Bồn cũng được các đơn vị chú tâm thực hiện. Mỗi dáng cây, mỗi sắc xanh điểm tô cho quần thể Truông Bồn hôm nay đã góp phần viết tiếp những trang hồi sinh mới trên mảnh đất thiêng liêng này.

Lại nhớ những dòng bút tích của Alfred Postell - vị khách người Mỹ ở Truông Bồn. Nỗi đau - sự kinh ngạc, quá khứ - hiện tại đồng vọng vào nhau, xoáy sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta, thúc giục sự tri ân, đáp đền, dựng xây.

Phương Chi

TIN LIÊN QUAN