Từ ngày 31/1 đến 7/2, Ban chỉ đạo đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã tổ chức một số hội nghị tham vấn ý kiến lãnh đạo bộ ngành, địa phương.
Theo Ban chỉ đạo đề án, cán bộ cấp chiến lược là lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban bí thư với khoảng 610 người.
Ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết, công tác tổ chức cán bộ trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả, làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, nếu không có cuộc cách mạng "đổi mới chính mình" thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
"Nếu bố trí cán bộ đúng thì chúng ta rất nhàn, khỏe người, công việc chạy, còn bố trí không đúng thì vừa khó, vừa khổ mà công việc không chạy", ông Chính nói.
Theo ông, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tình hình đã có nhiều thay đổi, thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để nhanh chóng phát triển đất nước, tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Trong quản lý thì lãnh đạo cấp chiến lược và chủ chốt các cấp rất quan trọng. Đơn cử như các tỉnh có cùng hoàn cảnh, nhưng có việc tỉnh này làm được tỉnh kia không làm được, nguyên nhân là do con người, do lãnh đạo", ông nói.
Lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương cho hay, trọng tâm của đề án là tiếp tục đổi mới công tác cán bộ vì "dây chuyền mà tốt thì sản phẩm tốt, dây chuyền không tốt thì sản phẩm hỏng". Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, chủ chốt ở các cấp là vấn đề trọng tâm với hai đột phá, gồm: Đánh giá, bổ nhiệm, tuyển dụng nhân tài và kiểm soát, thay thế cán bộ.
"2018 là năm bản lề, cần phải chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới", ông Chính nói.
5 đột phá trong công tác cán bộ
Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin, dự thảo đề án đã đưa ra 5 đột phá trong công tác cán bộ. Đầu tiên là phải tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp đi đôi phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng nhân tài. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền đưa ra các quy định để chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời mở rộng không gian, cơ chế phát huy trí tuệ của cán bộ, đảng viên để họ năng động sáng tạo, làm động lực cho đổi mới phát triển.
"Kinh nghiệm cho thấy suốt ngày rà soát, săm soi nhau thì khó đổi mới, phát triển. Chúng tôi vừa đi Trung Quốc, thấy họ chấp nhận sai lầm nhưng sai lầm đó không phải là động cơ cá nhân mà vì sự phát triển thì sẽ được xem xét. Tức là chúng ta thí điểm, sẽ có cái đúng, cái sai. Cái đúng thì nhân rộng, cái không đúng phải chấp nhận chứ không phải vì đó mà kỷ luật cán bộ", ông Chính nói.
Khâu đột phá tiếp theo mà Ban soạn thảo đưa ra là đánh giá cán bộ, với định hướng đánh giá đa chiều, "trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào và đánh giá liên tục hàng tuần, hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng". Việc đánh giá phải công khai để tạo động lực cán bộ phấn đấu tương tự như lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội.
"Vừa rồi trong đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, chúng tôi đưa ra khỏi diện xuất sắc nhiều lắm, trước đây trên 90% thì nay xuống dưới 79%. Không có chuyện cả Ban thường vụ một địa phương đều xuất sắc trong khi nhiệm vụ thì không hoàn thành", Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Đề án cũng đưa ra khâu đột phá trong việc cải thiện chính sách cho cán bộ như nhà ở, lương, khen thưởng và huy động nhân dân cùng tham gia xây dựng Đảng.
Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (tháng 5-2018).
Mục tiêu của đề án là tiếp tục cụ thể hóa các quy định, quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa các quy định của Đảng và Nhà nước, giữa các cấp, các ngành và các khâu của công tác cán bộ.
Dự thảo đặt ra, đến năm 2020 hoàn thành nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhân tài, chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lựa chọn cán bộ thực đức, thực tài, có năng lực nổi trội, chuẩn bị nguồn nhân sự đại hội Đảng các cấp thông qua các "tổ chức khảo sát nhân sự"