(Baonghean.vn) - Phát biểu tranh luận tại hội trường sáng 1/6 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) đồng tình với quy định trong dự thảo lần này, song cũng tỏ ra băn khoăn về nguồn kinh phí chi trả bồi thường của Trung tâm Trợ giúp pháp lý.
Phát biểu tranh luận tại hội trường, nêu bật nhu cầu về trợ giúp pháp lý của xã hội rất lớn, song đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, trong điều kiện đất nước đang phát triển thì không thể đảm bảo được 100% nhu cầu này một cách có chất lượng.
Do đó, đại biểu Thu Trang đồng tình với quan điểm cho rằng, khi xác định đối tượng trợ giúp pháp lý phải cân nhắc, phải có những tiêu chí và nguyên tắc nhất định; trong đó 2 nguyên tắc quan trọng là đảm bảo tính đồng bộ của chính sách và phải tính đến nguồn lực đảm bảo để có tính khả thi.
“Tôi thấy quy định trong dự thảo lần này phù hợp”, đại biểu Thu Trang bày tỏ với việc quy định đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Thu Trang, điều này không có nghĩa những đối tượng còn lại không được tiếp cận với việc cung cấp dịch vụ pháp lý.
“Nước ta hiện nay có ít nhất có 3 loại hình cung cấp dịch vụ pháp lý: đó là thu phí, miễn phí của các tổ chức thiện nguyện và cuối cùng là miễn phí của Nhà nước. Như vậy, nếu những đối tượng không được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước, thì có thể tiếp cận những tổ chức thiện nguyện. Hiện nay những tổ chức này nhiều và hoạt động có chất lượng”, bà Hoàng Thị Thu Trang lý giải.
Bà Trang cũng cho biết thêm, những đối tượng không nằm trong điều 7 (Người được trợ giúp pháp lý) của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) thì họ cũng có quyền được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định luật này.
“Vì điểm g, Khoản 1, Điều 18 có quy định các Trung tâm Trợ giúp pháp lý ngoài trợ giúp pháp lý miễn phí cho những đối tượng nêu tại Điều 7 thì còn thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ”, đại biểu Thu Trang phân tích.
Theo đại biểu này, trong ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thể hiện rất rõ: Ngoài những đối tượng tại Điều 7 nếu như địa phương có đủ ngân sách thì có thể cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những đối tượng khác.
“Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp và không quá lo lắng về việc những đối tượng còn lại không được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí”, bà Trang nêu quan điểm.
Về ý kiến về cơ chế bồi thường thiệt hại theo dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của đại biểu đoàn Lạng Sơn, bà Thu Trang trao đổi, theo Luật này có hai tổ chức thực hiện trợ giúp pháp là Trung tâm Trợ giúp pháp lý và tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đại biểu Thu Trang phân tích: Đối với tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện theo hợp đồng dân sự, có nghĩa nếu như họ gây ra thiệt hại thì đương nhiên sẽ bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
“Còn Trung tâm Trợ giúp pháp lý, trừ người đứng đầu, còn lại là viên chức nếu như gây thiệt hại thì họ sẽ không áp dụng theo pháp luật bồi thường của Nhà nước mà sẽ được áp dụng theo pháp luật dân sự. Điều đó có nghĩa là trong Luật này không thể quy định được mức mà cá nhân sẽ bồi thường lại cho tổ chức là bao nhiêu. Vấn đề này là theo thỏa thuận dân sự”, đại biểu Trang phân tích.
Tuy nhiên, đại biểu Thu Trang cũng tỏ ra băn khoăn khi Trung tâm Trợ giúp pháp lý là đơn vị sự nghiệp công lập không có thu thì lấy nguồn tài chính nào trong trường hợp phải chi trả bồi thường cho người được trợ giúp pháp lý.
“Để giải quyết vấn đề này nên quy định cơ chế Trung tâm Trợ giúp pháp lý mua bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp giống một số tổ chức khác, ví dụ như trong hoạt động công chứng…”, đại biểu Thu Trang góp ý.
Nhóm PV - CTV