Ra rả nói rằng mình trỗi dậy hòa bình và không muốn làm phức tạp tình hình, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thay đổi hiện trạng bất chấp tất cả.
 
Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục mưu đồ làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Theo dư luận quốc tế, hành động đó là phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được bởi nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. 

 

images1003057_ban_do_10_doan_cua_trung_quoc_tyra.jpgTấm bản đồ 10 đoạn phi lý, bất chấp tất cả của Trung Quốc
Tờ Bưu điện Washington (Mỹ) mới đây đăng bài viết, với tiêu đề “ Tấm bản đồ mới của Trung Quốc có thể khơi mào cho một cuộc chiến?”. Tác giả đã vạch trần rõ âm mưu của Trung Quốc với việc phát hành bản đồ “đường 10 đoạn” nhằm cố gắng thay đổi thực tế, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực. Theo bài báo, tấm bản đồ này có thể khiến căng thẳng gia tăng tại khu vực, nơi có nhiều quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền trên biển.
 
Bài báo lấy một dẫn chứng cụ thể, cách đây 2 năm khi hộ chiếu mới của Trung Quốc in hình bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của nước này đã khiến các quốc gia trong khu vực hết sức bất bình và có những biện pháp thực tế lẫn ngoại giao để phản đối. Tác giả bài báo nêu rõ, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua, Trung Quốc càng ngày có những hành động “mạnh tay” hơn trong khu vực, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Điều này cũng tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực châu Á, với nhiều sự cố nguy hiểm đã xảy ra. Theo tác giả bài báo, quan điểm của quốc tế về việc phát hành bản đồ mới của Trung Quốc là một hành động khiêu khích nhưng nước này lại đang cố gắng bào chữa cho những hành động phi lý đó là vì lợi ích của người dân Trung Quốc.
 
Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg hôm qua (27/6) cũng lên tiếng ủng hộ việc Philippines phản đối Trung Quốc phát hành bản đồ mới, ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh.
 
Theo ông Goldberg, trên bản đồ "đường 10 đoạn", các yếu tố về cơ bản vẫn giữ nguyên như "đường 9 đoạn", nhưng nó hoàn toàn không có cơ sở theo luật quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Philippines cho rằng, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Theo ông, những nỗ lực của một nước nhằm xâm phạm quyền sử dụng vùng biển của nước khác một cách hợp pháp cần được xem là mối quan ngại. Ông khẳng định biện pháp để giải quyết tranh chấp là thông qua tòa án quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thương lượng trực tiếp với các bên và không đe dọa.
 
Các đại biểu tham gia cuộc họp Quan chức cấp cao ASEAN đặc biệt diễn ra hôm qua (27/6), tại Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông. Vụ trưởng Vụ ASEAN kiêm trưởng đoàn SOM ASEAN của Myanma U Aung Lynn cho biết, ASEAN đang theo dõi tình hình chặt chẽ và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông.
 
Ông U Ang-lin cũng khẳng định quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông là rất rõ ràng, với nguyên tắc 6 điểm, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN trong các hoạt động giải quyết thách thức khu vực./.
 
Theo VOV.VN