(Baonghean) - Trang CSMonitor dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu đưa ra con số thống kê đáng kinh ngạc: Kể từ khi Seoul tuyên bố sẽ triển khai hệ thống THAAD của Mỹ nhằm bảo vệ trước mối đe dọa hạt nhân ngày một tăng từ Triều Tiên, Trung Quốc đã 'tung' 43 đòn trả đũa Hàn Quốc.
Những “ngón đòn” trả đũa
Đảo du lịch Jeju ở miền Nam Hàn Quốc là điểm đến được du khách Trung Quốc ưa chuộng. Khác với những vùng miền khác của Hàn Quốc, khách Trung Quốc đến đây không cần xin thị thực và chỉ mất 1 giờ đồng hồ bay từ Thượng Hải, 2,5 giờ bay từ Bắc Kinh. Hồi năm 2015, Jeju đã công bố kế hoạch xây dựng thêm một cảng hàng không để đáp ứng kịp thời lượng khách đông đảo.
Tuy nhiên, đó lại là chuyện trước khi có tin Chính phủ Trung Quốc thông báo với các hãng lữ hành Hàn Quốc kế hoạch giảm lượng du khách từ Trung Quốc 20%. Sau đó, đến tháng 12, nước này đã bác đơn của các hãng hàng không Hàn Quốc xin bổ sung các chuyến bay theo hình thức charter (thuê trọn gói) giữa 2 nước trong mùa cao điểm du lịch từ tháng 1 đến tháng 2 khiến Jeju chịu tổn thất nặng nề. Theo Hiệp hội du lịch của hòn đảo này, trong tuần nghỉ Tết âm lịch của Trung Quốc, chỉ có 42.880 khách đặt chân đến đây, giảm 16,5% so với con số 51.385 của năm ngoái.
Và ngành công nghiệp không khói không phải là khía cạnh duy nhất chịu sức ép từ Bắc Kinh. Theo tổ chức nghiên cứu của Chính phủ, Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc, từ tháng 7 năm ngoái, khi Seoul tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để bảo vệ trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên, Trung Quốc đã có 43 động thái trả đũa Hàn Quốc. Những “đòn” này hết sức đa dạng, từ cấm nhập khẩu mỹ phẩm và điện gia dụng đến hủy các chuyến lưu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng đến từ xứ sở kim chi.
Hồi tuần trước, trong chuyến thăm Hàn Quốc dài 2 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đồng ý đẩy nhanh việc triển khai THAAD. Trung Quốc xem hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối này là một phần trong chiến lược xa hơn của Mỹ là mở rộng mạng lưới đồng minh quân sự của nước này từ Nhật Bản xuống tận Biển Đông.
Khi các kế hoạch triển khai THAAD được tái khẳng định, viện nghiên cứu nhận định sự trả đũa của Bắc Kinh đang “lấn sân” sang nhiều ngành nghề khác và trở nên hung hăng hơn. Cơ quan này phát biểu với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc: “Có khả năng cao là người Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc hoặc tập trung biểu tình phản đối Hàn Quốc”.
Cai Jian, trợ giảng chuyên ngành Hàn Quốc học tại Đại học Phục Đán ở Thượng Hải cho rằng Trung Quốc có khả năng tăng cường gây sức ép kinh tế để đáp trả kế hoạch triển khai THAAD. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc đã cố tìm cách thuyết phục Hàn Quốc cân nhắc lại. Phản ứng của Trung Quốc sẽ tăng dần tùy tình hình. Chúng tôi chắc chắn sẽ muốn họ trả giá”.
Bộ trưởng Tài chính Yoo Il-ho hồi tháng trước cho biết những bất ổn liên quan đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, có thể đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á. Ông đã cam kết sẽ điều tra xem liệu lệnh cấm các chuyến bay charter - một trong “những trường hợp bị nghi là rào cản phi thuế quan” - có liên quan đến kế hoạch triển khai THAAD hay không.
Trung Quốc đến nay vẫn kiên định phản đối quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, cho rằng nó đe dọa đến an ninh của nước này và chẳng giúp ích gì để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tại một cuộc họp báo định kỳ ở Bắc Kinh hồi đầu tuần, Lu Kang - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “phía Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường cứng rắn của mình đối với việc triển khai THAAD”.
Ông cũng phủ nhận các cáo buộc rằng Bắc Kinh đang gây sức ép gián tiếp về mặt kinh tế cho Hàn Quốc. Ông Lu phát biểu: “Chúng tôi chưa bao giờ nghe điều gì như vậy. Điều mà chúng tôi đang làm là hối thúc các bên liên quan hủy triển khai hệ thống THAAD để tránh gây tổn hại nhiều thêm cho quan hệ Trung - Hàn”.
Wang Dong, phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cảnh báo nếu việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiếp diễn, Trung Quốc sẽ buộc lòng phải đưa ra các động thái chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông cho rằng, Trung Quốc có thể định vị lại kho hạt nhân nhằm phát tín hiệu rõ ràng với Hàn Quốc: “Điều Trung Quốc buộc phải làm là điều chỉnh lại vị thế hạt nhân của mình. Nếu muốn phát đi tín hiệu phản đối hiệu quả, không được có sự mơ hồ, nhập nhằng nào”.
Rối ren ở Hàn Quốc
Hwang Kyo-ahn, quyền Tổng thống Hàn Quốc đã kêu gọi nhanh chóng triển khai hệ thống THAAD. Thỏa thuận hồi tháng 7 đã kêu gọi hoàn tất việc triển khai trong năm 2017 này.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng có thể phải trì hoãn vài lần việc đặt bút ký hợp đồng về địa điểm lắp đặt THAAD. Trong khi đó, một số chuyên gia nói rằng Trung Quốc có thể lợi dụng hỗn loạn chính trị để tăng làn sóng phản đối THAAD, với hy vọng thuyết phục vị chủ nhân tiếp theo của Nhà Xanh chặn đứng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Chính phủ Hàn Quốc đối diện với “mớ bòng bong” khó gỡ hồi cuối năm ngoái khi quốc hội nước này bỏ phiếu đồng ý luận tội Tổng thống Park Geun-hye các tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Quyền quyết định giờ đây nằm trong tay Tòa án Hiến pháp – cơ quan “cầm cân nảy mực” dự kiến sẽ ra phán quyết trong vài tuần tới liệu sẽ chính thức kết thúc cương vị Tổng thống của bà Park hay khôi phục lại chức vụ của bà cho đến cuối nhiệm kỳ là tháng 2 năm sau.
Khi Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới, Bắc Kinh đã tìm cách cải thiện quan hệ với đảng đối lập Minjoo vốn phản đối triển khai THAAD. 7 nhà lập pháp thuộc đảng Minjoo đã tới Bắc Kinh vào đầu tháng 1 để thảo luận việc triển khai THAAD, tiếp nối chuyến thăm với mục đích tương tự hồi tháng 8 năm ngoái của 6 nhà lập pháp tới thủ đô của Trung Quốc.
Moon Jae-in, cựu lãnh đạo đảng Minjoo đồng thời là ứng viên Tổng thống đầy tiềm năng trong cuộc đua sắp tới, cho rằng nên hoãn triển khai THAAD cho tới khi chính quyền kế nhiệm của Hàn Quốc đã ổn định. Ông cũng đề xuất kiến nghị rằng nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước Hàn Quốc nên tìm cách nối lại đàm phán với Mỹ.
Thời báo Hàn Quốc dẫn lời ông Moon hồi tháng trước: “Tôi không yêu cầu tiếp tục cũng không muốn rút lại kế hoạch triển khai. Tôi chỉ kêu gọi vấn đề được chính quyền kế nhiệm đưa ra tranh luận để đi đến một quyết định hợp lý”.
Thu Giang
(Theo CSM)