(Baonghean) - Ba tháng sau khi bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 2/11 lại vừa tăng tỷ giá đồng nội tệ của mình với mức mạnh nhất trong vòng một thập kỷ. Vượt qua những đồn đoán về khả năng nền kinh tế Trung Quốc đang xấu hơn dự kiến, giới chuyên gia vẫn cho rằng Trung Quốc đang thể hiện nỗ lực chuyển đổi sang một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn nhằm “ghi điểm” trước thời điểm Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) xem xét đề xuất đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ quốc tế trong tháng 11 này. 

Lên xuống thất thường

Cuối tuần trước, PBOC đã ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng NDT ở mức 6,3549 NDT đổi 1 USD, tương ứng mức tăng giá 0,07% so với phiên trước. Tuy nhiên, đến ngày 2/11, PBOC tiếp tục tăng giá NDT thêm 0,5% nữa lên 6,3154 NDT đổi 1 USD.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2005, thời điểm Trung Quốc bắt đầu chấm dứt chính sách neo vào USD. Hiện tại, Trung Quốc cho phép đồng NDT giao dịch trên thị trường ngoại hối nội địa với biên độ +/-2% quanh tỷ giá tham chiếu.

Ảnh minh họa - Internet
Đồng NDT đang mạnh lên so với USD. Ảnh: Internet

Đợt điều chỉnh tăng tỷ giá lần này diễn ra không lâu sau khi Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng NDT hồi tháng 8. Việc điều chỉnh đồng NDT lên xuống thất thường khiến dư luận lo ngại tình hình kinh tế nước này đang xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lập tức trấn an rằng, việc tăng giá đồng NDT chỉ là một đợt điều chỉnh theo nhu cầu thị trường, giúp tỷ giá phản ánh đúng hơn cung cầu thực do giá USD đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây có thể là một bước đi trong công cuộc cải cách cơ chế tỷ giá của Trung Quốc, cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỷ giá, từ đó dần bỏ việc can thiệp của nhà nước. Nếu với đợt phá giá kỷ lục hồi tháng 8, mục tiêu được nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện nền kinh tế trì trệ, thì đợt tăng giá lần này được lý giải là để cân bằng giữa nhu cầu bình ổn tài chính với thúc đẩy xuất khẩu. 

Triển vọng vào giỏ tiền tệ quốc tế

“Tỷ giá theo cơ chế thị trường” - đó là điều mà Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh nhằm đưa đồng NDT vượt qua “kỳ sát hạch” của IMF trong tháng 11 này để trở thành một đồng tiền trong giỏ tiền tệ quốc tế. 

Trong khi xem xét đồng NDT có là một đồng tiền có thể tự do sử dụng hay không, IMF với 188 nước thành viên sẽ phải đánh giá sự độc lập của PBOC trong sự biến đổi tỷ giá đồng NDT. Nếu đồng NDT được giao dịch với quy mô lớn, nhưng vẫn chịu sự tác động về chính trị - chính là sự tác động từ PBOC thì sẽ gây khó cho các nhà đầu tư khi sử dụng đồng tiền này. 

Đồng NDT được giao dịch ở mức 6,3154NDT/USD. Ảnh: Internet

Trước thời điểm IMF cập nhật giỏ tiền dự trữ quốc tế, Trung Quốc đã nhận được những tín hiệu khả quan. Theo một số quan chức của IMF, khả năng đồng NDT vượt qua đợt xem xét lần này là khá cao khi đồng NDT đã cải thiện đáng kể trong thang điểm chuẩn về sử dụng làm đồng tiền dự trữ chính thức, trái phiếu và trong mua bán đồng tiền.

Trong khi đó, giống như lần trước, IMF nhận định đồng NDT đã đạt tiêu chí về tính phổ biến trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Ông Otaviano Canuto, Giám đốc điều hành IMF tại 11 vùng lãnh thổ cũng đánh giá cao các động thái thả lỏng tỷ giá theo định hướng thị trường của Trung Quốc gần đây, ví dụ như đợt phát hành trái phiếu có mệnh giá bằng đồng NDT tại London. 

NDT sẽ trở thành một đồng tiền trong giỏ tiền tệ quốc tế? Ảnh: Internet

Một thống kê hồi cuối tháng 8 cũng cho thấy, đồng NDT trở thành đồng tiền được thanh toán quốc tế nhiều thứ 4 trên thế giới, chiếm 2,79% thị phần. Ngoài ra, việc đưa NDT vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế cũng phù hợp với xu thế của định chế tài chính lớn nhất toàn cầu này, đó là cải thiện vị thế của IMF với người Trung Quốc. Hiện Trung Quốc và các thị trường mới nổi đang có vị trí ngày càng quan trọng trong IMF, vì vậy, nếu NDT trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ tiền tệ quốc tế sau USD, Euro, bảng Anh và Yên Nhật cũng là điều dễ hiểu. 

Theo các nhà phân tích, nếu đồng NDT của Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, ít nhất 1.000 tỷ dự trữ bằng đồng USD trên toàn cầu sẽ chuyển sang đồng NDT. Phát hành chứng khoán dưới danh nghĩa đồng NDT của các công ty nước ngoài, còn gọi là trái phiếu gấu trúc, có thể vượt quá 50 tỷ USD trong 5 năm tới. Tỷ trọng tiềm năng của đồng NDT trong giỏ tiền tệ quốc tế có thể đạt 13%.

Vì vậy, được gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế được xem như một "con dấu kiểm định" của IMF trên chặng đường quốc tế hóa của đồng NDT. “Con dấu kiểm định” này không chỉ khẳng định sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc, mà còn giúp nước này gia tăng đáng kể quyền lực mềm lên các đối tác quốc tế trong các quan hệ chính trị và ngoại giao khác. Bởi vậy, dù PBOC chưa có sự độc lập hoàn toàn trong sự vận động của đồng NDT, song bằng những đợt điều chỉnh vừa rồi, Trung Quốc đang cho thấy sự can thiệp của Nhà nước là theo hướng bám sát các tương tác của thị trường, phản ánh đúng giá trị thị trường của NDT. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN