Đã bao giờ bạn thử hình dung cái chết sẽ đến với mình như thế nào chưa?

Căn buồng có lửa giả bao vây xung quanh với nhiệt độ lên đến 40 độ C. (Ảnh: Internet)

Trải nghiệm cái chết không còn là một điều mới mẻ trên thế giới khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha đều lần lượt cho ra đời những dịch vụ “chết thử” theo đúng truyền thống và tín ngưỡng của dân tộc. Gần đây, người dân Trung Quốc lại được một phen xôn xao đón nhận dịch vụ “chết thử” đầu tiên ở đất nước này.

Theo đó, dịch vụ “chết thử” này được đặt ở quận Xintiandi thuộc thành phố Thượng Hải, trong một bảo tàng có tên gọi Xinglai (có nghĩa là “hồi sinh” trong tiếng Trung). Với mục đích mang lại trải nghiệm cái chết và sự hồi sinh, từ đó mang đến cho con người một cách nhìn hoàn toàn mới về cuộc sống, bảo tàng này hứa hẹn sẽ thu hút một lượng lớn khách tham quan.

Theo các tờ báo địa phương, mỗi lần sẽ có 12 người tham gia trải nghiệm “được chết” và chỉ riêng ngày đầu tiên đã nhận được 40 lượt đặt chỗ. Ngay sau đó, rất nhiều người đã nhanh tay đặt chỗ cho trải nghiệm kì lạ này đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng đặt chỗ đã đầy cho 2 tuần.

Đến đây, khách tham quan sẽ bắt đầu bằng một trò chơi nhằm khơi gợi suy nghĩ của họ về cuộc sống trước khi cho đi qua một căn buồng có lửa giả bao vây xung quanh với nhiệt độ lên đến 40 độ C, mô phỏng giây phút người quá cố được đưa vào lò hỏa táng. Cuối cùng, khách tham quan sẽ được tái sinh bằng cách đi qua một ống nhựa và chui ra ngoài - tượng trưng cho hình ảnh thai nhi chào đời. Được biết, mỗi khách sẽ tốn 444 nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu đồng) cho mỗi lần “chết thử” như vậy. Ông Ding Rui - người sáng lập của Xinglai, chia sẻ: “Bởi chúng ta không hề biết cái chết sẽ diễn ra như thế nào nên nỗi sợ cái chết dường như rất lớn”.

Cổng hồi sinh của Xinglai. (Ảnh: Chụp từ clip)

Mặc dù được sáng tạo với ý nghĩa tích cực tới cuộc sống con người và nhận được sự chú ý của dư luận nhưng trên một số diễn đàn của Trung Quốc, trải nghiệm chết thử này vẫn không tránh khỏi những bình luận tiêu cực. Một tài khoản tên iFantast nói: “Người ta dư tiền quá không biết làm gì rồi”. Một người khác thêm vào: “Có vẻ như người ta không muốn sống nữa rồi nhỉ?”.

Trước đó, những nhà sáng lập nên Xinglai đã thông báo ngày 4/4 sẽ là ngày khai trương của bảo tàng này, bởi số 4 trong tiếng Trung có phát âm gần giống như từ “chết”. Ngày 4/4 cũng là ngày đầu tiên của Lễ Thanh Minh - một dịp để người sống tưởng nhớ người quá cố và tổ tiên.

Theo một bài báo của CNN vào năm 2014, bảo tàng Xinglai từng được các nhà đầu tư phát triển theo hướng trò chơi “escape room” rất được ưa chuộng trên thế giới, nơi người tham gia phải trải qua nhiều vòng thử thách mà không bị "giết chết" giữa chừng. Tuy nhiên, sau khi huy động 410.000 nhân dân tệ cho jue.so - một trang web gây quỹ cộng đồng ở Trung Quốc, nhóm nghiên cứu đã phải sửa lại toàn bộ kế hoạch do thiếu hụt ngân sách. Cuối cùng, Xinglai được xây dựng lại từ đầu vào tháng 4/2015 và ra mắt công chúng với hình dạng của một bảo tàng “chết giả” như ngày nay. 

Theo Thegioitre

TIN LIÊN QUAN