Luật sửa đổi được thông qua vào ngày 9/10 kêu gọi chính quyền địa phương giải quyết nạn khủng bố bằng cách thành lập "trung tâm dạy nghề" để "giáo dục nhằm thay đổi những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan".
Các trung tâm này dạy tiếng phổ thông, khái niệm pháp lý đào tạo nghề và giáo dục tư duy, theo thông cáo trang web của chính quyền khu vực Tân Cương ở tây Trung Quốc, khu vực có hơn nửa dân số là người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc của LHQ hôm 10/8 cáo buộc Bắc Kinh giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại tỉnh Tân Cương. Ngày 31/8, họ cảnh báo về các trại "cải huấn chính trị" của Trung Quốc dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức.
Các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc tồn tại của các trung tâm cải huấn, nói rằng một số công dân được gửi đến các trung tâm dạy nghề vì phạm tội hình sự nhẹ.
Bắc Kinh từng tuyên bố Tân Cương phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phiến quân Hồi giáo và những kẻ ly khai, lực lượng gây căng thẳng giữa người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với dân tộc Hán chiếm phần đông người Trung Quốc.
Tuy nhiên, LHQ cho rằng Trung Quốc có "định nghĩa quá rộng về chủ nghĩa khủng bố và quan điểm mơ hồ về chủ nghĩa cực đoan, cũng như định nghĩa không rõ ràng về chủ nghĩa ly khai trong luật pháp Trung Quốc". Điều này có thể dùng làm lý do chống lại các dân tộc và tôn giáo thiểu số dù họ chỉ thực hiện các quyền của mình trong hòa bình.