Thung lũng Silicon giờ không còn là khái niệm thuộc về địa lý, mà đã trở thành biểu tượng, nguồn cảm hứng, nuôi dưỡng tư duy và nếp văn hóa dành cho dân công nghệ.
Năm 1991, dựa trên ý tưởng về một siêu văn bản, Tim Berners Lee đã phát minh ra World Wide Web (WWW), mở ra cuộc cách mạng, đưa lịch sử loài người sang một trang mới, nơi người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Kể từ đó, những ứng dụng đầu tiên lần lượt ra đời như trình duyệt Navigator 1.0, dịch vụ Web Mail…
Nằm ở miền Bắc California lúc bấy giờ, thung lũng Silicon được dùng để chỉ những nhà phát minh và hãng sản xuất loại chip silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic). Dần dần nó trở thành biểu tượng đồng nghĩa với công nghệ cao, sự đổi mới, là miền đất hứa của các công ty khởi nghiệp cũng như được những ông lớn gọi một cách đơn giản là “nhà”.
Thung lũng Silicon chỉ có một và duy nhất ở Mỹ…
Trong những năm gần đây, thung lũng Silicon gây chú ý nhiều hơn với sự xuất hiện của một loạt các công ty như Facebook, Google, Apple hay Intel. Nó đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực mang tính thúc đẩy sự phát triển các thành phố như Palo Alto, Mountain View và Cupertino. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thung lũng Silicon không nhất thiết phải là một địa điểm cụ thể, nó có thể tồn tại chỉ với tư cách là một khái niệm tư duy.
Nơi đây được biết đến như một trung tâm công nghệ xuyên suốt nhiều thập kỷ. Từ khu công nghệ quân sự của Hải quân và Hàng không vũ trụ Mỹ những năm 1930, cho tới các cụm công ty điện báo, đài phát thanh và các trường đại học. Tất cả đã đặt nền móng cho thung lũng Silicon thời điểm hiện tại.
Các nhà đầu tư và các công ty lớn bị thu hút tới đây bởi các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có sẵn. Đổi lại, điều này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc làm và các điều kiện khác về nhà ở trong khu vực.
Những người sống và làm việc tại thung lũng này đã ủng hộ quan điểm về một Silicon độc nhất vô nhị bằng cách lập nên các cộng đồng nhỏ nhằm trao đổi ý tưởng và thúc đẩy sự phát triển nền văn hóa riêng.
… hay chỉ tồn tại trong tư duy?
Mặc dù nước Mỹ còn rất nhiều những trung tâm công nghệ khác mọc lên trên khắp nơi gồm New York, Los Angeles, Carolina… tuy nhiên không đâu có được quy mô, phạm vi, và tầm ảnh hưởng như thung lũng Silicon.
Có lẽ lý do bởi những trung tâm công nghệ xuất hiện sau này không có nhiều thời gian phát triển để nuôi dưỡng lối tư duy cũng như nếp văn hóa mà thung lũng Silicon đã mất cả thập kỷ để hình thành.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc và Israel, gần đây gây bất ngờ với những đột phá về công nghệ đã chứng minh không chỉ Mỹ mới có “thung lũng Silicon”. Thương hiệu này có thể tồn tại và khơi nguồn cảm hứng như một khái niệm trong tư duy của mỗi người.
Tạp chí Forbes từng đăng một bài báo về hoạt động đầu tư mạo hiểm khi đặt trụ sở công ty sản xuất ôtô ở những địa điểm cách xa Silicon, mà tiêu biểu là siêu nhà máy Gigafactory của tỷ phú Elon Musk ở sa mạc Nevada. Thành công của khoản đầu tư không phụ thuộc 100% vào vị trí địa lý mà còn bị chi phối bởi các yếu tố khác như nguồn vốn, yếu tố con người...
Dieter Zetsche, CEO Daimler - công ty sản xuất ôtô của Đức thích thú chia sẻ: “Sau khi tiếp xúc với các công ty lớn tại thung lũng Silicon, đội ngũ nhân viên của chúng tôi dường như được khuyến khích và truyền cảm hứng. Tốc độ làm việc, khả năng chịu áp lực, chấp nhận thất bại đều được cải thiện một cách đáng kể”.
Sau tất cả, thực tế đã chỉ ra rằng, không phải cứ khởi nghiệp ở Silicon thì công ty hay doanh nghiệp sẽ gặt hái được thành công. Bất cứ thành phố nào cũng có thể trở thành trung tâm công nghệ và bất cứ quốc gia nào cũng có thể sở hữu những “thung lũng Silicon” của riêng mình nếu những người đứng đầu có khả năng tư duy và vận dụng tốt. Trong tương lai, rất có thể sẽ xuất hiện những “thung lũng công nghệ” khác, cùng nhau phát triển, thay đổi toàn diện bộ mặt công nghệ của thế giới này.
Theo Zing.vn