Trung Quốc vừa cho đăng tải một bức ảnh tiêm kích hạng nhẹ J-10C của Không quân nước này thử nghiệm với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều.
J-10 là tiêm kích hạng nhẹ con cưng của Không quân Trung Quốc, nó được cho là thiết kế dựa trên công nghệ của chiếc Lavi có nguồn gốc từ Israel.
So với Lavi, tiêm kích J-10 ứng dụng nhiều công nghệ mới, thành tựu của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc như radar mảng pha quét chủ động (AESA), hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số và các loại tên lửa không đối không, đối đất, đối hạm tối tân.
Mặc dù tự cho rằng J-10 là tiêm kích hạng nhẹ tốt nhất thế giới, vượt trội cả F-16 lẫn Mirage 2000 về độ cơ động lẫn năng lực không chiến tầm xa nhưng điều khiến Trung Quốc cảm thấy chưa vui chính là chiếc J-10 vẫn còn sử dụng động cơ Nga, loại AL-31FN kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC).
Nếu muốn thoát xác hoàn toàn khỏi Nga và nâng cấp chiếc J-10 lên cấp cao hơn nữa thì phương án khả thi nhất đã được nêu ra chính là bổ sung cho nó động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC), điều đó sẽ khiến cho J-10 có độ cơ động tương đương Su-35S.
Trung Quốc đã mong mỏi việc này từ lâu nhưng phải đến năm ngoái, khi họ tiếp nhận dòng chiến đấu cơ tối tân Su-35SK từ Nga thì mọi việc mới tiến triển thuận lợi hơn nhờ tiếp cận được động cơ AL-41F1S.
Mặc dù Nga đã hàn kín nhiều bộ phận của động cơ này nhằm khiến Trung Quốc không thể sao chép nhưng nhờ năng lực thiết kế ngược siêu đẳng mà họ trước tiên cho ra biến thể J-11D sao chép nguyên gốc và mới nhất là phiên bản J-10 lắp động cơ 3D TVC.
Quan sát bên ngoài thì có thể nhận thấy động cơ của J-10 có một số điểm tương đồng với cả WS-10B chuẩn thế hệ 5 mà nước này đang dự định trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20 lẫn loại AL-41F1S lắp trên Su-35SK.
Nếu thực sự Trung Quốc kết hợp được hai công nghệ tối tân trên các loại động cơ trên cho chiếc J-10 thì đây sẽ là một chiếc tiêm kích cực kỳ đáng gờm khi nó vừa có sức cơ động cao nhờ động cơ 3D TVC kết hợp cánh mũi lại vừa có khả năng bay siêu âm toàn hành trình không cần bật tăng lực lẫn che giấu tín hiệu hồng ngoại.
Tuy nhiên điểm yếu cốt lõi mà động cơ Trung Quốc vẫn chưa khắc phục được chính là độ bền vật liệu khi số giờ sử dụng chỉ bằng một nửa động cơ Nga, trong khi động cơ 3D TVC thường có độ hao mòn rất cao.
Vì vậy dự đoán rằng sẽ còn một quãng đường rất dài nữa trước mắt các kỹ sư quân sự Trung Quốc.
Theo Baodatviet