Thừa nhận này được Viện Khoa học Trung Quốc đưa ra khi công khai chương trình theo dõi ngầm của mình, một trong những hệ thống cảm biến được Trung Quốc đặt ở dưới đáy rãnh Marianas, khu vực sâu nhất của đại dương trên thế giới. Trong khi một hệ thống khác được đặt ở vùng biển ngoài khơi một hòn đảo của Micronesia.
Theo Viện Khoa học Trung Quốc, tất cả hệ thống cảm biến của nước này được đặt trong bán kính 500 km quanh đảo Guam và có khả năng phát hiện tín hiệu trong phạm vi 1.000 km.
Nguồn tin này nhấn mạnh, mạng lưới cảm biến tình báo của Trung Quốc đã quan sát mọi động thái của các tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của hải quân Mỹ hoạt động gần đảo Guam trong thời gian qua.
Cùng với việc công khai theo dõi Mỹ ở Guam, mới đây Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết, nước này có kế hoạch đưa tổng cộng 20 cảm biến xuống Biển Đông.
Trong những hệ thống cảm biến này, gồm 8 cảm biến đã đưa đến Biển Đông từ tháng 9/2016 đều nằm trong một dự án quan sát toàn cầu. Tổng cộng cả hệ thống có 3.800 cảm biến rải rác trên khắp thế giới.
Theo thiết kế, cứ sau 5 ngày cảm biến của Trung Quốc sẽ tự động lặn xuống dưới 2 km để thu thập thông tin và nổi lên để truyền tín hiệu cho vệ tinh định hướng Bắc Đẩu. Để duy trì hoạt động liên tục của cảm biến này, Trung Quốc sẽ đưa 10 cảm biến mới xuống Biển Đông mỗi năm để thay thế cho những cảm biến cũ hết năng lượng.
Bình luận về việc Trung Quốc rải hệ thống cảm biến dưới đáy Biển Đông, ông Bryan Clark - cựu cố vấn đặc biệt của giới lãnh đạo các chiến dịch hải quân Mỹ cho rằng, đây là một âm mưu lớn của Bắc Kinh, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự.
Vị chuyên gia Mỹ cho biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã tìm mọi cách để phát hiện các liên lạc bằng cáp ngầm và thiết bị cảm biến của nhau để thu trộm trong thời bình, hoặc cắt đứt trong thời chiến.
Được biết, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài các tàu đo đạc âm hưởng chuyên dụng để phát hiện âm thanh, hải quân Mỹ đã từng triển khai rộng khắp một mạng lưới các thiết bị cảm biến dưới nước thuộc “hệ thống giám sát âm thanh” chuyên theo dõi các tàu ngầm Liên Xô.
Hải quân Liên Xô cũng từng có những thiết bị dạng này, được rải xuống đáy các khu vực biển gần nước mình để ngăn chặn khả năng bị tàu ngầm Mỹ xâm nhập. Tuy nhiên, sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, chương trình này không rõ có còn được duy trì hay không.
Về phần Washington, tuy số lượng các thiết bị cảm biến đã giảm xuống nhưng hệ thống tại Thái Bình Dương vẫn còn tương đối hoàn chỉnh. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực phát triển công nghệ theo dõi, giám sát mới, chuyên dụng để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.
Trong kế hoạch phát triển các hệ thống săn ngầm của Cục quản lý các dự án nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ có một dự án phát triển mạng vệ tinh giám sát hải dương phiên bản mới, kết hợp với các thiết bị nghe trộm âm thanh dưới nước thế hệ mới.
Các thiết bị chặn thu âm thanh dạng robot sẽ được triển khai tại tất cả các vùng nước nông và nước sâu trên đại dương, có khả năng phát hiện và theo dõi toàn bộ các loại tàu ngầm động cơ thông thường và động cơ hạt nhân của các nước trên thế giới.
Vị chuyên gia Mỹ nhận định rằng, trước sức ép của tàu ngầm Mỹ, Nhật và cả các nước Đông Nam Á trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng có ý định tiến hành những hoạt động trinh sát tàu ngầm dưới đáy biển, đồng thời tìm cách chặn thu các thông tin cáp ngầm.
Dù chưa rõ trình độ của Trung Quốc đến đâu nhưng rõ ràng đây là bước đi đầy nguy hiểm của Bắc Kinh đối với các nước trong khu vực, vị chuyên gia Mỹ nhận định.