Những hành động của Trung Quốc một lần nữa thể hiện thái độ coi thường luật quốc tế của một nước được xem là nước lớn trên thế giới.
Với tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc (TQ) hiện đang không ngừng thúc đẩy các hình vi nhằm củng cố các yêu sách của mình trên Biển Đông. Một trong những động thái gần đây nhất của nước này kế hoạch đăng ký Con đường tơ lụa trên biển lên UNESCO và đề nghị công nhận đây là một di sản văn hoá thế giới của TQ.
Song song với việc đệ trình đơn lên UNESCO, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiến hành khai quật các con tàu bị đắm xung quanh hai đảo Hoàng Sa và Quan Ảnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong vòng hai năm tới. Đồng thời nước này cũng đã lên chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa từ đầu năm nay.
Đảo Hoàng Sa thuộc cụm Lưỡi Liềm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Google Earth/ TNO
Trên thực tế, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá dưới nước được quy định khá rõ ràng và chi tiết trong một số điều ước quốc tế quan trọng, trong đó quan trọng nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Công ước UNESCO về bảo vệ các di sản văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới 1972 (Công ước UNESCO 1972) và Công ước UNESCO về Di sản văn hoá dưới nước 2001 (Công ước UNESCO 2001).
Đòi bảo tồn cả di sản của Việt Nam
Đầu tiên, cần phải lưu ý rằng hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc đều không phải là thành viên của Công ước UNESCO 2001, vì thế Công ước này không có giá trị ràng buộc với cả hai nước. Do đó, trong trường hợp này, chỉ có UNCLOS 1982 và Công ước UNESCO 1972 sẽ được áp dụng.
Công ước UNESCO 1972 đặt ra nghĩa vụ xác minh, bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hoá trong phạm vi lãnh thổ của mình. Việc Trung Quốc đưa luôn cả những cổ vật, di sản nằm trong các vùng nước thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào các chương trình bảo tồn và đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới là hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của của Công ước UNESCO 1972.
Công ước UNCLOS 1982 đặt ra nghĩa vụ chung cho tất các các quốc gia phải "bảo vệ các di vật khảo cổ và lịch sử trên biển" và phải "hợp tác vì mục đích này". Điều khoản này áp dụng cho tất cả các vùng đáy biển, cho dù quy chế pháp lý của vùng đó là gì.
Ngoài ra, Công ước cũng đưa ra các quy định cụ thể hơn áp dụng cho hai vùng biển là vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đáy biển nằm ngoài quyền tài phán của quốc gia có tên là Vùng. Theo đó, trong vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước cho phép các quốc gia thực hiện mọi sự kiểm tra cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt việc di dời các di vật khảo cổ và lịch sử khỏi đáy biển thuộc vùng này. Trong Vùng, Công ước quy định tất cả các di vật khảo cổ hoặc lịch sử đều phải được bảo tồn hoặc sử dụng vì lợi ích của nhân loại nói chung.
Đối với các vùng biển khác, cụ thể, trong vùng nội thuỷ và lãnh hải nơi mà quốc gia ven biển có đầy đủ chủ quyền, các quy định nội luật của quốc gia đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh việc khai quật, sử dụng các di vật. Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, việc khai quật, sử dụng hay bảo tồn các di sản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không được Công ước nhắc đến. Tuy vậy, cần lưu ý rằng, mặc dù quốc gia ven biển có quyền chủ quyền, tức là quyền được ưu tiên khai thác, sử dụng các "tài nguyên thiên nhiên" trong hai vùng biển này, thuật ngữ này không bao gồm các di vật khảo cổ và lịch sử.
Vì thế, hầu hết các học giả đều đồng ý rằng quy chế tự do biển cả sẽ được áp dụng đối với các hành vi liên quan đến các di vật này. Khi ấy, quyền lợi chính đáng của tất cả các bên liên quan đều phải được tính đến đúng theo tinh thần của Điều 59 UNCLOS 1982, theo đó những xung đột về quyền lợi giữa quốc gia ven biển và các quốc gia khác sẽ được giải quyết trên cơ sở công bằng và các hoàn cảnh hữu quan, có tính đến lợi ích của các bên cũng như của cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, qua những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, Con đường tơ lụa trên biển mà TQ dự định đệ trình lên UNESCO bao gồm cả các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, theo quy định của UNCLOS 1982, Trung Quốc không có quyền đơn phương tự ý khai quật các cổ vật, thực hiện các chương trình bảo tồn như đã đề ra hay yêu cầu UNESCO công nhận là di sản thế giới.
TQ không có quyền độc chiếm di vật
Dù các cổ vật, di sản nằm trong vùng biển nào thì nghĩa vụ quan trọng nhất mà UNCLOS 1982 đặt ra cho các quốc gia thành viên là nghĩa vụ hợp tác để bảo vệ các di sản văn hoá dưới nước. Đây là một nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, theo đó khi quốc gia từ chối hoặc phớt lờ các yêu cầu hoặc đề nghị của các quốc gia khác để bảo vệ và bảo tồn các di sản dưới nước, quốc gia này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế.
Các quy định này cho thấy các quốc gia không thể tiến hành đơn phương bất cứ hành động nào liên quan đến các di vật khảo cổ, văn hoá dưới biển. Ngược lại, các học giả đều khẳng định rằng các tuyên bố và quyền lợi của quốc gia khác cần phải được xem xét đến trong quá trình bảo tồn hoặc sử dụng các di sản này.
Công ước UNESCO 2001 (dù không ràng buộc với Việt Nam và Trung Quốc) cũng quy định rất rõ và nhấn mạnh nghĩa vụ hợp tác thông báo, tham vấn với các nước có liên quan. Điều này càng khẳng định tinh thần chung của luật quốc tế đối với việc trục vớt, khai thác di sản dưới nước là đề cao tinh thần hợp tác giữa các bên.
Như vậy, có thể thấy cho dù quy chế pháp lý của các vùng biển mà Trung Quốc dự kiến khai quật hay của Con đường tơ lụa mà Trung Quốc dự định đệ trình lên UNESCO là như thế nào, luật quốc tế đã chỉ rõ Trung Quốc không có quyền độc chiếm các di vật và thực hiện các hoạt động này một cách đơn phương.
Hơn nữa, đáng chú ý là, khu vực mà Trung Quốc yêu cầu UNESCO công nhận là di sản và dự định tiến hành chương trình bảo tồn là vùng biển nằm trong tranh chấp với các quốc gia láng giềng khác, bao gồm cả Việt Nam. Trong khu vực tranh chấp, UNCLOS 1982 quy định các bên phải có nghĩa vụ đàm phán và nếu có thể, áp dụng các biện pháp tạm thời, tránh làm thay đổi hiện trạng.
Hơn nữa, điều 300 của Công ước cũng đặt ra cho các quốc gia nghĩa vụ phải áp dụng Công ước một cách thiện chí và không được lạm dụng các quyền tự do của mình theo Công ước. Những hành động của Trung Quốc như trên rõ ràng đã đi ngược lại hoàn toàn với các yêu cầu này, một lần nữa thể hiện thái độ coi thường luật quốc tế của một nước được xem là nước lớn trên thế giới.
Theo.VTC.new