Trong mâm cơm đãi khách của người Thái ở xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn thường thiếu vắng món trứng. Từ trứng chiên, canh trứng hay trứng luộc đều không được mang ra đãi khách. Rất ít khách lạ đến địa bàn này để tâm đến điều đó.

bna_trung_ga_trong_quan_niem_tam_linh_nguoi_thai9110217_312018.jpgQuả trứng gà là thứ không thể thiếu trong nhiều nghi lễ tâm linh của cộng đồng người Thái ở Nghệ An. Trong ảnh là đôi trứng trong lễ gọi vía. Ảnh: Hữu Vi
Người ta chỉ nhận ra “nét lạ” này khi bắt gặp người Thái quê Mỹ Lý đi đến một vùng người Thái khác. Một giáo viên trong dịp nghỉ lễ vượt quãng đường núi dài gần 200 cây số về huyện Con Cuông thăm bạn, anh ta lấy làm lạ khi mâm cơm đãi khách nhà người bạn có khá nhiều trứng chiên và luộc. Là chốn thân tình, nhà giáo mới hỏi: “Cho khách ăn trứng không sợ lần sau họ chẳng đến nhà chơi nữa à?”
 
Xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là nơi mà cư dân rất hiếu khách. Món trứng thường không có trong mâm cơm đãi khách của họ. Ảnh : Hữu Vi
Rất khó kiến giải nguyên do vì sao người Thái ở Mỹ Lý lại kiêng không mời khách ăn trứng. Chẳng có một giai thoại dân gian nào nói về điều này. Tuy nhiên, quả trứng, cụ thể là trứng gà trong quan niệm tâm linh của người Thái không chỉ có vậy.
 

Trong một cuộc chuyện trò lúc trà dư tửu hậu với một cán bộ xã ở huyện Quế Phong, từ chuyện nọ xọ chuyện kia, chúng tôi vô tình bàn đến vai trò của quả trứng gà trong văn hóa tâm linh người Thái. Chị cán bộ xã thế hệ 8X ví von rằng: “Quả trứng gà trong ngày cưới như tấm giấy chứng nhận kết hôn cho cặp vợ chồng mới”.

Ý kiến này khiến tôi nhớ đến một phần quan trọng trong lễ cưới của cộng đồng người Thái. Khi đón dâu về, đôi vợ chồng mới cưới có bữa ăn chung khởi đầu cuộc sống vợ chồng. Bữa ăn không thể thiếu hai quả trứng luộc. Mỗi quả cắt làm hai nửa và cặp vợ chồng sẽ chia nhau mỗi người phải ăn hết hai nửa quả trứng. Đây là một nghi thức trong đám cưới.

Đó chưa phải là tất cả ý nghĩa tâm linh của quả trứng gà trong đời sống tinh thần cộng đồng người Thái. Một điều mà không phải ai cũng nhận ra kể cả cộng đồng người Thái rằng quả trứng gà theo suốt một vòng đời con người. Những quả trứng gà xuất hiện trên mâm cúng ngày lễ đặt tên của đứa trẻ. Rồi đến khi chết đi, trong lễ cử hành tang ma của một số dòng nhóm người Thái, thầy mo dùng trứng trong nghi lễ để hỏi xem người chết muốn chọn  nơi an nghỉ cuối cùng của mình ở đâu?
Trong bữa cơm đầu tiên sau lễ cưới, các cặp vợ chồng chia nhau mỗi người 2 miếng trứng như để mong ước một niềm tin về cuộc sống hạnh phúc, viên mãn. Ảnh: Hữu Vi
Trong nghi lễ này, quả trứng đóng vai trò là tín hiệu giúp người thầy mo biết được linh hồn của người quá cố chọn điểm chôn cất thân xác. Thầy mo cầm theo quả trứng ném xuống đất. Trứng vỡ là tín hiệu cho linh hồn người chết đã chọn lựa được nơi yên nghỉ.
 

Cũng như tục kiêng mời khách ăn trứng, người ta không thể truy vấn nguyên do vì sao nó lại được các thầy mo chọn làm vật “tín hiệu” để kết nối giữa người sống và những linh hồn. Thế nhưng có một thực tế là những nghi lễ liên quan đến trứng gà trong văn hóa người Thái đã có từ rất lâu đời.